Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân ngày truyền thống Người cao tuổi (6-6)
Người cao tuổi - vốn quý của nhân loại

10:06, 04/06/2007

Ngày nay, do sự tăng dân số và những tiến bộ vượt bậc của nền y học cũng như nhiều ngành khoa học khác, loài người đang đứng trước một hiện tượng mới mẻ. Lớp người cao tuổi ngày càng tăng về số lượng tuyệt đối và chiếm một tỷ lệ quan trọng trong xã hội.

Già làng Năm Nổi, dân tộc Châu Ro ở xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu. (Ảnh : T.L)

Ngày nay, do sự tăng dân số và những tiến bộ vượt bậc của nền y học cũng như nhiều ngành khoa học khác, loài người đang đứng trước một hiện tượng mới mẻ. Lớp người cao tuổi ngày càng tăng về số lượng tuyệt đối và chiếm một tỷ lệ quan trọng trong xã hội.

 

Trên thế giới, tuổi thọ bình quân của con người thời đại đồ đồng là 18, thời đại đồ sắt là 20, thế kỷ 18 là 35, hiện nay là 73.

Ở Việt Nam, tuổi thọ bình quân trước năm 1945 là 32, năm 1979 là 66, năm 1989 là 68, năm 2000 là 71...

Năm 1950, toàn thế giới có 214 triệu người cao tuổi, năm 1975 có 346 triệu và đến năm 2050 sẽ tăng từ 600 triệu hiện nay lên gần 2.000 triệu. Đến lúc đó, tuổi thọ trung bình sẽ là 78-80. Sự gia tăng này xuất hiện ở cả những nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Điều đáng chú ý thì trong số người có tuổi cao thì số người rất già (theo quy ước từ 80 tuổi trở lên) có tốc độ tăng nhanh nhất.

Theo kết quả điều tra dân số (1-4-1999), tổng số người cao tuổi ở nước ta, tính từ 60 tuổi trở lên, là 6.199.600 người, chiếm 8,12% dân số cả nước, trong đó 58,46% là nữ và 41,53% là nam.

Môi trường sống ở thành thị kém hơn ở nông thôn, nhưng số cụ già sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn.

Về đời sống vật chất, có 34% người cao tuổi ở mức sống thiếu thốn. Số người về hưu (18% người cao tuổi) tuy đời sống có khá hơn, nhưng cũng còn khó khăn. Khi được hỏi, có 39% người cao tuổi có nguyện vọng muốn được quan tâm chăm sóc, 25% muốn được bổ sung chế độ, chính sách để đời sống được cải thiện hơn, 22% mong muốn được tạo việc làm, 14% mong muốn được mọi người tôn trọng...

Người cao tuổi không riêng gì ở nông thôn có 54% muốn được tiếp tục làm việc, trong số đó 60% là để có thu nhập, 26% là để đóng góp cho xã hội, 14% là để rèn luyện sức khỏe.

Người cao tuổi là vốn quý của nhân loại trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài trí và kinh nghiệm. Phần lớn các nguyên thủ quốc gia, các nhà sáng chế phát minh, các nhà quản lý kinh tế lỗi lạc, tài năng đều chín muồi ở lứa tuổi 50 trở lên như: Pavlov, Einsten, Hải Thượng Lãn Ông, Victor Hugo, v.v... đều đạt những kỳ tích vào lứa tuổi đã cao. Phát minh vĩ đại nhất của Paplốp lại thuộc vào thời kỳ nhà bác học đã 83 tuổi. Trên cơ sở 60 năm nghiên cứu bền bỉ, ông đã đề xướng ra luận điểm nổi tiếng được các thế hệ sau coi là tiền đề của điều khiển học hiện đại. Tuổi trung bình của Viện sĩ hàn lâm y học Pháp đầu thế kỷ này là 60, nay lên 75,4.

Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cả một đời người, thế hệ người cao tuổi có nhiều năng lực tiềm tàng để tiếp tục có những đóng góp hết sức đáng trân trọng trong mỗi gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nước Việt Nam ta đã ghi nhận nhiều quyết định sáng suốt và công lao đóng góp to lớn của các bô lão. Cuối thế kỷ thứ XI, Lý Thường Kiệt đã 85 tuổi còn kiên quyết yêu cầu triều đình được đi đánh giặc ngoại xâm. Hội nghị Diên Hồng lịch sử vào năm 1.285 ghi lại một dấu son trong lịch sử về ý chí kiên cường, bất khuất, giữ vững độc lập, tự do của nhân dân ta mà tiếng nói quyết định của các bô lão là tiêu biểu cho ý chí kiên cường đó.

Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phấn đấu vượt lên nhiều mặt so với thế hệ cha anh. Song những mặt thuận lợi ấy chỉ được phát huy trên cơ sở biết kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết kết tục sự nghiệp của cha anh. Những biểu hiện phủ nhận sự nghiệp phấn đấu, hy sinh của lớp người đi trước hoặc coi thường kinh nghiệm của lớp người cao tuổi, thiếu quan tâm chăm sóc và chưa biết quý trọng những đóng góp rất đáng kính của người cao tuổi trong mỗi gia đình, trong các cộng đồng xã hội là những biểu hiện vừa trái với đạo lý thường tình, vừa không đúng với quy luật của sự kế thừa - phát triển.

"Kính lão đắc thọ" bắt nguồn từ lòng biết ơn sâu sắc đối với lớp người cao tuổi đã từng phấn đấu vất vả cả đời mình để nuôi dạy con cái, chăm lo hạnh phúc gia đình và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Chương trình hành động quốc tế (1992- 2001) vì người cao tuổi đề ra năm nguyên tắc cơ bản chỉ đạo sự phối hợp hành động trên quy mô toàn thế giới nhằm khắc phục hoặc hạn chế tình trạng bị lệ thuộc của người cao tuổi, bảo vệ các quyền của người cao tuổi được tham gia mọi công việc của cộng đồng, quyền được chăm sóc chu đáo khi cần thiết, quyền được phát huy bản sắc riêng và quyền được tôn trọng nhân phẩm.

Người cao tuổi trên đất nước ta hôm nay chính là nhân chứng của lịch sử, nhiều người đã trực tiếp làm nên lịch sử, góp phần cùng toàn dân lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là những lão thành cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng..., những người đã cống hiến trí tuệ, tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhiều người hiện nay vẫn còn gánh vác những trọng trách quan trọng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Một điều thật cảm động là có rất nhiều vị lão thành dù tuổi cao, sức yếu, vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp, nêu gương mẫu mực trong cuộc sống về ý thức lao động, tinh thần rèn luyện giữ gìn sức khỏe, tấm lòng nhân ái, vị tha...

Những người cao tuổi Việt Nam tiếp tục sống khỏe, sống vui, sống có ích để xứng đáng với sự tôn vinh và trách nhiệm cao cả mà Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Nguyễn Xuyến

 

Tin xem nhiều