Gương mặt nhận học bổng "Vượt khó vì tương lai": Hồng "vé số"...

10:04, 16/04/2007

Ngoài những dụng cụ học tập, trong chiếc cặp đến trường hàng ngày của cô học trò Huỳnh Mai Hồng (lớp 9/3, Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa, còn có thêm tập vé số. Người học trò này từ khi lên 8 tuổi đã biết đi bán vé số phụ mẹ kiếm tiền nuôi hai đứa em và lo cả việc ăn học của mình.

Hồng với bạn bè cùng lớp.

Ngoài những dụng cụ học tập, trong chiếc cặp đến trường hàng ngày của cô học trò Huỳnh Mai Hồng (lớp 9/3, Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa, còn có thêm tập vé số. Người học trò này từ khi  lên 8 tuổi đã biết đi bán vé số phụ mẹ kiếm tiền nuôi hai đứa em và lo cả việc ăn học của mình.

 

Thầy hiệu trưởng Trần Như Long kể về Hồng-người học trò duy nhất được Ban giám hiệu đề cử nhận học bổng "Vượt khó vì tương lai" của báo Đồng Nai có hoàn cảnh thật đặc biệt: "Ba mẹ chia tay, mẹ em đi bán vé số, em Hồng đi học một buổi, một buổi đi bán vé số. Đứa em trai của Hồng là Huỳnh Trọng Trung học lớp 7 cùng trường cũng đi bán vé số. Hồng còn một đứa em gái đang học lớp 4. Học lực của Hồng chỉ ở loại khá nhưng Ban giám hiệu quyết định dành suất học bổng này cho em vì biết em đang rất khó khăn". Biết hoàn cảnh của chị em Hồng, mỗi đầu năm học, Quỹ khuyến học "Giúp bạn vượt khó" của trường dành tặng cho Hồng một phần học bổng tương ứng với học phí của chị em Hồng. Ngoài ra, các khoản đóng góp khác nhà trường cũng đều miễn hoặc giảm cho chị em Hồng.

Giờ ra chơi, ở một góc sân trường, Hồng kể về cảnh nhà mình bằng giọng rất buồn. Ba mẹ chia tay khi Hồng chuẩn bị vào lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, hai đứa em nhỏ xíu nên bốn mẹ con tá túc nhà bà ngoại trong con hẻm nhỏ ở phường Hòa Bình. Ngoại già lại nghèo nên một mình mẹ Hồng bán vé số không kham nổi cuộc sống cho cả nhà. Mẹ Hồng chỉ có thể bán một buổi vì những đứa em Hồng còn nhỏ quá. Ban đầu, Hồng chỉ thay mẹ bán cho hết phần vé số những lúc mẹ chạy về thăm nom hai đứa em. Dần dần Hồng nhận thêm vé, đi bán vào những buổi không phải đi học. "Được học bổng của trường nên tụi em không lo chuyện học phí. Nhưng còn tiền quần áo, cặp sách của ba chị em nữa. Nhà em vẫn phải chạy ăn hàng bữa, bà ngoại lớn tuổi nên đau yếu liên miên" - cảnh nhà như vậy nên mấy chị em Hồng phải bươn chải sớm. Hồng với Trung tranh thủ đi bán thêm buổi chiều, coi như phụ thêm tiền cho mẹ. Thỉnh thoảng thầy cô, bạn bè gặp hai chị em bán ở khu vực công viên bờ sông hay ở chợ Biên Hòa.

Cách đây hơn 3 năm, khi Hồng vào lớp 6, em Trung vào lớp 4 thì khu nhà bà ngoại Hồng đang ở phải giải tỏa, mấy bà cháu kéo nhau về tuốt bên phường Bửu Hòa. Tiền đền bù chỉ đủ mua được miếng đất nhỏ xíu trong rạch cầu Tân Bản để làm một nhà nhỏ. Vậy là đường đi học của chị em Hồng xa thêm hơn 4 cây số. Nhà chỉ có một chiếc xe đạp, ưu tiên cho mẹ đi bán và đón em gái út nên lắm lúc chị em Hồng phải đi bộ. Nhưng bạn bè trong lớp của Hồng kể rằng, hiếm khi nào Hồng đi học trễ hay nghỉ học lắm. Trong cặp sách của Hồng luôn có thêm một tập vé số. "Lúc nào em cũng đem sẵn theo để trưa nào không về nhà kịp thì em đi bán luôn" - Hồng cho biết. Biết cô học trò nghèo thiếu phương tiện đi học, nhà trường có tặng cho Hồng chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp nhỏ chẳng những giúp Hồng đi học mà còn là người bạn đồng hành cùng Hồng đi bán dạo. Một buổi trưa theo Hồng về nhà, tôi nhìn thấy em tất tả đạp xe ra khỏi trường lúc 11 giờ 30 phút, gồng lưng đạp xe qua hai cái cầu dẫn qua phường Bửu Hòa trong tiết trời nắng gắt. Căn nhà nhỏ xíu vắng hoe chỉ có mình bà ngoại già yếu. Hỏi chuyện mới biết chị Mai Thị Huệ - mẹ của Hồng vừa được một người quen xin vào làm công nhân Công ty Pouchen bên Hóa An. "Mẹ nó đi làm công nhân, đồng lương ổn định chắc tụi nhỏ đỡ vất vả. Cô coi ba đứa nhỏ đi học thì mẹ nó buôn bán lấy đâu mà lo cho nổi. Bữa nào đi học về tới nhà nó cũng ăn vội chén cơm rồi đi bán. Nó còn nhỏ nhưng là đứa biết lo, nắng mưa gì nó cũng ráng đi bán. Vậy mà nhiều bữa cũng bị người ta lừa tráo vé cũ, mất tiền" - bà ngoại thương đứa cháu sớm bươn chải mà không than vãn hay đòi hỏi gì cả. Căn nhà không quá 25m2 chật hẹp, tối om nằm cạnh một con rạch khuất sâu trong một hẻm lao động chẳng có tài sản gì đáng giá.  Chỉ có gian nhà trước tươm tất là nhờ một người dì thương tình cho ít tiền lót gạch. Đó cũng là chỗ duy nhất để bà ngoại ngủ và là chỗ mấy đứa cháu học bài. Hồng ăn cơm cũng tại đó. Bữa cơm thật đơn giản với một tô canh rau. Sau đó em soạn lại tập vở và cầm tập vé số, đạp xe vội vàng trong trời nắng chang chang. 

16 ngàn năm trăm đồng - là số tiền lời cho 30 tấm vé số mà Hồng bán được mỗi buổi chiều. Số tiền không nhiều lắm nhưng "mỗi ngày em đưa mẹ mua gạo, thức ăn, một ít còn lại em giữ để mua vé xe buýt tháng cho bé út đi học, mua đồ dùng học tập, trả tiền điện. Em trai em cũng vậy, dù chỉ đi bán vào ngày chủ nhật thôi nhưng cũng dành dụm để mua tập vở và quần áo đến trường" - Hồng chia số tiền lời cẩn thận như một bài toán khó đối với tuổi của  em.

Thu Trang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích