Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sử trên đường phố

11:04, 27/04/2007

Những ngày tháng 3 âm lịch này, đi trên một số con đường lớn của TP. Hồ Chí Minh, bạn bỗng gặp những banner được treo xen kẽ dọc theo các cột điện hai bên đường. Mỗi banner là một nội dung giới thiệu tên và tiểu sử tóm tắt về các vị vua dựng nước, yêu nước cùng các thủ lĩnh khởi nghĩa lập ra chính quyền độc lập tự chủ trong lịch sử.

Học lịch sử trên đường phố qua các banner

Những ngày tháng 3 âm lịch này, đi trên một số con đường lớn của TP. Hồ Chí Minh, bạn bỗng gặp những banner được treo xen kẽ dọc theo các cột điện hai bên đường. Mỗi banner là một nội dung giới thiệu tên và tiểu sử tóm tắt về các  vị vua dựng nước, yêu nước cùng các thủ lĩnh khởi nghĩa lập ra chính quyền độc lập tự chủ trong lịch sử.

 

Giám đốc Công ty truyền thông Tiêu điểm Nguyễn Thiện là người đã đeo bám ý tưởng phải làm cho công chúng ôn lại lịch sử Việt theo lời Bác Hồ dạy "Dân ta phải biết sử ta". Và đường phố sẽ là bộ sử Việt. Tháng 10 năm ngoái, đợt thử nghiệm đầu tiên đã làm cho một chị ở Hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh đi đường giật mình vì những tấm banner treo trên một số trục đường lớn nói về tiểu sử những người phụ nữ, từ thời mở nước đến thời dựng xây đất nước như Bà Trưng, Bà Triệu đến bà Út Tịch, nữ tướng Nguyễn Thị Định... Chị xúc động nói rằng tháng đó có ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, lại là dịp Đại hội Phụ nữ thành phố thì lẽ ra Hội Phụ nữ phải làm chuyện đó, không ngờ lại có một đơn vị khác làm việc truyền thông về lịch sử thay cho Hội. Lần này hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương nên Truyền thông Tiêu điểm lại tiếp tục "xã hội hóa" việc học sử, ôn sử từ thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quý Khoát, Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Quang Trung, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ngoài ra, còn có banner nói về  nguồn gốc của dân tộc Việt Nam (Lạc Hồng) và tên nước Việt thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Thật ra cũng không phải dễ dàng khi đưa ra thực hiện các ý tưởng, nhưng thành phố năng động này là nơi đỡ đầu cho những cái mới, lạ  được thử nghiệm để trở thành cái hay, cái phổ biến. Ý tưởng về phổ cập lịch sử trên đường phố của Công ty truyền thông Tiêu điểm ngay từ đầu đã được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: "Ý kiến này tốt, cần lắm". Và chính ông đã là người cha đỡ đầu để ý tưởng này bước đầu thành hiện thực. Qua đợt thử nghiệm ban đầu vào năm ngoái, thấy công dụng của việc ôn sử trên đường phố nên  TP. Hồ Chí Minh đã chính thức chấp thuận cho ý tưởng này trở thành phổ biến vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương  trên tinh thần "Hướng về cội nguồn dân tộc" và nhớ ơn các bậc tiên liệt, ôn lại dòng chảy hào hùng của dân tộc. Trong văn bản gởi Sở Văn hóa - thông tin thành phố,  Giáo sư Huỳnh  Lứa, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Khi được tổ chức tốt, chương trình này sẽ có tác dụng tích cực vào việc giáo dục lòng yêu nước trong đông đảo nhân dân, đồng thời góp phần vào sự quy tụ, đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay ", bởi lẽ các giá trị được giới thiệu nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương là giá trị chung của  mọi người dân Việt từ bao đời nay. Còn Giáo sư Trần Văn Khê thì khen và góp ý nên viết thêm niên hiệu các đời Vua để mọi người đều biết...

Hôm nay đi trên đường phố, từ người đi bộ đến đi xe, ai cũng có thể lướt đọc qua các dòng tiểu sử các vị vua và sẽ khám phá ra những điều thú vị về lịch sử mà mình chưa biết. Và về mặt mỹ quan, những tấm banner đã góp phần làm cho những con đường đẹp và sinh động hẳn lên như ngày hội.

Có thể nói, xã hội hóa cách học lịch sử của Công ty truyền thông Tiêu điểm là một cách làm hay, sáng tạo, vừa có tính văn hóa, vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp thực hiện và nhà bảo trợ.

Kim Loan

Tin xem nhiều