Báo Đồng Nai điện tử
En

Vấn đề văn hóa trong hội nhập, giao lưu quốc tế

09:05, 09/05/2007

Với quá trình toàn cầu hóa, thì có rất nhiều cái khác ta, thách thức chúng ta. Ta có đứng vững hay không? Đó là câu hỏi mà thế hệ này, thời đại này phải trả lời, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Với quá trình toàn cầu hóa, thì có rất nhiều cái khác ta, thách thức chúng ta. Ta có đứng vững hay không? Đó là câu hỏi mà thế hệ này, thời đại này phải trả lời, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

 

Nước ta có một bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa được kết tinh hết sức đáng tự hào mà tiêu biểu là tinh thần yêu nước; đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong gia đình và cộng đồng "ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời"; tư tưởng trọng dân; ý thức mạnh mẽ về nhân cách và bổn phận (đạo làm người)... Từ những giá trị nội sinh ấy, cộng với tinh thần cởi mở, Việt Nam nhanh chóng tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm tăng thêm sức mạnh của mình nhằm chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược và phát triển đất nước.

Lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng, Việt Nam luôn luôn bách chiến bách thắng chính là có và biết dựa vào sức mạnh văn hóa ấy. Cha ông ta nhận thức rất rõ điều đó. Ngày nay Đảng ta, nhân dân ta cũng nhận thức rất rõ điều đó. Trong xu thế toàn cầu hóa, nước ta đứng trước một vận hội to lớn. Nhận thức rõ điều đó, đội ngũ trí thức và toàn dân càng thêm tin tưởng, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường của Bác Hồ, người được thế giới gọi là ánh sáng của nền văn hóa tương lai, đã chọn; để phấn đấu đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, với quá trình toàn cầu hóa, thì có rất nhiều cái khác ta, thách thức chúng ta. Ta có đứng vững hay không? Đó là câu hỏi mà thế hệ này, thời đại này phải trả lời, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Có người thản nhiên nói rằng: Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên, nếu ta mạnh ta sẽ thắng, nếu ta kém thì mất đi là đáng. Thoạt nghe, có vẻ có lý. Nhưng trên thực tế cũng như xét về mặt triết học, không có cái gì tồn tại tự nhiên, phát triển tự nhiên; không cứ anh là người tốt thì cứ tự nhiên tồn tại và phát triển. Cái xấu luôn nhằm vào anh để hủy diệt. Mọi vật đều tồn tại trong đấu tranh. Vậy tư tưởng và hành động đúng của chúng ta trong cuộc tiếp xúc văn hóa hiện nay như thế nào?

Trước hết, lịch sử văn hóa của chúng ta có một bề dày đáng tự hào nhưng lịch sử văn hóa thế giới còn có một bề dày lớn hơn gấp bội. Thế giới có rất nhiều điều quý giá mà ta chưa có. Vậy, tư tưởng đầu tiên, hành động đầu tiên phải là khiêm nhường học hỏi, nhanh chóng học hỏi, tạo ra sự "đi tắt, đón đầu" hay "vượt gộp" về mặt tri thức. Phải có chiến lược học tập, đào tạo một cách cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, từ quản lý Nhà nước đến khoa học - kỹ thuật, giáo dục và nghệ thuật. Điểm yếu trong tâm lý người Việt là thích làm thầy hơn làm thợ, thích dạy hơn học. Biết học, biết hành bao giờ cũng có giá trị và hiệu quả trong cuộc sống, làm thay đổi thân phận của mỗi người và của cả đất nước. Mừng thay, phải chăng ý thức đó càng ngày càng trở nên mạnh mẽ? Các giá trị kết tinh của văn hóa Việt Nam như đã nói ở trên không chỉ là của Việt Nam mà chính là sự đóng góp độc đáo cho thế giới, là giá trị nhân loại. Vì vậy đấu tranh để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc ta cũng chính là đấu tranh để bảo vệ sự phát triển, sự tiến bộ của toàn nhân loại.

