Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 57 năm ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9-1)
Chuyện về những học trò trường Nguyễn Du để tang "trò Ơn" cách nay 57 năm

11:01, 09/01/2007

Đã bước sang tuổi 71, ông Đỗ Bá Nghiệp, nguyên giám đốc Nhà bảo tàng Đồng Nai vẫn nhớ như in về những sự kiện xảy ra vào giữa tháng giêng năm 1950 (cách đây đúng 57 năm) đã dẫn đến chuyện ngày 14-1-1950, cậu học sinh lớp nhứt, 14 tuổi phải bỏ nhà trốn vào chiến khu.

Đã bước sang tuổi 71, ông Đỗ Bá Nghiệp, nguyên giám đốc Nhà bảo tàng Đồng Nai vẫn nhớ như in về những sự kiện xảy ra vào giữa tháng giêng năm 1950 (cách đây đúng 57 năm) đã dẫn đến chuyện ngày 14-1-1950, cậu học sinh lớp nhứt, 14 tuổi phải bỏ nhà trốn vào chiến khu. Để sau đó, cậu học trò trường Nguyễn Du này trở thành bộ đội Cụ Hồ tham gia đánh Mỹ khắp chiến trường trong Nam ngoài Bắc lẫn trên đất bạn. Điều cũng khá đặc biệt, cậu học trò đó là con trai của một nhân vật rất nổi tiếng ở tỉnh Biên Hòa trước đây. Mọi người thời đó thường gọi ông là "Quận Qườn", trưởng nam của dòng tộc Đỗ Hữu danh giá đất Biên Hòa từng có cha là cai tổng Phước Vinh Thượng của thời mở đất xứ Đồng Nai. Ông Đỗ Bá Nghiệp cũng rất tự hào là dòng tộc ông cho đến nay có đến 5 thế hệ đều học ở trường Nguyễn Du.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Tại Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn liên tục diễn ra nhiều cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa. Chính quyền bù nhìn vội ra lệnh đóng cửa một số trường và bắt giam nhiều học sinh. Đông đảo phụ huynh học sinh bức xúc kéo đến Nha học chính và dinh thủ hiến Trần Văn Hữu đòi mở lại cửa trường và trả tự do cho số học sinh bị bắt. Ngày 9-1-1950, đoàn thanh niên Cứu quốc và đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã vận động hơn 1.000 học sinh, sinh viên và phụ huynh kéo đến dinh thủ hiến đưa yêu sách. Bị áp lực của quần chúng, bọn cầm quyền đành phải hứa miệng là sẽ mở lại trường học và thả số học sinh bị bắt. Đông đảo học sinh phản ứng đòi phải thả ngay để mọi người trông thấy và phải có văn bản chính thức việc mở lại trường học. Bọn cầm quyền không nhượng bộ. Học sinh cũng không lùi bước quyết định tổ chức cắm trại trước dinh thủ hiến (nay là Bảo tàng cách mạng TP. Hồ Chí Minh) và tại công viên cây đa trước dinh thủ hiến. Đồng bào các giới biết tin đã ùn ùn đem nước uống và thức ăn đến tiếp tế cho học sinh đang biểu tình ngồi. Vào lúc 3 giờ chiều, bọn cầm quyền ra lệnh cho cảnh sát và binh lính dùng báng súng, dùi cui đàn áp học sinh. Đồng loạt hàng ngàn học sinh đã ném gạch, đá, guốc, dép... chống trả quyết liệt. Mấy loạt súng nổ, nhiều học sinh bị trúng đạn chết và bị thương. Trần Văn Ơn học sinh năm thứ nhất ban tú tài (lớp second) trường Pétrus Ký đang dũng cảm đương đầu với báng súng để bảo vệ số học sinh nhỏ tuổi và nữ sinh thoát hiểm thì trúng đạn và bị thương nặng. Được đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, nhưng Trần Văn Ơn đã trút hơi thở cuối cùng. Được tin, hàng trăm học sinh kéo đến nhà thương Chợ Rẫy bảo vệ thi hài của người hội viên Hội học sinh - sinh viên Việt Nam, vừa dũng cảm hy sinh, không để cho kẻ địch cướp đi hòng xóa dấu vết tội ác. Cái tin Trần Văn Ơn bị nhà cầm quyền sát hại làm rúng động cả miền Nam. Đặc biệt là tại tỉnh lỵ Biên Hòa. Vì quê ngoại của Trần Văn Ơn ở ngay chợ Đồn, ấp Mỹ Khánh (nay thuộc địa bàn phường Bửu Hòa). Những ngày nghỉ cuối tuần, cậu học trò Pétrus Ký quê ở Bến Tre này hay về chợ Đồn chơi và rất được đám học sinh Nguyễn Du lúc ấy ngưỡng mộ. Đỗ Bá Nghiệp nhỏ hơn Trần Văn Ơn đến 4 tuổi, cũng thuộc vào số học sinh đó. Dù rằng cha mẹ ông đều là thầy cô giáo nổi tiếng ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Cha ông là thầy giáo Đỗ Hữu Quờn dạy trường nam tiểu học (sau có tên là trường Nguyễn Du) và mẹ là bà Nguyễn Thị Mỹ dạy trường con gái (sau đó là Trường nữ tiểu học - bây giờ là Trường tiểu học Quang Vinh), nên ngay sáng 10-1, Đỗ Bá Nghiệp cùng một đám học trò lớp nhứt trường Nguyễn Du đón xe lô lên Sài Gòn tham dự đám tang trò Trần Văn Ơn. Chiều tối trước đó ông năn nỉ mẹ là bà giáo Mỹ ra chợ Biên Hòa mua cho một cây vải Xiêm đen để cắt băng tang phát cho toàn thể bạn học. Ông Đỗ Bá Nghiệp nhớ lại: "Lúc ấy đeo băng tang mà trong lòng tụi này đều rưng rưng xúc động. Trong lớp nhứt tui có chị Nhung (bà Nhung là chị của nha sĩ Oanh, nhà ở hẻm Lương Văn Thượng (nay nằm trên đường CMT8) một thời nổi tiếng ở Biên Hòa, lớn hơn tui 2 tuổi rất lanh lợi. Chị đeo băng tang từ nhà qua trường Nguyễn Du, vừa đi ngang phòng thông tin thì bị tên cảnh sát Giỏi (tên này là cảnh sát chìm thường hay mặc bộ đồ xá xẩu đen với khuôn mặt rất ngầu) chận lại hỏi: "Nè! Con nhỏ kia, mầy để tang cho ai vậy?". Chị Nhung lanh trí nói trớ đi:

- Dạ, tôi để tang cho một người anh vừa mới mất!

Tên cảnh sát ác ôn tát vào mặt nữ sinh Nhung:

- Nói láo. Mày để tang cho thằng Ơn phải không!".

Sáng ngày 11-1-1950, Đỗ Bá Nghiệp cùng với một đám bạn học kéo nhau lên lầu trường Nguyễn Du, nơi có hai lớp khối lớp nhứt để kêu gọi bãi khóa. Nơi trước tiên là lớp của Nghiệp do thầy giáo Lê Văn Tiếng đang đứng lớp. Đỗ Bá Nghiệp là học trò giỏi văn, được thầy tiếng rất cưng nên khi thấy đám học trò hùng hổ kéo vào và nghe Đỗ Bá Nghiệp khoanh tay lễ phép trình bày: "Thưa thầy, con xin phép thầy cho chúng con được bãi khóa để phản đối việc sát hại dã man trò Ơn của nhà cầm quyền...". Vị nhà giáo nổi tiếng mẫu mực của trường nam tiểu học bấy giờ nói ngay: "Nếu các em thấy là việc làm của mình đúng thì cứ làm. Tôi không thể tham gia và cũng không ngăn cản".

Hàng mấy trăm học sinh trường Nguyễn Du đồng tình bãi khóa, ùn ùn kéo nhau ra cổng trường. Ông Đốc học Nguyễn Văn Vĩnh đứng cản một cách bất lực. Và khi nhìn thấy thầy Tiếng dẫn xe đạp ra cổng, ông giận dữ hỏi: "Thầy cũng bãi khóa hả?". Thầy giáo Lê Văn Tiếng từ tốn trả lời: "Tôi không bãi khóa. Nhưng học trò bỏ về hết rồi tôi còn biết dạy ai đây!".

Sáng 12-1-1950, tang lễ Trần Văn Ơn được cử hành trọng thể tại trường Petrús Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) với hàng ngàn người tham gia, trong đó đông đảo học sinh, sinh viên trương biểu ngữ chống Pháp. Sau lễ truy điệu, đám tang trở thành cuộc tuần hành về phía chợ Lớn. Dẫn đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang... Trước quan tài là hương án có hai câu viết bằng máu của học sinh trên băng trắng:

"Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống"

"Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời"

Trong đám tang, tuần hành này có cả những học sinh trường Nguyễn Du - Biên Hòa tham gia. Và tối 13-1 sau khi từ Sài Gòn về đến Biên Hòa, Đỗ Bá Nghiệp được người bạn học cùng lớp tên là Bé (sau này ông Bé là chủ nhà sách Thiên Tứ nằm trên đường Cô Giang trước chợ Biên Hòa) chạy đến nói nhỏ: "Ba tao nói bên mật thám đang trình lệnh xin bắt mày. Họ nói mày cầm đầu học sinh bãi khóa. Ba tao nói là mầy phải trốn nhanh đi!".

Nghe vậy, Nghiệp ngớ người ra vì những hành động của anh trong mấy ngày qua là hoàn toàn tự phát và xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù bọn thực dân Pháp đã đàn áp, giết hại dã man học sinh chứ nào có biết là cầm đầu, xách động gì đâu. Nhưng biết ông ách Luyến (cha của trò Bé và là bạn của thầy Quờn - về sau ách Luyến trở thành đại tá - giám đốc Trung tâm cải huấn Chí Hòa) báo như vậy là tình thế rất nguy ngập nên sáng hôm sau cũng với quần xanh áo trắng học trò và ôm theo cặp vở, Đỗ Bá Nghiệp lẳng lặng qua Cù lao Phố rồi tìm đường vào chiến khu Bình Đa.

Thêm đứa con thứ ba đi theo Việt Minh, thầy giáo Đỗ Hữu Quờn - một nhân sĩ nổi tiếng là chính trực ở tỉnh Biên Hòa rơi vào cái thế phải ra... "tham chính". Ông đứng chung liên danh với Cao Đình Huề và trở thành dân biểu hạ viện của Quốc hội Sài Gòn. Trong lúc vợ ông - bà Mỹ vẫn bí mật làm liên lạc cho quân báo của Chi đội 10. Nhưng cũng nhờ cái mác có cha là dân biểu Quốc hội, người em trai thứ bảy của ông Nghiệp là Đỗ Tấn Sĩ được học bổng du học bên Pháp và trở thành Chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở Bỉ với những hoạt động ngoại giao đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Và để 25 năm sau, Đỗ Bá Nghiệp trở lại Biên Hòa. Và người mà ông "bộ đội tập kết" trở về đến thăm đầu tiên là thầy Lê Văn Tiếng.

 Bùi Thuận

Tin xem nhiều