Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình - nơi bảo lưu và chuyển giao những giá trị văn hóa truyền thống

09:06, 27/06/2007

Gia đình chính là cái gốc của sự nghiệp bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc. Nhưng hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang tỏ ra thờ ơ với văn hóa dân tộc. Căn nguyên của vấn đề này cũng xuất phát từ gia đình.

Hội nghị biểu dương GĐVN tiêu biểu 2007 huyện Long Thành.

Gia đình chính là cái gốc của sự nghiệp bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc. Nhưng hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang tỏ ra thờ ơ với  văn hóa dân tộc. Căn nguyên của vấn đề này cũng xuất phát từ gia đình.

Mọi người đều biết, gia đình Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ cùng với những thay đổi trên các lĩnh vực của đời sống. Giáo dục - một trong những chức năng cơ bản của gia đình đang ngày càng được xã hội hóa. Do nhà cửa chật chội, cộng thêm tâm lý thích tự do nên hầu hết các đôi vợ chồng trẻ vừa kết hôn là "ra riêng". Ở các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, hàng chục ngàn công nhân sớm tách khỏi gia đình, cộng đồng làng xóm để đến làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Sống ở nhà trọ, giới trẻ được tự do yêu đương, kết hôn. Con cái được cha mẹ đưa đi nhà trẻ, mẫu giáo...  Như vậy là do thế hệ trẻ không chung sống cùng cha mẹ, ông bà nên việc giáo dục truyền thống trở nên khó thực hiện. Đây chính là một trong những lý do khiến cho giới trẻ ngày nay không mấy người thuộc ca dao, dân ca, tục ngữ Việt Nam nói về đạo vợ chồng, về phép xử thế trong gia đình và ngoài xã hội. Tương tự như vậy, nhiều người trẻ hoàn toàn không biết đến những tác phẩm văn học mà lẽ ra người Việt Nam nào cũng phải biết và tự hào như: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Lục Vân Tiên v.v... Nhiều gia đình khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường. Trong khi đó, trường học không thể đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng, nhu cầu của các bậc phụ huynh.

Bởi thế không có gì lạ khi giới trẻ ngày nay sử dụng internet thành thạo, thưởng thức nhạc ngoại rất sành điệu nhưng lại thờ ơ trước các di tích lịch sử văn hóa, " mù" âm nhạc  truyền thống, xa lạ với nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, không biết hát ru, không thuộc thơ ca hò vè v.v...

Rõ ràng là ngày nay, lối sống, quan hệ ứng xử, tác phong sinh hoạt...  của thế hệ trẻ đã khác xa thế hệ cha ông. Có vẻ như nề nếp, lễ nghĩa trong gia đình Việt Nam truyền thống như "đi thưa về trình", "trên kính dưới nhường"...  ngày càng được giới trẻ tiếp nhận một cách miễn cưỡng.

Những năm gần đây Sở VHTT và Sở GD-ĐT Đồng Nai liên tục tập huấn, đưa giáo dục nghệ thuật truyền thống vào nhà trường. Nhờ vậy mà mới đây, vở chèo "Điều còn lại sau chiến tranh" của Đoàn nghệ thuật tổng cục hậu cần dù không thật xuất sắc vẫn thu hút được khá đông người xem. Các phong trào xã hội như: "Đền ơn đáp nghĩa", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", xây dựng "CLB gia đình hạnh phúc"... cũng góp phần đắc lực vào việc gìn giữ, tôn vinh truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Tuy nhiên, có lẽ hiệu quả nhất vẫn là mỗi gia đình, mỗi cộng động nhỏ như ấp, khu phố... hãy là nhịp cầu chuyển giao những giá trị văn hóa từ quá khứ đến tương lai.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều