Đây là tập sách thứ 12 của tác giả Đặng Duy Phúc, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội giới thiệu nghiệp sử và thơ văn tay trái của mình sau hơn mười năm về hưu, do Nhà xuất bản Hà Nội vừa ấn hành.
Đây là tập sách thứ 12 của tác giả Đặng Duy Phúc, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội giới thiệu nghiệp sử và thơ văn tay trái của mình sau hơn mười năm về hưu, do Nhà xuất bản Hà Nội vừa ấn hành.
Giản yếu sử Việt Nam dày 686 trang, bìa cứng, gồm 26 chương, giới thiệu một cách giản lược những điểm chính yếu nhất lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thời Tiền sử, thời Hùng Vương qua thời Thục An Dương Vương, thời Bắc thuộc lần thứ nhất, thời Trưng Nữ Vương, thời Bắc thuộc lần thứ hai và cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh, thời Tiền Lý, thời Bắc thuộc lần thứ ba và các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Thanh, thời Khúc -Dương tự chủ, thời Ngô, thời Đinh, thời tiền Lê, thời Lý, thời Trần, v.v... đến tận Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tác giả ngay trong lời nói đầu đã thẳng thắn nêu lên một thực tế đáng buồn rằng, hiện nay nhiều người kể cả những thanh niên tri thức biết rất ít về lịch sử dân tộc và không yêu sử, đồng thời bày tỏ sự nhất trí quan điểm với nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về trách nhiệm và những thiếu sót của giới sử học khi mà giới sử học đã và đang mang đến cho giới trẻ "một thứ lịch sử vô nhân xưng, nói về những biểu tượng, những khái niệm nhiều hơn là con người và số phận của con người..., làm cho lịch sử bị xơ cứng, xa lạ và ít hấp dẫn..., biến lịch sử thành một thứ khổ sai về trí nhớ".
Tuy không phải là nhà viết sử chuyên nghiệp nhưng tác giả tự thấy cũng có phần trách nhiệm trước những khiếm khuyết đó, nên đã cố gắng cất công biên soạn nên tập Giản yếu sử Việt Nam với cách viết đi sâu hơn vào những con người và những sự kiện, trong đó vai trò, bản sắc của con người vốn rất đa dạng, riêng biệt, từng gây nên những ấn tượng mạnh mẽ, có tác động quan trọng trong các tiến trình lịch sử. Tác giả quan tâm đến những người đứng đầu đất nước.
Thực tế dân tộc đã từng chứng tỏ có những vị vua anh minh là những người đứng đầu tiêu biểu cho ý chí, tài năng, đạo đức và sự nghiệp của cả dân tộc, nhưng cũng đã có những ông vua nhu nhược, hèn kém, sa đọa, tàn bạo từng gây hại cho trăm họ, lại có những ông vua bù nhìn chỉ là tay sai hoặc là bình phong cho kẻ khác. Nhưng dù là minh quân hay hôn quân thì các ông vua vẫn là những người đứng đầu đất nước. Vai trò của vua chúa xưa kia cũng như những người đứng đầu đất nước ngày nay nói chung có tác động rất lớn đến sự hưng thịnh hay suy đồi của quốc gia xã hội mà sử sách hoàn toàn không nên và không thể bỏ qua. Vả lại, khi nói tới họ cũng chính là để tạo nên những dấu mốc nhằm dễ nhận biết và dễ nhớ lịch sử.
Về phần nội dung, Giản yếu sử Việt Nam không chỉ giới thiệu các nhân vật và các sự kiện trong lịch sử, mà còn trình bày một số khác biệt, trong cách đánh giá, sự khen chê của tác giả, so với các bộ sử xưa và các tập sách sử viết cách đây chưa lâu. Nền tảng để hình thành nên những khác biệt đó, theo tác giả viết trong lời nói đầu, xuất phát từ sự nỗ lực mở rộng nhãn quan tư duy mới và sự cố gắng để có được tính khách quan, công tâm hơn ở người viết tại thời điểm hiện tại. Về cách trình bày, tác giả đồng thời là nhà thơ và nhà quản lý kinh tế, đã không bỏ qua lợi thế về khả năng văn học và tính nhạy bén của mình, để biến những trang sách sử vốn dĩ khô khan trở nên tươi tắn, uyển chuyển và hấp dẫn hơn đối với người đọc.
Trước thực trạng lịch sử dân tộc chưa được quan tâm, yêu thích đúng mức và trước nhiệm vụ quảng bá lịch sử dân tộc đang cần được khẩn trương tích cực tiến hành, Giản yếu sử Việt Nam ra đời trong điều kiện tác giả phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn chủ quan, khách quan, với tâm nguyện được đóng góp ít nhiều hữu ích cho việc quảng bá, quả thật là điều đáng được trân trọng và khích lệ.
Thọ Cao