Trong những năm gần đây, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một loạt truyện dài tư liệu lịch sử, trong đó có những truyện đã tái bản nhiều lần như: Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật, Thi tướng Chiến khu Xanh, Tà Lài tụ nghĩa, Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên, Giang hồ lục tỉnh, Sư thúc Hòa Hảo, Dương Quang Đông xuyên Tây, Ung Văn Khiêm - Anh Ba nội vụ... Tác giả là nhà văn Nguyên Hùng, tên thật là Mạc Đăng Thân.
Trong những năm gần đây, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một loạt truyện dài tư liệu lịch sử, trong đó có những truyện đã tái bản nhiều lần như: Người Bình Xuyên, Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật, Thi tướng Chiến khu Xanh, Tà Lài tụ nghĩa, Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên, Giang hồ lục tỉnh, Sư thúc Hòa Hảo, Dương Quang Đông xuyên Tây, Ung Văn Khiêm - Anh Ba nội vụ... Tác giả là nhà văn Nguyên Hùng, tên thật là Mạc Đăng Thân. Trong 2 tập hồi ký "Chiến khu Đ của tôi" và "Chém vè giữa làng báo Sài Gòn", Nguyên Hùng cho biết: "Trong chín năm kháng chiến đánh Tây, tôi có sáu năm ở chiến khu Đ (từ giữa năm 1948 tới giữa năm 1953)... Chiến khu Đ với sông Đồng Nai xanh biếc, với rừng già bao la, với những thôn xóm nghèo nàn nhưng kiên cường bất khuất đã trở thành "quê hương sáng tác" của tôi".
* Vào chiến khu vì ... một bài báo
Nhà văn Nguyên Hùng, sinh năm 1927 tại Côn Đảo. Ông cho biết: "Tôi sanh tại Côn Đảo, do phụ thân tôi làm công chức cho Pháp. Về sau, về đất liền, ông làm quản lý các trạm xăng của Công ty Shell, chuyển công tác khắp nơi nên sau Côn Đảo, tuổi thơ tôi đã trải qua Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Đốc. Nhà tôi nghèo, đông anh em nên gia đình phải gởi tôi cho anh chị Hai nuôi, thế là tôi lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký từ năm 1941 đến 1945. Kháng chiến bùng nổ, tôi theo cách mạng ...".
Anh học trò trường Tây có khiếu văn chương, đặc biệt là rất giỏi môn tiếng Pháp nhưng tầm vóc nhỏ nhắn lại cận thị nặng nên được đưa qua làm báo "Chống Xâm lăng", cơ quan ngôn luận của Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu năm 1948, Mạc Đăng Thân được cử về công tác ở Sở Thông tin Nam bộ đặt tại Đồng Tháp Mười. Và tại đây, nghiệp làm báo đã mỉm cười với anh. Mạc Đăng Thân đã cùng với mười lăm thanh niên trí thức nữa được chọn học khóa báo chí đầu tiên của Nam bộ do ông Thu "râu" (Nguyễn Văn Thu) từ Paris về nước theo lời khuyên của Bác Hồ đứng ra giảng dạy về nghề làm báo trong suốt hai tuần lễ. Kết thúc khóa học, Mạc Đăng Thân còn được học thêm về môn nhiếp ảnh và được cấp cho một máy ảnh Kodak.
Vào tháng 5 năm ấy, Đại hội thông tin Phân ban A Sở Thông tin (gồm các tỉnh miền Đông) được tổ chức. Dự đại hội, ông Hoàng Tam Kỳ - Trưởng ty thông tin Biên Hòa liền xin với Sở cho Biên Hòa 1 phóng viên và một thợ xếp chữ. Mạc Đăng Thân liền đề xuất với Trưởng Phân ban A là đồng chí Trịnh Đình Trọng được lên Biên Hòa. Biết chuyện, mấy người bạn cùng khóa học đều kêu lên: "Ở miền Tây hoặc miền Trung "trên cơm dưới cá", tội gì lên miền Đông là nơi rừng thiêng nước độc, đói khát, bệnh tật!", nhưng chàng phóng viên tập sự mới 21 tuổi Mạc Đăng Thân vẫn nhất quyết lên miền Đông cho thỏa chí "giang hồ". Và có một điều rất đặc biệt là nhà báo trẻ này đã bị Chiến khu Đ cuốn hút sau khi đọc tờ báo Tiền Đạo của Khu 7 số đặc biệt ra ngày 1-3-1948 nói về Chiến thắng La Ngà.
Nhà văn sau này vẫn còn nhớ lại: "Tôi đọc bài bút ký "Khách đô thành viếng Chiến khu Xanh" của anh Bùi Thanh Khiết rồi phát mê miền Đông. Bài báo ấy viết về mấy cô nữ sinh Trường Couvent des Oiseaux trên Đà Lạt bị kẹt trong trận phục kích đó, được sống một đêm trong rừng với anh em bộ đội để sáng hôm sau đón xe lên Đà Lạt nhập trường. Chỉ một đêm thôi mà các cô hiểu thêm cuộc kháng chiến hào hùng, khác xa cuộc sống tầm thường nơi vùng tạm chiếm... Cuộc đời tôi đã gắn liền với Chiến khu Đ do bài báo ấy. Người viết - anh Bùi Thanh Khiết - đâu biết sức hút lạ lùng của bài bút ký - đã đưa một chàng trai lãng mạn tới một chân trời vô định đầy hiểm nguy".
* Bài báo đầu tiên
Vào một chiều giữa tháng 9-1948, Trưởng ty Thông tin Biên Hòa Hoàng Tam Kỳ kêu Mạc Đăng Thân tới dặn: "Ta vừa đánh bay đồn Thới Hòa trong quận Bến Cát. Tin điện cho biết đoàn quân chiến thắng sẽ về tới căn cứ vào xế chiều và đích thân anh Tám Nghệ sẽ tường thuật trận đánh cho mọi người nghe. Tối nay, anh Thân tới Ủy ban nghe anh Tám trình bày rồi viết bài đăng báo".
Mạc Đăng Thân mừng húm, vì xuống núi cả nửa năm mà chưa có tác phẩm trình làng, nay được giao nhiệm vụ viết bài báo tả lại chiến công của bộ đội Tám Nghệ thì còn gì bằng. Và mừng hơn là ông sẽ được gặp mặt một vị chỉ huy tên tuổi vang lừng mà tài nghệ làm thơ thì... chàng phóng viên trẻ này đã thuộc lòng tập Thơ Đồng Nai. Mạc Đăng Thân nhớ lại: "Chiều hôm ấy, trời vừa nhá nhem tối, thì phía dốc Bà Nghiêm thuộc xã Tân Hòa, cát bụi bỗng nổi lên như cơn lốc. Tiếng vó ngựa vang lên càng lúc càng rõ. Từ trong vườn bưởi Mỹ Lộc, chúng tôi thấy một đoàn kỵ mã phóng ngựa trong sương chiều. Đủ thứ trang phục. Người mặc quân phục kaki vàng, người vận pyjama đen thắt lưng khăn rằn, kẻ quần dài áo thun tay dài lấy của cầu thủ một hội banh nào đó. Đa số cột khăn rằng trên đầu như là một ám hiệu của phe ta... Súng quàng vai, gươm đeo trước bụng. Từ sân trước hội trường tiếng vỗ tay vang vang, nhịp nhàng: "Hoan hô anh Tám! Hoan hô anh Tám!". Lần đầu tiên tôi biết anh Tám Nghệ như thế đó. Anh cưỡi con ngựa hồng, dẫn đầu đoàn quân chiến thắng trở về căn cứ mà cũng về làng cũ của mình. Con tuấn mã vừa tới mí vườn, anh Tám đã nhảy xuống thật gọn... Anh Tám đi thẳng vô hội trường, đưa hai tay lên cao chào toàn thể rồi tươi cười bắt tay từng người đang chờ đón anh. Tôi đang rụt rè nửa muốn bắt tay nửa không dám, ngồi trong một góc, nhưng trên đà đi giáp vòng, anh Tám đưa tay cho tôi bắt:
- Chú nào đây?
- Thưa anh Tám, tôi là phóng viên được Sở Thông tin
Anh Tám nhìn tôi vài giây, gật gù:
- Vậy bài báo ra mắt của chú là bài tường thuật trận Thới Hòa này đây. Tôi sẽ cố gắng kể cho đầy đủ chi tiết để chú viết cho hay..."
Và cái bài báo đầu tiên ở Chiến khu Đ của Mạc Đăng Thân có tựa đề là Hào khí Đồng Nai đã ra mắt bạn đọc trên tờ Biên Hòa thông tin Quân Dân Chánh.
* "Đóng nghĩa vụ" cho rừng
Sau loạt bài Hào khí Đồng Nai, tên tuổi của nhà báo Mạc Đăng Thân được cán bộ, nhân dân trong vùng giải phóng biết đến khá nhiều. Mạc Đăng Thân được Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh mời lên Mã Đà để dự lễ cưới của đồng chí Tư Long - một cán bộ hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc sắp cưới cô vợ là cô gái STiêng. Chuyến đi này đã giúp cho nhà báo Mạc Đăng Thân rất nhiều tư liệu về vùng Mã Đà.
Sau đó do yêu cầu nhiệm vụ, Mạc Đăng Thân được phân công làm chính trị viên cho Đoàn Đuốc Sáng. Đây là đội văn nghệ thiếu nhi do Lê Như Huỳnh và nhạc sĩ Vân Sơn phụ trách và đào tạo. Đoàn Đuốc Sáng được đổi tên thành Đoàn tuyên truyền lưu động tỉnh Biên Hòa. Nhiệm vụ của chính trị viên Mạc Đăng Thân là lo nội bộ của Đoàn, trước mắt là dạy văn hóa cho các em thiếu nhi trong đoàn. Chỉ trong một năm Mạc Đăng Thân đã cùng Đoàn Đuốc Sáng đi hết các quận, Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Châu Thành, Long Thành. Nhà văn Nguyên Hùng cho rằng: "Nhờ sống trong các làng Phước Khánh, Phước Đức, Phước Lý, Phú Hữu với những kỷ niệm không phai mờ, tôi viết rất sinh động về rừng Sác trong Người Bình Xuyên, tác phẩm thành công của tôi". Nhưng công tác ở Đoàn Đuốc Sáng một thời gian, Mạc Đăng Thân lại được ông Sáu Của (Tô Văn Của) - Chủ tịch tỉnh Biên Hòa kêu lên giao nhiệm vụ mới là chuyển qua ban địch vận để thảo truyền đơn bằng tiếng Pháp, phỏng vấn tù hàng binh, kêu gọi viết truyền đơn phản chiến ...
Đúng 3 năm sau ngày đặt chân lên đất chiến khu Đ, Mạc Đăng Thân bị sưng trái báng do bệnh sốt rét rừng lậm nặng (dân chiến khu Đ gọi là "đóng nghĩa vụ" cho rừng - cái thứ "nghĩa vụ" ác ôn này không ai trốn tránh được). Được Trưởng ty Hoàng Tam Kỳ giới thiệu, Mạc Đăng Thân đã ra nhà ông Chín Nghĩa - Chủ tịch xã Tân Tịch, sống và chữa bệnh đến 3 tháng mới hết bệnh.
Giữa năm 1953, Mạc Đăng Thân từ giã chiến khu Đ về miền Tây trong phái đoàn an dưỡng. Ông cho biết: "Tính sổ, tôi lên Biên Hòa ngày
Bùi Thuận