Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang Web của các cơ quan hành chính - sự nghiệp trong tỉnh: Hiệu quả chưa cao

10:03, 12/03/2007

Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp đã xây dựng được trang thông tin điện tử (website). Theo Sở Bưu chính - viễn thông, số lượng trang web này không chỉ ít, phát triển chậm mà bản thân việc khai thác, sử dụng những website cũng chưa cao; nhiều trang bỏ trống thông tin, có tên miền nhưng thiếu nội dung thông tin.

Có rất ít lượt truy cập vào trang web của Chi cục quản lý thị trường tỉnh.

Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 17 cơ quan, đơn vị hành chính - sự nghiệp đã xây dựng được trang thông tin điện tử (website). Theo Sở Bưu chính - viễn thông, số lượng trang web này không chỉ ít, phát triển chậm mà bản thân việc khai thác, sử dụng những website cũng chưa cao; nhiều trang bỏ trống thông tin, có tên miền nhưng thiếu  nội dung thông tin.

 

* Ít người truy cập

 

Theo một khảo sát do Sở Bưu chính - viễn thông vừa thực hiện, nhiều website cơ quan Nhà nước của tỉnh hiện nay có số lượt truy cập thấp đến mức đáng ngạc nhiên. Cụ thể, trang web của Chi cục quản lý thị trường tỉnh chỉ đạt mức 150 - 200 lượt truy cập mỗi tháng. Chức năng hỏi đáp của trang web này cũng gần như không có người khai thác. Trang web của Tỉnh đoàn Đồng Nai được trên 5.000 lượt truy cập mỗi tháng; Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh 5.000 lượt truy cập; Hội đồng nhân dân tỉnh 3.700 lượt... Riêng trang web của Đài PT- TH Đồng Nai thì đã... ngừng hoạt động mà không một thông báo cho người truy cập về lý do, dù tên miền vẫn được duy trì.

Khảo sát trên cũng đưa ra các đánh giá về mức độ ứng dụng trang web trên trong phục vụ hành chính công. Kết quả cho thấy, hầu hết các trang web thuộc cơ quan hành chính - sự nghiệp của tỉnh đều dừng ở mức độ... cung cấp thông tin. Các trang web đã cung cấp khá đầy đủ những thông tin về đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, bao gồm những thông tin tổng quát nhất về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội; cung cấp các loại văn bản pháp quy, các quy định của địa phương và một số thủ tục hành chính. Hiện chỉ một số trang web của tỉnh đạt được mức độ là kênh đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác như trang web của Sở Khoa học - công nghệ, Cục Hải quan, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh... Riêng mức độ xử lý trực tuyến nhằm thực hiện các dịch vụ và các giao dịch trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp, công dân thì các trang web của tỉnh vẫn chưa thực hiện được, hiện mới chỉ là định hướng phát triển khi đưa vào khai thác trang web. Duy nhất có Sở Khoa học - công nghệ đã bắt đầu thực hiện một số ứng dụng ở mức độ này, chẳng hạn như đăng ký trực tuyến một số hoạt động về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hội thi sáng tạo kỹ thuật, cấp giấy phép... Với mức độ ứng dụng này, người dùng có thể biết được tiến trình xử lý và kết quả yêu cầu của mình hoàn toàn thông qua internet.

 

* Phát triển chậm

 

Ông Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông tỉnh cho rằng, với một tỉnh có số người sử dụng internet cao như Đồng Nai, chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh về số thuê bao internet, đạt mức 5 thuê bao/ 100 người dân thì sự phát triển của các trang web cơ quan hành chính - sự nghiệp như thời gian qua là còn chậm, ít và hiệu quả chưa cao. Theo ông, chậm là do tỉnh chưa có một đầu mối, cơ quan tham mưu, quản lý trang web của các sở, ngành để phát triển mạnh lĩnh vực này. Còn số lượng ít là do việc ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều sở, ngành vào phục vụ công tác quản lý, cải cách hành chính chưa thực sự được lãnh đạo ngành quan tâm, đầu tư. Một số đơn vị khi xây dựng trang web lại không tính tới việc xây dựng đồng thời một phương án cụ thể về tổ chức nhân lực, kinh phí duy trì, biên tập, xây dựng nội dung... Một số trang web chưa đảm bảo cập nhật thông tin thường xuyên hoặc thiếu sự phối hợp trao đổi nguồn tin với nhau nên có một số nguồn thông tin cung cấp trên các trang web chưa thật sự sống động. Việc thiết kế giao diện  các trang web còn đơn điệu cũng là một nguyên nhân làm hạn chế số lượng người truy cập. Đáng lưu ý là về thủ tục, vẫn còn có trang web xây dựng xong thì mới đăng ký, xin phép Bộ Văn hóa - thông tin.

Hiện kinh phí đầu tư cho mỗi trang web chưa được định mức chuẩn, do vậy kinh phí đầu tư cho trang web của từng đơn vị cũng khác nhau. Theo Sở Bưu chính - viễn thông, mức đầu tư cho một trang web hiện nay phổ biến ở mức từ 150 - 200 triệu đồng. Nếu tính cả kinh phí để duy trì tên miền hàng năm thì con số đầu tư cho một trang web cũng không phải nhỏ. Do vậy, sử dụng các trang web chưa hiệu quả, hay chỉ xây dựng "cho có" sẽ là một lãng phí rất lớn tiền đầu tư của Nhà nước.

Kiến Quân

 

Tin xem nhiều