Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức sống của võ thuật cổ truyền ở Đồng Nai

09:03, 09/03/2007

Khá âm thầm và lặng lẽ, dường như võ thuật cổ truyền chưa bao giờ trở thành một môn thể thao thời thượng khiến giới trẻ chạy theo. Thế mà sức lan tỏa của võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh thời gian qua thật đáng ghi nhận. Với 20 môn phái thu hút hàng ngàn võ sinh tham gia tập luyện thể hiện "tinh thần thượng võ", mà theo ông Lê Văn Ngói, chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh thì không phải môn thể thao nào cũng có.

Khá âm thầm và lặng lẽ, dường như võ thuật cổ truyền chưa bao giờ trở thành một môn thể thao thời thượng khiến giới trẻ chạy theo. Thế mà sức lan tỏa của võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh thời gian qua thật đáng ghi nhận. Với 20 môn phái thu hút  hàng ngàn võ sinh tham gia tập luyện thể hiện "tinh thần thượng võ",  mà theo ông Lê Văn Ngói, chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh thì không phải môn thể thao nào cũng có.

 

Các võ sinh đang biểu diễn võ cổ truyền.

* Sức lan tỏa của võ cổ truyền

 

Ông Lê Văn Ngói bày tỏ: "Không nên chỉ biết đến võ thuật cổ truyền trên khía cạnh thể thao, đó còn là một mảng văn hóa đặc sắc của dân tộc mà chúng ta cần giữ gìn và trân trọng".

Theo thống kê sơ bộ thì hiện tại, võ thuật cổ truyền của Đồng Nai có khoảng 20 môn phái, trong đó riêng thành phố Biên Hòa đã có đến 17 môn phái. Mỗi môn phái có đặc thù và thế mạnh riêng. Chẳng hạn Bắc phái mạnh về cước, Nam phái mạnh về quyền...Trong đó, đứng đầu mỗi môn phái là trưởng phái. Mỗi môn phái thường chọn cho mình một địa điểm làm "trụ sở" và có thể phát tán chi nhánh nhiều nơi, thu nhận thêm nhiều võ sinh để truyền nghề. Trong số các môn phái, có nhiều môn phái đã tạo được tiếng tăm riêng và chỗ đứng riêng của mình trong làng võ như  Thiên Mục Sơn (võ sư Lê Văn Ngói), Tây Sơn - Bình Định (võ sư Hà Trọng Ngữ); Tây Sơn - Xuân Bình (võ sư Xuân Bình); Hồng Mi - Đạo nhân (võ sư Mã Thanh Hoàng)...

Cũng theo một thống kê chưa đầy đủ thì số lượng võ sư trong tỉnh hiện nay có khoảng 45 người với khoảng 2.500 võ sinh, bình quân mỗi năm số võ sinh mới tăng khoảng 200 đến 300 người. Trong đó, phái Thiên Mục Sơn được xem là phái có lượng võ sinh đông nhất, khoảng 400 người. Thiên Mục Sơn là môn phái xuất phát từ Huế, đến với đất Đồng Nai từ những năm trước giải phóng với sự chủ trì của một nhà sư.  Trong tỉnh, chi nhánh của môn phái này có ở Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú... Môn phái này  cũng là nơi "đóng góp" cho đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh nhiều thành viên nhất, trong đó có những thành viên đã đạt huy chương toàn quốc.

 

* Mái nhà chung của võ cổ truyền

 

Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Đồng Nai ra đời đã được 15 năm, trước đó, hội được gọi là "Ban Võ vật". "Ban Võ vật" cũng là nơi điều hành, trao đổi chuyên môn giữa các môn phái trong tỉnh và đôi lần tổ chức các giải phong trào nhưng quy mô không lớn lắm. Chỉ đến khi Hội Võ thuật cổ truyền ra đời thì những hoạt động võ thuật mới có thêm nhiều "đất" để hoạt động và lớn mạnh hơn. Hiện tại, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh đã có 11 chi hội với 16 hội viên (trong đó có 11 hội viên đứng đầu và quản lý các chi hội, 5 hội viên trong ban chấp hành Hội). Về chuyên môn thì các chi hội có khả năng tổ chức thi lên đai cho võ sinh từ cấp 1 đến cấp 8. Về hoạt động, mảng phong trào được xem là hoạt động mạnh nhất của Hội võ thuật cổ truyền tỉnh. Giáp Tết Nguyên đán vừa qua, các chi hội ở Định Quán và Xuân Lộc đã lần lượt tổ chức các giải võ thuật mở rộng, thu hút nhiều võ sinh tham gia. Qua những giải đấu đó, nhiều võ sinh có tiềm năng đã được phát hiện để tham dự các giải đấu lớn hơn: Giải Trẻ - giải vô địch của tỉnh và giải đấu cấp quốc gia.

Hội cũng tổ chức cho các môn phái thi đấu qua lại, giao lưu chuyên môn với nhau để phát triển thế mạnh riêng của mình. Sắp tới, Hội sẽ tổ chức phân nhóm chi hội, thường xuyên cử huấn luyện viên chất lượng cao về dạy võ, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ huấn luyện viên ở các chi hội. Mặt khác, qua đó những võ sinh giỏi thuộc những môn phái khác nhau cũng sẽ được phát hiện và bồi dưỡng.

Đặt võ cổ truyền của Đồng Nai bên cạnh sự phát triển chung của khu vực và quốc gia, từ kinh nghiệm nhiều năm thi đấu, ông Lê Văn Ngói cho rằng: "Tôi tự tin về sức mạnh của võ cổ truyền Đồng Nai vì trên thực tế, Đồng Nai luôn được đánh giá là đội mạnh trong các kỳ thi đấu, nhất là về quyền thuật. So về đời sống anh em nhà võ thì ở Đồng Nai, chúng tôi cũng được quan tâm hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Với tư cách một võ sư đã theo nghề võ hơn 40  năm, tôi cũng tự tin về sức sống của võ cổ truyền từ nay về sau".

 Vi Lâm

 

Tin xem nhiều