Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích- danh thắng Đồng Nai: Di tích Bửu Hưng Tự

09:12, 29/12/2006

Bửu Hưng Tự còn có tên gọi là chùa Cô Hồn nằm trên đường Phan Đình Phùng trong nội ô TP. Biên Hòa (ảnh) được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng (Quyết định số 62/QĐ.UBT, ngày 16-2-1979). Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1920, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa, Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bửu Hưng Tự còn có tên gọi là chùa Cô Hồn nằm trên đường Phan Đình Phùng trong nội ô TP. Biên Hòa (ảnh) được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng (Quyết định số 62/QĐ.UBT, ngày 16-2-1979). Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1920, nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa, Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Năm 1861, Pháp đánh chiếm và xây dựng chính quyền thuộc địa tại Biên Hòa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã đứng dậy chống lại kẻ thù với nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải kể đến tổ chức Hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại, được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Tháng 2-1916, Lâm Trung trại tổ chức tiến công vào các công sở của Pháp ở Biên Hòa nhưng do vũ khí thô sơ, lực lượng lại mỏng nên đã thất bại. Thực dân lùng sục và tìm mọi cách bắt giam các nghĩa sĩ chỉ huy, xử bắn và chôn xác 9 người chung một nấm mồ trước sự chứng kiến đau thương của người dân địa phương. Cảm động tấm lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, người dân địa phương đã xây dựng ngôi miếu nhỏ trên triền đồi nhằm tưởng nhớ và thờ cúng những linh hồn các sĩ tử. Đến năm 1920, nhân dân địa phương góp tiền của, công sức xây dựng ngôi miếu thành ngôi chùa có tên gọi Bửu Hưng tự.

 Tháng 6-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, Hội nghị cán bộ Đảng Biên Hòa đã được triệu tập tại chùa. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

Những năm gần đây, cùng với các phật tử, Ban trụ trì nhà chùa đã không ngừng phát huy công tác xã hội hóa di tích, trùng tu và sửa chữa một số hạng mục quan trọng như: nhà thờ tổ, nhà giảng; một số cột gỗ, lót mới nền nhà, thay ngói... Đặc biệt, Bửu Hưng tự đã trở thành ngôi nhà quen thuộc của những mảnh đời bất hạnh nhưng tràn đầy tình nhân ái trong vòng tay yêu thương và che chở của những tấm lòng từ bi, nguyện hướng đến cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống thường nhật của con người.

Trọng Tá

Tin xem nhiều