Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân giỗ đầu nhà văn Hoàng Văn Bổn:
Những trang văn nồng ấm tình yêu quê hương, đất nước

10:05, 04/05/2007

Thấm thoát đã tròn một năm nhà văn Hoàng Văn Bổn đi xa (12-5-2006-12-5-2007). Trong tâm trí chúng tôi hình như ông vẫn chưa bao giờ mất, ông vẫn còn trong khu phố Tỉnh đội, trong ngôi nhà số 22 có nhiều giò phong lan treo trước cửa. Ông đang ngồi "mổ cò" trên cái máy chữ cũ kỹ ở căn phòng lầu ba, nơi yên tĩnh cho ông sáng tác, như trước đây ông vẫn ngồi trên căn gác nhỏ trong căn nhà ở xóm Lò Heo, nhìn ra sông Đồng Nai, hứng gió trong buổi sớm mai. Cả mấy ngàn trang văn đã ra đời từ căn gác nhỏ này.

Thấm thoát đã tròn một năm nhà văn Hoàng Văn Bổn đi xa (12-5-2006-12-5-2007). Trong tâm trí chúng tôi hình như ông vẫn chưa bao giờ mất, ông vẫn còn trong khu phố Tỉnh đội, trong ngôi nhà số 22 có nhiều giò phong lan treo trước cửa. Ông đang ngồi "mổ cò" trên cái máy chữ cũ kỹ ở căn phòng lầu ba, nơi yên tĩnh cho ông sáng tác, như trước đây ông vẫn ngồi trên căn gác nhỏ trong căn nhà ở xóm Lò Heo, nhìn ra sông Đồng Nai, hứng gió trong buổi sớm mai. Cả mấy ngàn trang văn đã ra đời từ căn gác nhỏ này.

Tôi còn nhớ, vào quãng năm 1984, 1985, khi bà Chín Bổn có việc đi miền Tây thăm cô con gái lớn mới sinh cháu, tôi được ông đưa về nhà ngủ coi nhà cùng ông. Sáng sớm, lúc tôi còn đang ngủ rốn, ông đã dậy tự khi nào, lọ mọ rang cơm, đun nước pha cà phê. Hai thầy trò ngồi ăn cơm rang và uống cà phê trong căn gác nhỏ của ông, ngó ra sông Đồng Nai. Ông kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm trong nghề làm phim, nghề viết văn. Hoàng Văn Bổn là người hóm hỉnh, dễ gần. Những kỷ niệm vui được ông nhắc đến nhiều nhất. Ông kể về những lần chiếu phim cho Bác Hồ coi. "Ông Cụ" rất tinh. Có bộ phim tài liệu có cảnh không thể quay trực tiếp được các ông phải chữa cháy bằng cách nhờ người đóng thế. Người bình thường ít khi thấy, nhưng Bác vẫn nhìn ra. Coi xong, Bác chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng bằng một câu nói vui nhưng mọi người đều thấy rất thấm, đấy là lời dạy của người Thầy, người Anh trong nghề về tính chân thực của điện ảnh cách mạng. Trong làng văn, Hoàng Văn Bổn hay nhắc đến nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Chế Lan Viên. Đến những năm gần đây, nhà văn Tô Hoài vẫn thỉnh thoảng viết thư trao đổi với ông.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn đi xa, không kịp đón nhận Giải thưởng Nhà nước trao tặng ông cùng 43 nhà văn cả nước. Tiểu thuyết Trên mảnh đất này được viết trên đất Bắc năm 1962 là một  trong chùm các tác phẩm xuất sắc của ông làm nên giải thưởng lớn này. Cho đến bây giờ, Trên mảnh đất này vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất viết về những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam bộ. Hoàng Văn Bổn đi nhiều, viết nhiều, thành công cả trong những trang ký sự nóng hổi về chiến tranh như Ký sự Hàm Rồng, Sóng Hòn Mê nhưng có lẽ đề tài ông tâm đắc nhất, đem cả cuộc đời mình ra trang trải chính là "quê hương nhau rốn"- cũng là miền quê sáng tác của ông. Hồi nhỏ, tôi mê đoạn trích tiểu thuyết Trên mảnh đất này của ông trong sách trích giảng Văn học lớp 6. Hình ảnh cô bé Năm, cậu bé Ba với những cảnh chăn trâu, gặt lúa, những chiều mưa tháng bảy ngập đồng, ăn bún với mắm sống, khế chua,... đã in sâu vào tâm hồn tuổi thơ tôi. Gần ba mươi năm cuối đời, Hoàng Văn Bổn để dành viết về quê hương. Ông cho ra đời các bộ tiểu thuyết nhiều tập Miền đất ven sông, Khắc nghiệt, Nước mắt giã biệt, các tiểu thuyết, truyện dài Trăng triền núi, Tuổi thơ ngọt ngào, Thuở hồng hoang, Nhớ rừng xưa, Ngôi sao nhớ ai, Ó ma lai, Đội quân hoa và cỏ, v.v...; các tập truyện ngắn và bút ký Người điên kể chuyện người điên, Gặp lại một dòng sông, Lượm cái hoa rơi, Vũ trụ, v.v... Nhà văn Tô Hoài viết: "Tầm mắt bao quát đã tạo điều kiện cho Hoàng Văn Bổn có được chất liệu để hình thành và hoàn chỉnh những sáng tác về đất quê. Một mặt khác, cốt cách nhân vật, không khí ngôn ngữ trong kho vốn giàu có, phong phú đã nâng được phong cách Hoàng Văn Bổn, nhà văn của thời đại" (đọc Hoàng Văn Bổn, báo Văn nghệ, số 29, ngày 25-9-1999). Sáng tác cuối cùng của Hoàng Văn Bổn là tập hồi ký Nhớ người xưa (xuất bản năm 2003). Sức khỏe rất kém những năm cuối đời đã không cho ông cầm bút được nữa nhưng trong ông vẫn cháy lên ngọn lửa khát khao sáng tạo. Trân trọng và đánh giá cao tài năng, cống hiến của nhà văn Hoàng Văn Bổn, tỉnh Đồng Nai đã dành sự quan tâm cao nhất trong việc xuất bản, phổ biến tác phẩm của ông. Ông được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức đợt đầu (giải cao nhất). Cùng với nhiều bộ tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký được xuất bản tại địa phương, Tuyển tập Hoàng Văn Bổn 4 tập, hơn 4000 ngàn trang được tỉnh tài trợ, in ấn công phu là món quà quí giá đối với bạn đọc và đối với ông. Tiếc rằng do một số trục trặc nho nhỏ, ông đã không kịp nhìn thấy hai tập cuối.

Đối với những người cầm bút ở Đồng Nai và nhiều bạn đọc, đồng nghiệp khác, chú vẫn chưa bao giờ mất, chú Chín vẫn luôn hiện diện trong đời sống văn nghệ, trong khát vọng sáng tạo nghệ thuật, văn chương. Tấm gương của chú - tấm gương của một nhà văn chân chính hết mình vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn chương luôn luôn đuợc các thế hệ cầm bút Đồng Nai noi theo.

 Biên Hòa, ngày 4 tháng 5 năm 2007

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều