Hội thảo khoa học “Huỳnh Văn Nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp”:
Huỳnh Văn Nghệ - văn võ song toàn

10:03, 05/03/2007

Ngày 3-3 vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ (5-3-1977 - 5-3-2007) và nhân dịp ông được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật, Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cùng Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học về “Cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ”.

Ngày 3-3 vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ (5-3-1977 - 5-3-2007) và nhân dịp ông được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật, Tỉnh ủy, UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cùng Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học về “Cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Văn Nghệ”.

 

* Nhà chính trị, quân sự tài ba

 

Góp tiếng nói tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một đã khái quát về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ khá đầy đủ: Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914, tại xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ năm 1932, đồng chí đã tham gia phong trào Đông Dương Đại hội ở Sở Hỏa xa Sài Gòn và sớm được kết nạp vào Đảng. Khi bị lộ, đồng chí tìm đường sang Thái Lan thành lập chi bộ Đảng hải ngoại, trực tiếp làm chủ bút tờ báo Hồn Cố Hương để tuyên truyền cách mạng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giỏi là người liên lạc của đồng chí Trần Văn Giàu với đồng chí Huỳnh Văn Nghệ trước năm 1945, khẳng định: “Đồng chí Tám Nghệ là người hăng hái, nhiệt tình, dũng cảm, trung kiên, bất khuất. Trong công tác, Đảng giao việc gì được việc ấy, không kèn cựa địa vị. Tấm gương của đồng chí xứng đáng để mọi người noi theo”. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, đồng chí là người trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa; là người xây dựng và trực tiếp chỉ huy đơn vị bộ đội đầu tiên của tỉnh; xây dựng chiến khu Đất Cuốc, rồi chiến khu Đ và trở thành Khu Bộ trưởng Khu VII; lập nên những kỳ tích về các trận đánh ở La Ngà, Trảng Bom, Bảo Chánh, Bàu Cá, tháp canh cầu Bà Kiên... Có thể nói, không chiến công nào của quân dân miền Đông Nam bộ không có những đóng góp rất to lớn và quan trọng của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ. Ông còn là cố vấn cho Ủy ban kháng chiến miền Đông Nam bộ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp; là người tay không, một mình vào tận căn cứ của Bình Xuyên dùng lý lẽ và tình cảm thuyết phục được Bảy Viễn và đưa nhân vật này về với dân tộc, với cách mạng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Phó chính ủy Quân khu VII, bày tỏ sự kính trọng: “Với tố chất thủ lĩnh lại nổi tiếng về thao lược, Huỳnh Văn Nghệ đã từng bước chỉ huy phát triển lực lượng vũ trang kháng chiến. Tâm phục ông, các bộ phận vũ trang là công nhân, nông dân, thanh niên dân tộc thiểu số tự nguyện xin gia nhập đội quân do ông chỉ huy. Huỳnh Văn Nghệ cũng là người rất có công phát hiện vị trí, địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên lập căn cứ mà tiến có thể đánh, lùi có thể giữ”. Làm rõ hơn vai trò của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ trong việc thống nhất lực lượng vũ trang ở miền Đông, thạc sĩ Trần Quang Toại, Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai, cho rằng: “Pháp chiếm Biên Hòa, Huỳnh Văn Nghệ đưa các chiến sĩ rút về rừng Tân Uyên để xây dựng căn cứ lâu dài. Tại Tân Uyên, ông đã thuyết phục bằng uy tín của mình để tiếp nhiều lực lượng tự vệ, vũ trang địa phương. Tháng 5-1946, với cương vị là thành viên Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa phụ trách quân sự, đồng chí Tám Nghệ đã triệu tập hội nghị quân sự quyết định hai vấn đề thể hiện tư tưởng và tầm nhìn của ông: Thành lập lực lượng vũ trang thống nhất (tập hợp các lực lượng khác lại) lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa và xây dựng căn cứ kháng chiến lấy tên chiến khu Đ”. Ông Hoàng Kim Chung là thư ký của đồng chí Tám Nghệ, kể: “Là thủ lĩnh quân sự địa phương nhưng ông không hề được đào tạo qua một trường quân sự nào. Tôi biết ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình và tự học qua các tài liệu mà không biết ông moi từ đâu ra đưa tôi đánh máy. Đó là Binh pháp Tôn Tử, Kinh ngoạn du kích Tàu, Cách huấn luyện cán bộ quân sự...

