Tại lễ trao học bổng "Vượt khó vì tương lai" lần VI của báo Đồng Nai, do Công ty Happy Cook tài trợ:
Những "đóa hoa" không đơn độc!

10:04, 18/04/2007

Học bổng "Vượt khó vì tương lai" của báo Đồng Nai bước vào tuổi lên 6. Đó cũng là ngần ấy lần những người làm công tác tổ chức cứ mãi nhói lòng khi tiếp cận những gương mặt được nhận học bổng. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng rất nhiều trường hợp mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc ba mẹ ly hôn, phải sống nhờ với ông bà nội, ngoại.

Những điển hình "vượt khó" tại cuộc giao lưu.

Học bổng "Vượt khó vì tương lai" của báo Đồng Nai bước vào tuổi lên 6. Đó cũng là ngần ấy lần những người làm công tác tổ chức cứ mãi nhói lòng khi tiếp cận những gương mặt được nhận học bổng. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng rất nhiều trường hợp mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc ba mẹ ly hôn, phải sống nhờ với ông bà nội, ngoại.

 

1. Nhưng có lẽ trường hợp của D.K.L (học sinh lớp 3 Trường TH Cây Điệp, huyện Trảng Bom) là xót xa nhất. Lý lịch trích ngang của em trong hồ sơ cấp học bổng ghi rõ: "Ba mẹ chết vì bệnh AIDS, hiện sống với bà nội, gia đình khó khăn, bà đi làm thuê". Hôm lên nhận học bổng, em gầy gò bé nhỏ hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Em nói ba mất khoảng một năm thì mẹ em mất, lúc đó em mới vào lớp 1. Bà nội đón em về nuôi trong tình cảnh không kham nổi tiền ăn học cho cháu bởi bản thân bà phải làm thuê kiếm cái ăn. Tôi cảm nhận em còn quá nhỏ để ý thức số phận kém may mắn của em. Nhưng ánh mắt em lãng tránh cái nhìn của nhiều người khi nói về cái chết của ba mẹ cũng đã nói lên nhiều điều. Thật tình muốn mời em tham gia chương trình giao lưu nhưng lại sợ chạm vào nỗi đau của em - một đóa hoa sớm đơn độc trong cuộc đời rộng lớn này.

 

2. Với suất học bổng 1 triệu đồng vừa được nhận, sẽ có rất nhiều kế hoạch được đặt ra. Song hai cha con em Lê Thanh Hùng (lớp 1/2, Trường TH Tân Tiến, TP.Biên Hòa) quyết định ngay hôm sau sẽ trở lại bệnh viện cho kịp lịch hẹn thay máu. Từ nhỏ, Hùng đã mắc bệnh máu trắng. Ca mổ cách đây 3 năm cứu em thoát sự nguy kịch nhưng đã lấy mất của em phần lá lách. Hôm trao học bổng, hai cha con em là người đến sớm nhất. Anh Lê Thanh Hoàng đã xin nghỉ một buổi phụ hồ để đạp xe đưa con đi. Anh chảy nước mắt giữa hội trường, bởi đây là tháng duy nhất con trai anh sẽ được thay máu đúng lịch hẹn. "Bác sĩ chỉ định bắt buộc mỗi tháng thay một lần nhưng mỗi lần tiêu tốn gần 1, 2 triệu đồng nên vợ chồng tôi cứ "ăn gian" hoài. Một tháng rưỡi hoặc hai tháng chúng tôi mới đưa cháu đi Sài Gòn truyền máu. Cứ mỗi lần tới lịch hẹn, nghe cháu nhắc mà đau lòng..." Rời Bến Tre lên Biên Hòa lập nghiệp, cuộc sống của gia đình anh không đến nỗi túng bấn với mức thu nhập 50 chục ngàn đồng của anh cộng với 28 ngàn tiền công phụ tiệm sắt của vợ. Nhưng chi phí hơn 1 triệu đồng mỗi tháng thay máu cho Hùng luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng trong bữa cơm của gia đình anh. Bé Hùng nhỏ và ốm yếu, chiếc áo sơ mi ngả màu với nhiều chỗ sờn vai anh mặc khi đi cùng con trai nhận học bổng như muốn nói sự đuối sức của gia đình anh trước căn bệnh hiểm nghèo. 

 

3. Ba mất vì căn bệnh ung thư, khoảng 2 năm sau thì mẹ mất cũng vì căn bệnh ấy, chị em Lê Yến Vy (lớp 1/8 Trường TH Lê Văn Tám, TX Long Khánh) về sống với bà nội. Cùng đi với cháu dự lễ trao học bổng, bà Phạm Thị Chất (71 tuổi) nhoẻn miệng cười hạnh phúc nhưng tay cứ đưa lên lau nước mắt liên tục: "Bà cháu tôi sẽ đỡ vất vả hơn. Lột hạt điều gia công thu nhập không bao nhiêu. Chuyện học của hai đứa nó còn dài, không biết tôi có sống mà lo nổi cho tụi nó không nữa...". Bà bỏ lững câu nói với nỗi lo canh cánh trong lòng khi đứa cháu lớn Lê Diễm năm nay sẽ tốt nghiệp lớp 12. Con đường nào sẽ dành cho Diễm khi bà ngày càng già yếu mà em Vy thì còn quá bé? Bà nội em nói rằng, chắc Diễm sẽ ra đời, trước mắt sẽ đi làm kiếm tiền phụ bà nuôi  em rồi trở lại giảng đường khi có điều kiện. Tôi thầm mong đây chỉ là giải pháp tạm thời như một bước lùi để chị em Diễm có thể tiến xa hơn nữa.

Bởi những hoàn cảnh này, lý do này mà chương trình "Vượt khó vì tương lai" được duy trì đều đặn mỗi năm. Và số lượng học bổng năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Nhưng sao những người thực hiện chương trình bao giờ cũng thấy còn quá ít ỏi, muốn làm và làm nhiều hơn cho các em.

Thu Trang

   

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích