Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động văn hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới

09:06, 18/06/2007

Xuất phát từ nhận thức chăm lo cho con người là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi đơn vị, của từng gia đình, Ðảng và Nhà nước ta chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

Xuất phát từ nhận thức chăm lo cho con người là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi đơn vị, của từng gia đình, Ðảng và Nhà nước ta chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

 

Từ quan niệm trên, xã hội hóa các hoạt động văn hóa trở thành một trong những chính sách văn hóa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới đất nước. Chúng ta tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong bối cảnh nước ta đang mở rộng hội nhập kinh tế thế giới.

Hội nhập kinh tế thế giới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho đất nước phát triển, nhưng cũng đồng thời là thách thức lớn nếu ta chưa có nội lực đủ mạnh. Trong quá trình hội nhập chúng ta phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế song song với việc phát triển văn hóa - xã hội, nhằm đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Trong hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta nhận thức rõ trách nhiệm giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trách nhiệm phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đó là nhân tố quan trọng tạo nên động lực và phương pháp để phát triển kinh tế đất nước. Phát triển kinh tế phải song song với phát triển văn hóa - xã hội, phải biết chọn lọc, gắn kết và giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam vào các hoạt động kinh tế kinh doanh. Kinh tế kinh doanh có vững mạnh thì việc sản xuất, tiêu dùng văn hóa mới có thể tự chủ và phát triển được.

Trước thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập kinh tế thế giới, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa cần được thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, hướng vào các nội dung: Biến các hoạt động văn hóa trở thành của toàn xã hội, được xã hội quan tâm và nuôi dưỡng; Sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động văn hóa phong phú, phù hợp với truyền thống, tập quán của dân tộc;  Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa; Đổi mới quản lý các hoạt động văn hóa, trong đó vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa; Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động văn hóa phát triển và tăng cường tài trợ cho các hoạt động văn hóa...

Xã hội hóa hoạt động văn hóa chính là đánh thức mọi tiềm năng của xã hội, trong lĩnh vực này không chỉ động viên được sức người, sức của mà còn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Tuy nhiên, nếu để công việc này phát triển một cách tự phát không tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định sẽ dẫn đến hỗn loạn thậm chí trái với mục đích xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng.

Chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa có những nét đặc thù riêng bởi văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội, là một thứ hàng hóa đặc biệt không giống với các sản phẩm hàng hóa khác, vì nó là giá trị tinh thần của xã hội cho nên không thể quy đổi thành tiền được. Bởi vậy định hướng cho việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa là vấn đề rất quan trọng. Đã có những luận điểm về "định hướng rộng", "nhân dân tự chọn món ăn cho mình"... dẫn đến nhiều tranh cãi. Rốt cuộc, qua thực tiễn, những luận điểm đó đã gây ra sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển tự phát.

Bản thân các hoạt động văn hóa luôn luôn đổi mới để đi tìm những giá trị mới, những đỉnh cao mới. Nhưng trong văn hóa lại có tính kế thừa nên mọi sự đổi mới đều phải dựa trên nền truyền thống. Con đường phát triển của văn hóa không bị gián đoạn mà liên tục phát triển. Quản lý trên lĩnh vực này vì thế không chỉ có cái nhìn nhất thời mà phải có cái nhìn khái quát, tổng thể theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Có như vậy chúng ta mới tránh được duy ý chí, máy móc và giáo điều. Thực tế khi chúng ta tiếp nhận một cách ồ ạt thiếu chọn lọc các sản phẩm văn hóa ngoại lai, cho đó là đổi mới thì ngay sau đó chúng ta phải hứng chịu những di hại khôn lường. Và nếu chỉ quan niệm truyền thống một cách bất biến thì sẽ cản trở, hạn chế việc nâng cao giá trị của truyền thống trong thời hiện đại.

Nét đặc biệt của công tác quản lý văn hóa là thường xuyên phải dựa vào dân, dựa vào lực lượng của toàn xã hội. Đó cũng là cơ sở của việc xã hội hóa.  Thực tiễn cho thấy, các hoạt động văn hóa muốn phát triển phải có phong trào quần chúng. Những năm qua, nhiều phong trào phát triển mạnh như: Phong trào xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa, phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào thể dục thể thao, phong trào làm xanh, sạch, đẹp thành phố, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Nói tới phong trào là nói tới sự tự nguyện, sự sáng tạo lôi cuốn đông người tham gia, tạo thành dư luận xã hội có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục lớn. Xã hội hóa tốt phải tạo ra được những phong trào quần chúng, định hướng để từ đó có thể tìm ra những mô hình mới. Chúng ta đã đưa ra được mô hình mới về làng văn hóa, ấp văn hóa, cụm dân cư văn hóa, gia đình văn hóa...

Từ phong trào quần chúng việc xã hội hóa mới sát với cuộc sống thực tế, mới thực hiện được việc thỏa mãn nhu cầu và điều chỉnh nhu cầu văn hóa của nhân dân, khai thác tốt tiềm năng văn hóa của xã hội.

Quản lý trên lĩnh vực văn hóa cũng đòi hỏi phải có luật và các chính sách của Nhà nước giống như trên các lĩnh vực khác. Nước ta đã có Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hóa. Còn nhiều hoạt động khác cũng đòi hỏi phải có luật. Có luật thì mọi hoạt động văn hóa mới có cơ sở pháp lý để mọi người dân tuân theo. Có luật chắc chắn mọi hoạt động xã hội hóa văn hóa sẽ phát triển đúng hướng tránh được tình trạng tùy tiện, tự phát. Các chính sách về văn hóa sát với thực tế cuộc sống, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ tạo ra động lực mới để phát triển văn hóa, đồng thời cũng có khả năng ngăn ngừa, triệt tiêu các hoạt động chệch hướng nguy hại. Vì hoạt động văn hóa luôn đổi mới, nhu cầu văn hóa của nhân dân ngày càng cao đòi hỏi các chính sách của Nhà nước cũng phải luôn kịp thời sát với thực tế cuộc sống. Luật và chính sách đúng là cơ sở để các hoạt động văn hóa phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Trong quá trình xã hội hóa, việc đầu tư ngân sách nhà nước là điều kiện quan trọng để các hoạt động văn hóa tồn tại và phát triển. Khi xóa bỏ cơ chế bao cấp có hiện tượng đã khoán trắng cho ngành văn hóa tự thu, tự chi, kết quả dẫn đến thương mại hóa các hoạt động văn hóa, nảy sinh không ít sản phẩm văn hóa độc hại, nhiều cơ sở văn hóa phải đóng cửa. Cho dù xã hội hóa các hoạt động văn hóa mạnh đến đâu thì cũng không thể thiếu sự đầu tư ngân sách của Nhà nước. Chỉ có kinh phí của Nhà nước mới đủ sức để xây dựng những cơ sở vật chất lớn và hiện đại mà hoạt động văn hóa của đất nước đang đòi hỏi như: Cung văn hóa, nhà hát, cơ sở in, dây chuyền công nghệ điện ảnh, tu bổ các di tích quốc gia ... Chỉ có kinh phí Nhà nước mới xây dựng được đội ngũ cán bộ văn hóa và nghệ sĩ đông đảo.

Để xã hội hóa đạt hiệu quả, việc tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa là vấn đề cần thiết và cấp bách. Hoạt động văn hóa trong hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ đòi hỏi tư duy mới, cung cách làm việc mới. Cho nên việc bồi dưỡng, đào tạo lại cán bộ cũng như việc đào tạo lớp cán bộ trẻ có năng lực đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới là hết sức cấp thiết. Chắc chắn chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy của các trường đại học văn hóa và các trường văn hóa nghệ thuật ở các địa phương sẽ có nhiều điểm bổ sung và thay đổi. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo không thể không có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước.

Công tác nghiên cứu về hoạt động xã hội hóa văn hóa cũng cần đầu tư và quan tâm của Nhà nước vì nó có một vị trí rất quan trọng trong phát triển văn hóa. Muốn định hướng đúng, muốn có những biện pháp thực hiện có hiệu quả không thể thiếu công tác nghiên cứu. Khi tổ chức lễ hội truyền thống, ranh giới giữa yếu tố tích cực và tiêu cực có khi rất mỏng manh và  thực hiện lại đòi hỏi rất chi tiết, cụ thể cho nên nhiều địa phương rất lúng túng không biết xử lý như thế nào cho đúng. Khi tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại  thì lấy gì làm tiêu chí cho sự đánh giá là phù hợp với văn hóa truyền thống. Và từ thực tế hoạt động văn hóa cần thiết phải rút kinh nghiệm đúc rút ra những bài học lý luận. Tất cả những vấn đề mới mẻ, phức tạp phát sinh trong quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa đều đòi hỏi công tác nghiên cứu phải giải đáp. Một nhược điểm thường thấy trong công tác nghiên cứu vừa qua là còn nặng về lý luận, lệ thuộc vào hình mẫu và kinh nghiệm của nước ngoài, còn ít tính sáng tạo và tính ứng dụng trong nước. Bởi vậy, trong công cuộc đổi mới của đất nước, công tác nghiên cứu văn hóa cần nhanh chóng đổi mới, gần với cuộc sống hơn, mang tính ứng dụng nhiều hơn góp phần xây dựng nền văn hóa mới.

PGS.TS Lê Như Hoa

(Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa)

Tin xem nhiều