 

* N thơ của những vần thơ hùng tráng

 

Giáo sư Trần Hữu Tá so sánh: “Nếu như xứ Bắc có nhà thơ cách mạng Tố Hữu thì Nam bộ có Huỳnh Văn Nghệ. Về cảm xúc, thi tứ cũng như Tố Hữu, Huỳnh Văn Nghệ đã mở lòng ra, cảm thông chia sẻ với những số phận nghèo khổ, bất hạnh, chẳng hạn như một cảnh đưa ma tức tưởi, thảm hại trong bài thơ “Đám ma nghèo”, 1938; ý thức sâu sắc thân phận mất nước, cảnh cá chậu chim lồng trong bài “Trăng lên”, “1937”. Giáo sư Trần Hữu Tá còn cho rằng, Huỳnh Văn Nghệ có lẽ cũng rất say Thơ Mới, tâm đắc với những tác phẩm của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư nên ông tỏ ra khá nhuần nhuyễn với loại thơ 5 chữ, 8 chữ cũng như với hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh gợi cảm nhưng khá cầu kỳ. Trong thơ, ông cũng đã thể hiện rõ tình cảm của người chỉ huy luôn biết lắng nghe, biết đồng cam cộng khổ, chia sẻ với đồng đội, thuộc cấp - những người mà thơ ông cảm nhận đến tột cùng vẻ đẹp tâm hồn, khí phách hiên ngang cho dù đang đối mặt với quân thù trong tình thế hiểm nghèo. Nhưng hơn hết, ở thi sĩ này ý thức rất rõ cái tình dân tộc, hòa hợp dân tộc, sự thống nhất hai miền Nam - Bắc thể hiện rõ qua bài thơ “Nhớ Bắc” - bài thơ mở đầu cho chùm thơ hào khí cách mạng, cảm hứng anh hùng của thơ ca Huỳnh Văn Nghệ: “Ai đi về Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...”

Về ý thức dân tộc sâu sắc của Huỳnh Văn Nghệ, Giáo sư Hoàng Như Mai có sưu tầm một câu chuyện kể rằng: Một ký giả Pháp đến gặp Tám Nghệ, chỉ huy trưởng Đoàn vệ quốc Biên Hòa, hỏi kiểu chiến tranh tâm lý: “Ông là người Nam hay người Bắc?” Tám Nghệ điềm nhiên trả lời: “Người Bắc”. Ký giả định dồn ông vào thế bí: “Ông đã vào đây lâu chưa?” “Đã ba trăm năm rồi”, đồng chí không đổi giọng. Giáo sư còn góp cho hội thảo một nhận định: “Nghệ thuật thơ Huỳnh Văn Nghệ được chung đúc bởi cái chân chất của Nam bộ, của hào khí Đồng Nai mà người ta từng thấy ở bút pháp Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Thủ Khoa Huân”.

Nhà thơ Đàm Chu Văn gọi Huỳnh Văn Nghệ là người chép sử chiến khu Đ bằng thơ. Thơ ông đã “ghi chép” đầy đủ từ những đồng chí đầu tiên ở chiến khu Đ, những hoạt động của các đội du kích, những cảnh sinh hoạt, họp hội, cảnh đẹp ở vùng rừng chiến khu. Còn Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nói rộng hơn: “Huỳnh Văn Nghệ - người chép sử quê hương”. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới còn nêu: Muốn hiểu về những địa danh quê hương như Đồng Nai, Gò Đồn, Miếu Bà Cô, Gò Trăm Quân, Chùa Ông Mõ... thì đọc thơ Huỳnh Văn Nghệ sẽ rõ. Người đời sau có thể tìm hiểu tập quán xưa của ông cha như bánh cúng rằm, trò chơi dân gian ngày hội, tục cúng Thần Nông... thì nên tìm đến trang viết của Huỳnh Văn Nghệ. Thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ còn có công ghi chép chuyện kể dân gian, mà theo TS. Huỳnh Văn Tới là quá trình trải nghiệm của người ghi chép tìm về cái đẹp, cái đúng, cái cần thiết. “Những tác phẩm như “Tiếng hát trên sông Đồng Nai”, “Trận Mãng xà”, “Anh Chín Quì”, “Sấu đỏ mũi”... là những trang viết quý báu, có ý nghĩa văn sử rõ nét bởi văn chương giàu hình tượng, sự việc đầy chân thực, phong cách đậm chất Nam bộ”- Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới nói.

Theo Đại tá - TS Hồ Sơn Đài, công tác tại Quân khu VII: “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ có nhiều thể loại, đề tài thơ khác nhau, nhưng ông làm thơ cốt để phục vụ cho việc đánh giặc, ngợi ca cổ súy những người ra trận”.

 

* Những điều còn lại

 

Cuộc đời ông là vậy. Văn võ song toàn là vậy. Nhưng cho đến ngày về cõi vĩnh hằng, nguyên Khu bộ trưởng Khu VII, từng đánh thắng nhiều tướng Pháp, cũng chỉ ở cấp hàm Thượng tá. Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà sử học có mặt tham dự hội thảo đề nghị Nhà nước nên xem xét truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí Huỳnh Văn Nghệ. PGS.TS Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị, sau hội thảo các cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyền truyền về tấm gương cuộc đời và sự nghiệp của chiến sĩ - thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ để các thế hệ sau học tập. Trong đó, cần kiến nghị Nhà nước xem xét để đưa di cảo thơ của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ phổ biến rộng rãi trong công chúng, kể cả đưa vào sách giáo khoa.

Ban tổ chức hội thảo thì kiến nghị Đảng bộ, chính quyền hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương - quê hương của đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chính thức lập hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ.

 An Xuyên

 

Tin xem nhiều