Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí hiện đại phải tăng cường tính chính trị, văn hóa, khoa học

10:06, 20/06/2007

Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các cơ quan báo chí, các nhà báo là hoạt động đúng định hướng chính trị và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí và từng nhà báo đã, đang và phải kiên trì, chủ động thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, phấn đấu ngày càng tăng cường chính trị, văn hóa và khoa học của báo chí.

Phóng viên Truyền hình Đồng Nai đang tác nghiệp.
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các cơ quan báo chí, các nhà báo là hoạt động đúng định hướng chính trị và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí và từng nhà báo đã, đang và phải kiên trì, chủ động thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, phấn đấu ngày càng tăng cường chính trị, văn hóa và khoa học của báo chí.

 

Thống kê của Hội Nhà báo tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 350 cán bộ, công chức. Trong đó, có 125 người là đảng viên, chiếm tỷ lệ khoảng 36%. Trong số đó, người có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị là 17, trung cấp là 86. Về trình độ chuyên môn, giới báo chí Đồng Nai có 12 người trình độ thạc sĩ (kể cả những người đang theo học), 154 đại học và cao đẳng, 59 người trung cấp. Phần lớn các nhà báo đều được đào tạo chính quy về nghề. Một số người còn có thêm bằng đại học thứ hai về các chuyên ngành luật, kinh tế, sư phạm... Với những gì có được về lực lượng, thì báo chí Đồng Nai chưa hài lòng với chính mình. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Mai Sông Bé cho rằng, trong thời gian tới tổ chức Hội sẽ tập trung nhiều hơn trong việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tổ chức các khóa học trung cấp, cao cấp chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí. Bên cạnh với việc trong từng cơ quan quan tâm đến phát triển Đảng, Hội Nhà báo sẽ thúc đẩy các chi hội chọn lựa những hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Trình độ nghiệp vụ, kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin tuy đã được chuẩn hóa một bước, nhưng trước yêu cầu mới của công tác tuyên truyền trong tình hình mới đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nâng cao, đổi mới công nghệ làm báo.

Việc chuẩn bị nhân sự có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng là bước quan trọng để từng cơ quan báo chí, từng nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền, đồng thời là diễn đàn dân chủ của nhân dân. Do vậy, cơ quan báo chí phải có tiếng nói chính thống, định hướng dư luận đúng đắn, dự báo kịp thời. Báo chí phải "tiêu hóa" tốt Nghị quyết của Đảng để chuyển tải đến công chúng một cách dễ hiểu, dễ học theo, làm theo. Muốn như vậy phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phóng viên giỏi và bản lĩnh. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, trên báo Đồng Nai, báo Lao Động Đồng Nai và Đài PT-TH  Đồng Nai có các chuyên mục Xây dựng Đảng, Đảng ở quanh ta, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Diễn đàn nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền, Làm nghèo đất nước... là những chuyên mục góp phần tuyên truyền tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của  nhân dân, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các chuyên trang, chuyên mục trên các lĩnh vực khác của các báo, đài Đồng Nai cũng tập trung tuyên truyền đúng quan điểm, đường lối, mục đích tôn chỉ của tờ báo. Đó là phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh; tuyên truyền cổ vũ những nhân tố mới, những gương người tốt việc  tốt; đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, công nhân lao động; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm... Trên tạp chí Văn nghệ  Đồng Nai, ngày càng có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật đề cao giá trị cái đẹp, tính nhân văn.

Mỗi tác phẩm báo chí đều chứa đựng những giá trị thông tin mang tính định hướng, tính chiến đấu rõ ràng. Điều đó thể hiện rõ qua việc, nhiều năm qua các cơ quan báo chí ở Đồng Nai luôn giữ đúng tôn chỉ mục đích, không vi phạm kỷ luật về chính trị. Từng cơ quan báo chí cũng luôn xác định rõ tuyên truyền đúng định hướng, đúng tôn chỉ mục đích và phục vụ đúng đối tượng là nhiệm vụ sống còn.

Nhà báo có vai trò quan trọng trong xã hội vì mỗi tác phẩm báo chí được đăng tải có ảnh hưởng đến quan niệm, hành động của nhiều người. Vì thế, nhà báo không chỉ cần rèn giũa những kỹ năng chuyên môn mà còn cần phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để phân biệt sự khác nhau giữa hành vi đúng và sai. Xử lý thông tin đó trên quan điểm nào, công bố thông tin đó khi nào và như thế nào cũng là đạo đức và đồng thời còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo. Báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho công chúng. Thông tin báo chí ngày nay không giới hạn biên giới, nên nó càng có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội của thế giới, đến tư tưởng và tình cảm, đạo đức và tinh thần của công chúng. Giữa "ma trận" thông tin như thế, báo chí Đồng Nai đã kiên trì tuyên truyền có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Những bài viết dự báo, định hướng về phát triển kinh tế đã góp phần chỉ ra những mặt mạnh, hạn chế cho các đơn vị, địa phương phát huy và khắc phục. Báo chí  Đồng Nai rất có ý thức tuyên truyền phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, đoàn kết thân ái giữa các tôn giáo, giữa đồng bào lương với đồng bào có đạo. Giới chủ doanh nghiệp luôn được trân trọng, nhưng khi quyền lợi của công nhân bị xâm hại thì báo chí luôn mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh, bảo vệ. Đặc biệt, trên mặt trận chống diễn biến hòa bình, các nhà báo giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị bằng các thể tài  bình luận, chuyên luận đã cho đăng tải nhiều bài viết trên báo, đài Đồng Nai kịp thời đưa ra các luận cứ sắc bén phản bác những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh các vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo. Bản lĩnh và tay nghề của các cơ quan báo chí, các nhà báo được chứng minh, khi những bài viết ấy được nhân dân đồng tình ủng hộ, cơ quan chức năng  vào cuộc điều tra và khẳng định báo chí nêu đúng. Đặc biệt hơn, chất lượng báo chí ở Đồng Nai được đồng nghiệp cả nước đánh giá rất cao, khi liên tục trong nhiều năm liền các tác phẩm báo chí của các nhà báo ở Đồng Nai đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, giải báo chí chuyên ngành trung ương.

Vị thế, vai trò của nhà báo ngày càng trở nên quan trọng và được đề cao trong xã hội. Là người tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đội ngũ nhà báo rất tích cực tuyên truyền mọi mặt đời sống  xã hội. Nhưng để tuyên truyền đúng, đời và hấp dẫn hơn đòi hỏi nhà báo phải không ngừng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê  nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Bác về báo chí cách mạng. Nhà báo phải tiếp tục nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Học tập nâng cao kiến thức khoa học chuyên ngành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; liên tục rèn luyện đạo đức lối sống. Nhà báo phải luôn bám sát cơ sở, gắn bó với thực tiễn cuộc sống của nhân dân.

Mặt khác, báo chí Đồng Nai cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên lĩnh vực tuyên truyền thì thông tin tuy đa dạng  nhưng vẫn chưa phản ánh có chiều sâu thực tiễn đổi mới ở địa phương. Một số ban biên tập thiếu nhạy bén trong xử lý, công bố thông tin. Tính chân thật, hữu ích của thông  tin trên báo, đài thỉnh thoảng còn bộc lộ sơ hở, yếu kém. Các thể tài chính luận, các bài viết trên lĩnh vực xây dựng Đảng còn yếu, bất cập. Không gian và hình thái dư luận có lúc bị bỏ trống, bỏ sót. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học ở một số bài báo, trang báo, chương trình chưa cao. Một số nhà báo chưa thật sự dấn thân cho sự nghiệp báo chí, ít tiếp cận với thực tiễn đổi mới. Một bộ phận nhà báo khác bị sức ì lớn trong tư duy, làm báo theo phong cách công chức, ngại va chạm, viết theo lối mòn xơ cứng. Và chung quy, mặt bằng báo chí Đồng Nai tụt hậu so với sự phát triển kinh tế trên địa bàn cũng như sự phát triển của báo chí khu vực, đặc biệt là báo chí TP. Hồ Chí Minh. "Chẩn" được bệnh là một lẽ, nhưng yêu cầu cấp thiết là các cơ quan báo chí, từng nhà báo phải "trị" được mới quan trọng hơn. Được như vậy, chất lượng hoạt động báo chí, giá trị từng tác phẩm báo chí của từng cơ quan báo chí, từng nhà báo mới hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trường Quân

 

Tin xem nhiều