Báo Đồng Nai điện tử
En

"Áo lụa Hà Đông" - những điều đọng lại

11:04, 27/04/2007

Bộ phim "Áo lụa Hà Đông", một bộ phim được dư luận quan tâm, thu hút khán giả ở nhiều nơi, được khán giả Hàn Quốc bình chọn là phim hay nhất của Liên hoan phim quốc tế Pusan (Hàn Quốc) vừa được giới thiệu với khán giả tại Biên Hòa. Dù còn nhiều ý kiến khen chê, song có thể nói bộ phim giống như một dòng nước lạ góp vào con sông lớn: phim Việt.

Bộ phim "Áo lụa Hà  Đông", một bộ phim được dư luận quan tâm, thu hút khán giả ở nhiều nơi, được khán giả Hàn Quốc bình chọn là phim hay nhất của Liên hoan phim quốc tế Pusan (Hàn Quốc) vừa được giới thiệu với khán giả tại Biên Hòa. Dù còn nhiều ý kiến khen chê, song có thể nói bộ phim giống như một dòng nước lạ góp vào con sông lớn: phim Việt.

 

"Áo lụa Hà Đông" là câu chuyện của một gia đình Việt Nam, sống trong bối cảnh của những năm trước Cách mạng tháng Tám ở miền Bắc cho đến những năm 1968 ở miền Nam. Để trốn chạy sự áp bức của cường hào, địa chủ phong kiến, Gù và Dần đã rời bỏ quê nhà, lưu lạc vào Hội An. Gia tài mà họ mang theo chỉ có chiếc áo dài lụa Hà Đông - kỷ niệm của người mẹ. Trải qua bao gian truân khổ nhọc nơi đất khách quê người, cái gia đình nhỏ bé đó đã tan tác vì chiến tranh: đứa con gái lớn chết vì bom Mỹ, Dần cũng thiệt mạng khi mưu sinh trên sông, để lại người chồng - người cha tật nguyền và những đứa trẻ côi cút... Bộ phim khép lại trong hình ảnh nước nhà độc lập, Ngô - con gái thứ hai của Gù và Dần đi giữa những thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài truyền thống, nổi bật trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, không còn chiến tranh, bom đạn

"Áo lụa Hà Đông" nặng về "bi" . Những nhà làm phim không nói nhiều về cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Nhưng sự vô nhân đạo của nó thể hiện rõ trong những cảnh phim về cuộc sống tăm tối, tâm trạng hoảng hốt, phấp phỏng triền miên của người dân, nhất là trước những trận càn, những trận dội bom của Mỹ. Cuộc sống ngột ngạt, mong manh của người dân mất nước được tái hiện sinh động như thật khiến bộ phim có giá trị lên án chiến tranh mạnh mẽ. Trong bối cảnh xám ngắt của thời cuộc, chiếc áo lụa Hà Đông giống như một nhân vật không tiếng nói, xuất hiện suốt chiều dài bộ phim, làm sáng rõ chủ đề: Chiếc áo lụa không chỉ là tài sản vật chất mà còn chứa đựng trong nó những giá trị tinh thần không thể hủy diệt, nó là biểu tượng của tình yêu quê hương, đất nước của người dân Việt. Hay nói cách khác, chiếc áo lụa Hà Đông chính là biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa Việt Nam. 

"Áo lụa Hà Đông" thành công không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn,   ngôn ngữ điện ảnh rõ nét, nhiều tình huống lạ... mà còn nhờ sự vào vai xuất sắc của các diễn viên, trong đó tâm điểm là nhân vật Dần (Trương Ngọc Ánh).  Dần của Trương Ngọc Ánh có nét đẹp đằm thắm, đôn hậu, hy sinh tất thảy vì chồng con - một điển hình  của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh Dần là Gù - một vai diễn thành công của Quốc Khánh. Người chồng tuy tật nguyền nhưng biết chơi đàn, say mê cái đẹp, thương vợ quý con v.v... Người xem không thể quên hình ảnh Dần cuống cuồng lật từng manh chiếu để tìm xác con, hay hình ảnh Gù... với những bước chân tập tễnh liêu xiêu, nhớn nhác tìm vợ giữa đám đông chạy giặc... Chất bi của phim trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ những cảnh quay nên thơ về làng quê Việt Nam, cảnh sinh hoạt ấm cúng, đầy ắp tình yêu thương của vợ chồng, con cái  Gù. Sự chân thật trong diễn xuất của hai nhận vật chính cộng thêm nét diễn ngây thơ, hồn nhiên của các diễn viên nhí đã làm bộ phim có nhiều trường đoạn cảm động, thấm đẫm chất nhân văn, vì vậy mà ý nghĩa tố cáo chiến tranh, đề cao khát vọng hòa bình  của phim càng nổi rõ.

Có ý kiến cho rằng trong phim có những tình tiết vô lý, một số lại không tán thành những cảnh quay "nóng" mô tả cuộc giao hoan thân xác giữa Dần và Gù, cảnh Dần làm "vú em" v.v...  Nhưng, thiết nghĩ không nên áp đặt lô-gích của đời sống với lô-gích của nghệ thuật. Mặt khác, những cảnh quay "nóng" không quá đà mà ngược lại, làm đậm thêm chất "người" của nhân vật, làm tăng sự hấp dẫn của phim.

"Áo lụa Hà Đông" còn một vài chỗ chưa thật làm an lòng khán giả, đó là cảnh vợ chồng Dần mang đứa con đi chôn trong sự cô đơn, lẻ loi, thiếu vắng tình làng nghĩa xóm quả một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Hình ảnh cô gái chạy loạn giơ cao cây sào trên đó buộc chiếc áo lụa Hà Đông bay phấp phới, âm nhạc tắt lặng... gây cảm giác hơi rùng rợn, ma quái. Chắc hẳn nhà làm phim sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện ý đồ tư tưởng nhưng hiệu quả nghệ thuật lại khiến người xem có những suy tưởng rất khác nhau. Dẫu sao, "Áo lụa Hà Đông" với công nghệ làm phim hiện đại, với cái "tâm" của đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh vẫn là một bộ phim có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cần được ghi nhận.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều