Báo Đồng Nai điện tử
En

Vĩnh biệt Đại tướng Mai Chí Thọ
Ông Bí thư T1 với giai đoạn bi hùng ở miền Đông

10:06, 01/06/2007

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm (tức Bảy BK) nhớ khá rõ lần gặp lại người đồng hương Nam Định của mình là Mai Chí Thọ ở chiến khu Đ. Đó là vào cuối tháng 12-1959 khi ông vừa cùng đơn vị C59 và 50 thanh niên Lý Lịch, Bù Cháp đi Bù Na tải gạo về đến cứ thì được Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến), Trưởng ban quân sự miền Đông kêu lên báo cáo tình hình.

Đại tướng Mai Chí Thọ tại lễ kỷ niệm 51 năm thành lập Khu ủy miền Đông.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm (tức Bảy BK) nhớ khá rõ lần gặp lại người đồng hương Nam Định của mình là Mai Chí Thọ ở chiến khu Đ. Đó là vào cuối tháng 12-1959 khi ông vừa cùng đơn vị C59 và 50 thanh niên Lý Lịch, Bù Cháp đi Bù Na tải gạo về đến cứ thì được Tám Kiến Quốc (Nguyễn Hữu Xuyến), Trưởng ban quân sự miền Đông kêu lên báo cáo tình hình. Trên đồi Băng  Lăng đang diễn ra cuộc họp triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương. Đồng chí Mai Chí Thọ nhìn thấy Bảy BK liền hỏi: "Tâm có khỏe không? Lâu quá mới gặp nhau. Hay quá, tôi đưa cậu vào thăm anh Nguyễn Văn Linh!". Và đồng chí Mai Chí Thọ kéo tay ông Tâm đưa vào chỗ đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ nói với vẻ tự hào: "Cậu này là bí thư phá khám Tân Hiệp đây anh!". Ông Bảy Tâm còn nhớ là lúc đó ông Linh ôm lấy ông và nói: "Vui mừng được gặp cậu! Đúng là một chàng trai trẻ tuấn tú đã lập nên kỳ tích lớn. Chúng tôi đánh giá cao chiến công của anh em chiến sĩ cộng sản trong nhà lao Tân Hiệp. Cuộc phá khám cứu nhiều cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng!". Còn Xứ ủy viên Mai Chí Thọ thì nói: "Cậu khá lắm, ăn nhau ở ý chí. Chuẩn bị vào trận đánh mới. Chúc cậu lập công!".

 

* Chính trị viên trận tập kích Tua Hai lịch sử

 

Trận đánh mới là trận Tua Hai - trận tập kích mở màn cho đồng khởi ở miền Đông Nam bộ, do  Tám Kiến Quốc làm chỉ huy trưởng, Tám Cao (bí danh của đồng chí Mai Chí Thọ) làm Bí thư chính trị viên. Đại tướng Mai Chí Thọ đã ghi lại trong hồi ức lịch sử của mình như sau: "Cuối năm 1959, văn bản Nghị quyết 15 mới tới Xứ ủy Nam bộ. Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một nghị quyết nào của Đảng lại làm cho chúng tôi vui sướng đến như thế! Mặc dù còn thòm thèm một cái gì đó dứt khoát hơn, mãnh liệt hơn, nhưng sau một thời gian dài từ 1954 đến 1959 bị dồn ép, phải nín nhịn, bó tay, không được hoạt động võ trang, chịu đựng những tổn thất nặng nề, nay với Nghị quyết 15, chúng tôi đã được giải thoát khỏi tình hình đen tối và bế tắc. Sức mạnh hào hùng đầy sáng tạo  của nhân dân và lực lượng cách mạng miền Nam đã được giải phóng". Đồng chí Mai Chí Thọ cũng cho biết thêm: "... Sau Nghị quyết 15 kiểm lại số đảng viên toàn miền thì mới thấy số lượng như sau: sau năm 1954 toàn Miền còn 21 ngàn đảng viên, đến đầu năm 1960 chỉ còn lại gần 800 đảng viên. Lớp bị bắt, lớp phải tạm tránh né mất liên lạc, lớp thì nao núng, thậm  chí một số mất tinh thần đầu hàng, đầu thú. Chỉ còn lại một chi bộ ở Biên Hòa và 3 chi bộ của Gia Định, còn lại hoạt động đơn tuyến".Trước tình hình đó, với cương vị Xứ ủy viên dự khuyết phụ trách Sở Công an Nam bộ,  rồi Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Mai Chí Thọ được phân công về miền Đông mà cụ thể là chiến khu Dương Minh Châu và Chiến khu Đ để phổ biến Nghị quyết 15 cho lực lượng vũ trang của Xứ ủy. Tất cả chỉ huy bộ đội đều tiếp thu tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương với sự vui mừng khó tả và tha thiết được tổ chức đánh trận mở màn, mà Tua Hai là cứ điểm có lực lượng đông gấp 10 lần ta với cả ngàn khẩu súng sẽ là số vũ khí quý giá để ta tự trang bị cho ta và các địa phương để tiến hành đồng khởi cách mạng. Vừa mới được bổ sung thành Xứ ủy viên chính thức nhưng  đồng chí Mai Chí Thọ vẫn không khỏi băn khoăn, vì trong Nghị quyết 15 chỉ mới nói đến võ trang tuyên truyền và võ trang tự vệ, nên đánh tập kích quy mô như thế không biết có vi phạm Nghị quyết hay không và có hại gì cho hòa bình thế giới (lúc đó phe xã hội chủ nghĩa đều không đồng tình với chiến tranh vũ trang) không? Do vậy, đồng chí Mai Chí Thọ vội hỏa tốc báo cáo với Xứ ủy. Vài ngày sau, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh vào chiến khu trực tiếp nghe báo cáo tình hình. Sau một đêm dài trằn trọc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhất trí tiến hành trận tập kích Tua Hai. Đồng chí Mai Chí Thọ mừng rỡ dự thảo ngay một tờ truyền đơn vạch trần tội ác Mỹ, Diệm và kêu gọi nhân dân đồng khởi, kêu gọi sĩ quan, binh lính ngụy bỏ ngũ quay về với nhân dân. Tờ truyền đơn được  viết dưới danh nghĩa quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam. Bí thư Xứ ủy đồng ý với nội dung truyền đơn, nhưng đồng chí đề nghị sửa lại danh xưng là "Lực lượng nhân dân tự vệ miền Nam Việt Nam" cho phù hợp với Nghị quyết 15. Xứ  ủy viên Mai Chí Thọ lại đề nghị với Bí thư Xứ ủy cho mình được tham gia trận đánh. Đồng chí Nguyễn Văn Linh chấp nhận và chỉ định đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Tư lệnh mặt trận là Tám Kiến Quốc, Phó tư lệnh là Tám Lê Thanh và Mười Năng (bác sĩ Võ Cương)  là ủy viên Ban chỉ huy.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trọng Tâm cho rằng: "Kết quả thắng lợi to lớn trận Tua Hai đem lại sức sống mới cho cách mạng miền Nam, đặc biệt là quân đội Khu miền Đông". "29 Tết năm đó (27-1-1960), anh Tám Kiến Quốc và anh Mai Chí Thọ cùng các đơn vị đón giao thừa tại Đồng Rùm ...".

 

* Chỉ đạo xoi đường nối Trường Sơn với chiến khu Đ

 

Vào đầu tháng 7-1960, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông (Quân khu miền Đông) và Khu ủy miền Đông (lấy mật danh là T1) (được chính thức thành lập, đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tại Suối Linh (gọi là căn cứ 820) thuộc chiến khu Đ. Khu  ủy miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao) làm Bí thư, Chỉ huy trưởng là Tám Kiến Quốc, chỉ huy phó là Tư Thược (Lâm Quốc Đăng). Chính ở vùng chiến khu Đ này, vào năm 83 tuổi Đại tướng Mai Chí Thọ đã bồi hồi kể lại với nhà văn  -  tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hải: "Lá bép như cây sắn. Cây cao hơn, có cành cứng hơn, không giống bồ ngót. Còn rau tàu bay, lá bướm, lá tam lang, đọt lụa, mềm chát. Lá bướm gần giống như tàu bay nhưng lá hơi tròn, nấu canh rất ngọt". Và ông còn cho rằng: "Chưa thấy rừng nào như Chiến khu Đ, người ta sống về trái cây rừng, guồi, dâu, vải, mít nài, xoài mút...". Còn nói đến thịt tươi, thì ông ngậm ngùi: "Tôi ở khu Mã Đà, có con voọc giống như con khỉ, ăn toàn trái cây. Thế mà cơ quan của khu ủy gần 100 cơ quan, đơn vị. Lúc gặp khó khăn, giặc lập ấp chiến lược ác liệt. Cán bộ phải trồng khoai sắn, đào củ mài, củ chụp, ăn trái rừng. Tôi chỉ tính mỗi cơ quan buộc phải đi bắn con voọc, mỗi cơ quan chỉ một con. Thương lắm, nhưng tình thế buộc phải bắn. Trong bốn năm, ngày nào cũng 100 con voọc chết. Một tháng tới 3.000 con. Hỏi vậy trái cây cỡ nào. Vậy mà giặc thả chất độc hóa học không còn gì, mình vì cuộc sống bức bách mà phải làm. Cá trên sông Bé, giặc thả thuốc độc, cá nổi  chết hết".

Ông Bảy Tâm thì nhớ đến thời điểm này chuyện Bí thư T1 Tám Cao và Chỉ huy trưởng Tám Kiến Quốc kêu ông lên giao nhiệm vụ mới: Lập đoàn công tác mở đường  để đón đoàn B90 từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, mở ra con đường huyết mạch để vận chuyển lương thực, vũ khí ... Bí thư Tám Cao nói rõ: "Ta tuyển quân của C200 và lấy biệt danh là C200 rồi tự cắt rừng đi và phải hết sức giữ bí mật để đến tháng 7 năm nay là gặp được đoàn B90 ở Bù Pugur bên hữu ngạn bờ sông Đồng Nai thượng. Các đồng chí tự tìm đường tiến về phía Lâm Đồng, phải đảm bảo bí mật tuyệt đối vì con đường chi viện này chính là mạch máu tiếp cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi rất tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này cho đồng chí, vì đồng chí có kinh nghiệm trong công tác. Trên đường đi sẽ gặp nhiều trở ngại cần "tùy cơ ứng biến,". Không đi đường mòn, không  gặp được dân!".

Ngày 30-8-1961, đoàn cán bộ đông nhất từ Trung ương tăng cường cho miền Nam với tên gọi Đoàn Phương Đông I, sau 118 ngày hành  quân vất vả theo con  đường hành lang Bắc Nam do C200 và B90 mở đường đã về đến Mã Đà, mở ra dấu mốc thông đường Trường Sơn.

Vào năm 1965, khi đã là Thường trực Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Tám Cao cũng rất nhiều lần có mặt trên đất  Đồng Nai. Trong hồi ức của ông những lần thoát hiểm vượt sông Lòng Tàu, sông Ông Kèo, dừng chân tại rừng Sác, đỗ bộ lên khu căn cứ lòng chảo Nhơn Trạch hoặc  theo giao liên vượt sông Đồng Nai đến Tam An, Tam Phước, Long Phước  là những kỷ niệm  khó quên. Đặc biệt là đối với vùng rừng núi chiến khu Đ. Đại tướng Mai Chí Thọ cho biết: "Chính ở căn cứ chiến khu Đ, lần  đầu tiên trong đời hoạt động  cách mạng ông mới được  sống và làm việc trong nhà (lán được làm riêng cho cán bộ lãnh đạo). Trước đó mấy chục năm, ông toàn ăn nhờ, ở đậu trong nhà dân thuộc đủ mọi tầng lớp !"...

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều