Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạ Tiến: Một đời và một chữ!

09:05, 16/05/2007

Ấn tượng đầu tiên của anh trong tôi là cái tên và cung cách nói năng! Có gì đó hao hao giống nhân vật Tạ Tốn lừng danh của Kim Dung.

Ấn tượng đầu tiên của anh trong tôi là cái tên và cung cách nói năng! Có gì đó hao hao giống nhân vật Tạ Tốn lừng danh của Kim Dung.

 

Ấn tượng tiếp theo là nơi "được gọi là chỗ ở". Một căn phòng tạm thuộc Nhà Bảo tàng (cũng ở tạm) trong khuôn viên Phụng Sơn Tự: Không gian khoảng 6m2 toàn tranh vẽ, họa cụ, vật dụng linh tinh. Không rõ anh phải ăn đâu, ngủ đâu? Những bức tranh sơn dầu "nhức mắt" thời ấy gây khó chịu cho những người ra vẻ gia giáo nhưng lại có sức hút anh em văn nghệ sĩ đang thèm cái mới. Vậy nên, dưới bóng mát cây đa nhiều tuổi gần "cái ổ" của anh, thường diễn ra những cuộc giao tiếp thâu đêm mặc dù chỉ với rượu lạt, trà quạo, cơm nguội, cháo loãng...

Không biết phải gọi anh là gì? Văn sĩ, thi sĩ hay họa sĩ? Vì anh viết văn, làm thơ, vẽ tranh nhưng không thuộc một cơ quan nào. Nhuận bút là "nguồn sống" duy nhất. Hồi ấy, văn nghệ sĩ được bao cấp, rất sợ hai chữ "tự do". Riêng anh thì không sợ, vì anh không hưởng lương, không đòi hội họp, không cần đến giấy giới thiệu. Đời anh là của riêng anh. Cách sống, lời hóm hĩnh, chuyện tếu của anh không bị lệ thuộc vào điều gì, không kiêng dè ai, có sức sống riêng khiến nhiều người thích, cũng lắm người e ngại!

Rồi chỗ tạm của Nhà Bảo tàng cũng chuyển đi. Một số anh em văn nghệ sĩ rời "bầu sữa biên chế" di tản về TP Hồ Chí Minh, anh cũng rời Biên Hòa. Từ đó, tôi ít gặp anh. Thi thoảng biết tin nhau hoặc thấy nhau trong các buổi tiệc tùng.

Khi tôi nhận nhiệm vụ tại UBND tỉnh Đồng Nai, anh hì hụi tặng tôi một bức đại tự khuôn kính, khổ to. Ấy là chữ NHẪN (Hán tự) do anh phóng bút. Anh bảo: "Chú mày làm quan, cần có chữ này trong người!". Chữ NHẪN anh tặng được treo nơi trang trọng trong phòng làm việc. Lần sau anh đến thăm, thấy vậy, vỗ vai tôi, cười: "Chú mày tạm được! Trong khi người ta thích treo người đẹp, chú mày biết trọng chữ thánh hiền. Phi nhẫn bất cập đạo mà!". Những lần sau, cứ gặp nhau là nói nhiều về chữ "Nhẫn".

Hôm anh nằm bệnh viện 115, ngày 7-5-2007, tôi và nhà thơ Đàm Chu Văn đến thăm. Anh đã mệt lắm, nhưng vẫn nhớ, vẫn nói. Tôi hỏi: "Nếu cần viết lại một chữ, anh viết chữ gì?". Anh im lặng. Tôi đưa tờ giấy và cây viết. Bàn tay yếu ớt sờ soạng, nguệch ngoạc ra giấy. Lại chữ "Nhẫn"!. Tôi biết, đây là chữ viết cuối cùng của anh. Tôi nâng tờ giấy, run run xếp vào ngực áo, rồi đọc anh nghe bài thơ về chữ "Nhẫn" của một  bậc "đại nhân":

Có khi nhẫn để yêu thương

Có khi nhẫn để tìm đường lo toan

Có khi nhẫn để vẹn toàn

Có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau!

Anh nghe, im lặng hồi lâu rồi thì thào: "Đúng vậy. Chữ Nhẫn cần gắn liền với chữ Nhân. Trước khi Nhẫn, phải thành Nhân đã!".

Cả đời gọn lại trong một chữ "Nhẫn". Sắp ra đi, ngộ thêm chữ "Nhân". Tạ Tiến là Tạ Tiến ơi! Đúng là anh rồi!

Huỳnh Tới

 

Chia buồn

Được tin họa sĩ Tạ Tiến (Nguyễn Kim Tiến), nguyên phóng viên báo Người Đại biểu nhân dân, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, đã từ trần hồi 8 giờ 5 phút ngày 15-5-2007 (nhằm ngày 29-3 năm Đinh Hợi) sau thời gian lâm bệnh hiểm nghèo.

Ban biên tập, CB, PV báo Đồng Nai thành thật chia buồn cùng gia đình.

                                                 ĐN

 

 

Tin xem nhiều