Ông sinh ra lớn lên giữa núi rừng. Cách mạng về, ông theo bộ đội Cụ Hồ vào rừng sâu đánh giặc. Núi rừng đã che chở, nuôi sống và tôi luyện ý chí kiên cường của ông trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Mặc dù đã tuổi 84 và đang nằm trên giường bệnh nhưng ông Tư KLư vẫn còn minh mẫn kể về những năm tháng hào hùng ở Chiến khu Đ. |
Ông sinh ra lớn lên giữa núi rừng. Cách mạng về, ông theo bộ đội Cụ Hồ vào rừng sâu đánh giặc. Núi rừng đã che chở, nuôi sống và tôi luyện ý chí kiên cường của ông trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Mấy ngày qua mặc dù đang nằm trên giường bệnh, bởi cơn đau ruột hoành hành nhưng ông Tư KLư cứ hỏi chừng con cháu có nhận được thư mời ông về dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khu căn cứ Chiến khu Đ. Năm nay tuổi đã ngoài 80, ông thấy sức khỏe mình yếu đi nhiều nên sợ không còn có dịp đi dự lễ kỷ niệm các lần sau và gặp lại bạn bè, đồng đội cũ. Nhưng người chiến sĩ cách mạng, đảng viên Cộng sản trung kiên ấy vẫn còn minh mẫn, nhớ cả quá trình làm cách mạng của mình.
Cuộc vượt ngục Tà Lài hồi năm 1941 của đồng chí Trần Văn Giàu và các chiến sĩ cách mạng đã tác động mạnh mẽ đến chàng thanh niên KLư, người dân tộc STiêng. Chàng trai hỏi cha: tại sao những người chiến sĩ đó bị bắt, bị tù đày? Người cha đã kể cho con trai nghe về những người chiến sĩ Cộng sản, những người yêu nước và sự tàn bạo của thực dân Pháp, của bọn tay sai bán nước. KLư không hiểu nhiều về những điều đó, nhưng bằng thực tế cha con anh thường xuyên bị bọn thực dân xâm lược bắt đi lao dịch; chứng kiến cảnh chúng bắt gà, bắt heo của dân làng, thì anh tin chúng là bọn người xấu. Biết được tính ý của con trai nên người cha dẫn KLư lên rừng gặp bộ đội. Rừng Bù Cháp vốn là "nhà" của KLư nên anh được tổ chức phân công làm giao liên. Không ít lần KLư đã mưu lược thoát khỏi vòng vây của kẻ thù để mang về căn cứ những thông tin quan trọng mà giặc đang chuẩn bị đánh phá cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công, KLư vào rừng Bù Cháp làm bộ đội. Là người quen với rừng núi nên thời gian đầu, KLư được giao nhiệm vụ dẫn đường, vác súng, đạn phục vụ các trận đánh. Một lần trên đường công tác, tình cờ gặp Khu bộ trưởng Huỳnh Văn Nghệ, KLư mạnh dạn xin được trực tiếp cầm súng đánh giặc trả nợ nước. Trận đầu tiên KLư tham gia là trận đánh Là Ngà năm 1948. KLư còn nhớ rõ, đó là trận chiến mà các chiến sĩ của Chi đội 10 và liên quân 17 rất quả cảm, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang. Nhưng để có được chiến thắng, trước đó anh cùng bộ đội lên các vùng đồng bào dân tộc ở Bình Lộc, Lý Lịch, Bù Cháp vận động nhân dân tham gia đảm bảo công tác hậu cần. Đồng bào nghe có KLư, có thanh niên dân tộc Chơ ro, Châu Mạ, STiêng cùng đánh trận thì tin và ủng hộ nhiệt tình. Sau này, KLư còn tham gia nhiều trận đánh khác, như các trận: Bù Na, Đồng Xoài, Madagui...
Trong những năm thiếu lương thực do bão lụt, các cơ quan trong chiến khu phải ăn trái, lá, củ rừng để sống và chiến đấu. Một lần nữa, thế mạnh là người con núi rừng của KLư được phát huy. Ông về vận động dân làm lên rừng tìm nơi có củ chụp để đào. Có ngày, đoàn người do KLư chỉ huy đào được cả tấn củ chụp để cung cấp cho vùng căn cứ. KLư còn đến các buôn làng khác vận động bà con, kể cả đồng bào miền Trung, miền Bắc di cư vào tích cực tăng gia sản xuất, đóng góp một phần lương thực cho cách mạng. Ông Tư KLư kể, ông đến từng nhà vận động bà con bằng cái cách mà ông tự nghĩ ra: "Tôi nói với đồng bào là thằng Pháp, thằng Mỹ không cùng dòng máu, không biết tiếng Việt, tiếng dân tộc, không hiểu phong tục tập quán lối sống của người Việt Nam. Chúng đến đây để cướp đất, cướp của cải, gây ra chiến tranh chết chóc, chứ không thể giúp mình được. Chỉ có người mình mới giúp mình. Người mình là Đảng, là Bác Hồ, là bộ đội. Nghe được, đồng bào chẳng những ủng hộ lúa gạo mà còn động viên chồng con đi làm cách mạng". Với cách vận động như vậy, một lần sau khi thoát khỏi nhà tù của giặc ở Bình Phước, ông KLư trở về Bù Đốp, Bù Đăng tập hợp trên 500 người dân tộc vào cướp kho lương thực của địch, mang về cả chục tấn gạo tặng bộ đội. Có lần, với tư cách là Xã đội trưởng xã Bù Cháp, ông vượt sông Đồng Nai qua Lâm Đồng tập hợp đồng bào dân tộc lại để vận động, tuyên truyền. Ông khuyên bà con phải từ bỏ đốt phá rừng, tận dụng mảnh vườn, miếng ruộng có sẵn và học cách gieo trồng của người Kinh. Những lần đi như vậy ông còn được nghe, được biết nhiều chuyện về đồng bào Châu Mạ ở vùng Cát Tiên. Trong đó, đồng bào bức xúc nhất là thiếu muối ăn và nhiều thanh niên dân tộc làm tay sai cho địch. Ông KLư liền huy động một số thanh niên lại tổ chức xuống chợ mua muối mang về phân phát cho bà con. Vì vậy, nhiều người rất yêu mến, nghe theo lời KLư. Các già làng ở vùng Cát Tiên ra lệnh cho dân làng đi lùng bắt những tên tay sai giao cho ông Tư KLư xử lý. Làng này đồn sang làng khác. Nhiều tên tay sai lớp bị bắt, lớp vì khiếp vía bởi danh tiếng ông Tư KLư mà từ bỏ làm điều ác, điều xấu. Từ đó, cái tên Tư KLư trở nên nổi tiếng khắp núi rừng miền Đông.
Sau này, khi là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, rồi Bí thư xã Bù Cháp ông Tư KLư càng có điều kiện làm công tác vận động đồng bào. Ông nói với mọi người là siêng năng lao động, không phá rừng, săn bắt thú và học theo cách làm ăn của người Kinh. Thanh niên lớn lên phải phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Toàn dân phải giúp đỡ cách mạng. Như vậy mới xứng đáng là người dân tộc của núi rừng miền Đông, là người thân quen của Tư KLư. Bây giờ ngồi nhớ lại, ông Tư cười rất mãn nguyện: "Hồi đó tôi cứ vận động suốt ngày nên cả làng dân tộc ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) của tôi không nhà nào, không người nào không theo cách mạng, không làm cách mạng, không giúp đỡ bộ đội". Đến năm 1973, Trung ương Cục miền Nam có quyết định thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú gồm 3 huyện: Tân Uyên Bắc, Phú Giáo và Độc Lập, ông Tư KLư được phân công làm Phó chủ tịch UBND huyện Độc Lập. Từ đó, ông cùng tập thể lãnh đạo huyện Độc Lập góp phần cùng với tỉnh xây dựng căn cứ địa bàn đứng chân, làm bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng Miền, quân khu và địa phương. Đây cũng được xác định là nơi tập trung cơ sở hậu cần chuẩn bị cho giai đoạn mới, tiến tới giải phóng miền
Trở về lại quê hương sau những năm dài kháng chiến, ông lại tiếp tục nhận lãnh nhiều công tác tại Ủy ban MTTQ tỉnh, tham gia cấp ủy huyện Tân Phú và nhiều chức vụ quan trọng khác tại địa phương. Giờ đây, ở tuổi 84, người cán bộ dân tộc của núi rừng Tà Lài được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý vẫn chưa chịu xin miễn sinh hoạt Đảng (ông đã 58 tuổi Đảng), chưa chịu thôi công việc của già làng. Vì vậy, dân làng nơi đây đã suy tôn ông là "Già làng mãi mãi".
Phong Vũ