Lâu nay, nhiều người dùng các thuật ngữ "nước phát triển", "nước đang phát triển", "nước kém phát triển" cần được hiểu chủ yếu là sự phát triển về văn minh vật chất. Sự phát triển của của cải, kỹ thuật... không cân bằng được với quan hệ tốt đẹp giữa người và người thì chính là mầm mống của suy thoái, hủy diệt. Đứng về một phương diện nào đó, trong so sánh với toàn nhân loại, nước ta là một nước phát triển, nơi có quan hệ giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội khá tốt đẹp. Có mọi thứ nhưng nếu thiếu điều này, con người không bao giờ tìm thấy hạnh phúc, cuộc sống không bao giờ tìm thấy sự ổn định.

Toàn cầu hóa chính là chỗ dựa cho quan niệm "Tổ quốc không biên giới". Chưa từng thấy nước đế quốc đối với nước thuộc địa; nước phát triển đối với nước đang phát triển và kém phát triển một cách bình đẳng như trong một Tổ quốc. Đó là chiêu bài nhằm chống lại tinh thần yêu nước và giá trị thiêng liêng của Tổ quốc ta. Không có, hoặc rất ít khi người ta (tức là nước ngoài) chủ động đem lại cho mình những giá trị văn hóa tinh hoa. Điều đó phải chủ động học hỏi, tiếp thu. Nhưng người ta đã, đang và sẽ rất chủ động biến nơi nào đó còn ngờ nghệch thành một bãi rác văn hóa. Trong mớ rác rưởi ấy, từ phim ảnh, sách báo... đồi trụy đến lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang làm tan rữa nhân tính từng ngày, đang làm suy nhược tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ suy nhược tức là đất nước suy yếu. Hàng trăm thanh niên vừa bị bắt ở "động lắc" ngay giữa trung tâm Hà Nội, có đáng đau lòng và phẫn nộ? Động lắc ấy đã tồn tại một cách hợp pháp hàng chục năm nay - và bao nhiêu  hang động quỷ quái dưới mọi cái tên đẹp đẽ, mỹ miều như vũ trường, khách sạn, câu lạc bộ, trung tâm, karaoke... đã hủy hoại bao nhiêu thanh niên, đã gây đau khổ cho biết bao gia đình?

Đang thật sự có một cuộc xâm lăng, những trận cuồng phong về văn hóa. Mục tiêu của nó là Tổ quốc, là chủ nghĩa xã hội, là đạo đức và những bổn phận thiêng liêng của con người. Chỉ có những ai không có suy nghĩ mới không thấy điều đó. Vì vậy, cùng với việc bảo đảm tự do phát triển cho mọi cá nhân, từ mọi nhu cầu, khát vọng đến năng lực sáng tạo; cần ngăn chặn lối sống hưởng thụ, sa đọa, tính vị kỷ, những dục vọng thấp hèn. Không có tình thương lớn và bổn phận thiêng liêng, con người sẽ mất động lực và cả nhân tính. Lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ chính là con đường ngắn nhất đi đến tội ác, chiếm đoạt bằng bạo lực và chiến tranh. Hãy đặt những câu hỏi về các phim tình ái, bạo lực hoặc nhạt nhẽo, vô vị được chiếu công khai trên sóng truyền hình và rạp chiếu bóng. Hãy đặt những câu hỏi về không ít quyển sách dịch gọi là  best seller hiện nay. Hãy đặt các câu hỏi về thông tin mạng, về các trò chơi điện tử. Hãy đặt câu hỏi về các loại nhà hàng kinh doanh "văn hóa phẩm" phơi đầy phố chợ, thôn quê. Chúng ta đang "giao lưu văn hóa" hay đang đánh mất dần bản sắc văn hóa của mình? Hãy đặt một giả thiết: Gia đình anh chị chỉ có một "công chúa" hay "hoàng tử" suốt ngày lên mạng hoặc rơi vào vực xoáy của vũ trường, anh chị và gia đình có coi như vậy là "sống văn minh, văn hóa" ? Thất bại trong văn hóa, là thất bại về tất cả.

Nguyễn Sĩ Đại

Tin xem nhiều