Đầu năm 1969, Cách mạng Việt Nam đang ở thế tiến công, với nhiều thắng lợi quan trọng trên cả hai miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí, muốn hưởng thụ, ngại gian khổ, bi quan, dao động trước những thách thức trên chiến trường miền Nam. Vì vậy, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", đăng trên báo Nhân dân số 5409, ra ngày 3-2-1969 nhằm tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Đầu năm 1969, Cách mạng Việt Nam đang ở thế tiến công, với nhiều thắng lợi quan trọng trên cả hai miền Nam, Bắc. Tuy nhiên, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí, muốn hưởng thụ, ngại gian khổ, bi quan, dao động trước những thách thức trên chiến trường miền Nam. Vì vậy, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", đăng trên báo Nhân dân số 5409, ra ngày 3-2-1969 nhằm tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mặt tích cực của cán bộ, đảng viên: "Nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ trước, hưởng thụ sau và đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang... Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con như thế". Tuy nhiên, Bác cũng thẳng thắn phê bình những hạn chế của một bộ phận cán bộ, đảng viên là: phẩm chất đạo đức thấp kém, đề cao lợi ích cá nhân, tham danh, trục lợi, xa hoa, lãng phí, ngại hy sinh gian khổ, thiếu cố gắng vươn lên ... Đó là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, gây tác hại nghiêm trọng đối với sự nghiệp cách mạng, cần phải đấu tranh loại trừ. Bác còn chỉ ra: chủ nghĩa cá nhân sinh ra mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Để loại trừ chủ nghĩa cá nhân, Bác vạch ra con đường, biện pháp đấu tranh là:
Đối với Đảng: Phải tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, giáo dục đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Phải thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình, khuyến khích quần chúng tham gia phê bình cán bộ, đảng viên. Thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ sinh hoạt của Đảng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên: Bác yêu cầu phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Không ngừng học tập để nâng cao giác ngộ chính trị, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, bồi dưỡng tinh thần tập thể. Phải gắn bó mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ kháng chiến - kiến quốc mà còn là những lời di huấn có tác dụng sâu sắc đến việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống tệ tham nhũng, lãng phí hiện nay. Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đánh giá: "Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tham nhũng, lãng phí bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với nhau và đi liền với sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đó là một trong bốn nguy cơ mà Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra. Hiện nay nó vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt gay gắt hơn với những biểu hiện chủ yếu là: Sự suy thoái về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng cả về số lượng và phạm vi; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng tăng nhanh; tệ nói nhiều, làm ít, nói nhưng không làm, làm không đến nơi, đến chốn còn diễn ra ở nhiều nơi; tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân gây hậu quả nặng nề trên nhiều mặt, làm thất thoát tài sản, tiền của của Nhà nước và nhân dân...".
Nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí suy đến cùng là do mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, thực chất của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh này rất gay go quyết liệt và phức tạp vì đối tượng của nó nằm ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người có chức có quyền, có tiền của. Do đó, chống tham nhũng, lãng phí phải tiến hành kiên quyết, triệt để nhưng phải có bước đi, cách làm phù hợp.
Trước hết, các cấp, các ngành, các tổ chức Đảng cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức Nhà nước. Phải thực sự coi trọng phê bình và tự phê bình, khắc phục triệt để thói ngụy biện để làm giảm nhẹ khuyết điểm, thiếu trung thực, không chịu sửa chữa khuyết điểm. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật. Trong xử lý sai phạm phải gắn với chức vụ, trách nhiệm. Cùng một khuyết điểm, ai có chức vụ cao hơn thì chịu trách nhiệm nhiều hơn vì khuyết điểm của họ gây tổn thất cho Đảng nhiều hơn.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực tự giác học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tạo cho mình có lối sống thực sự trong sạch lành mạnh, dân chủ, đoàn kết. Phải thường xuyên tự kiểm điểm bản thân mình một cách nghiêm túc để tránh những sai lầm, thiếu sót đồng thời mạnh dạn phê bình đồng đội trên tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Cán bộ phải thực sự xâm nhập vào hoạt động thực tiễn của quần chúng để xây dựng được tình cảm tốt đẹp với quần chúng, tránh được lối sống xa hoa lãng phí không phù hợp với thực tế của đại đa số quần chúng nhân dân lao động.
Đó cũng là những việc làm thiết thực góp phần tích cực vào ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
TS. Nguyễn Như Trúc
(Trường Sĩ quan lục quân II)