Ngày 25-5-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hành karaoke, vũ trường. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường; tạm ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường các biện pháp quản lý các loại hình dịch vụ này.
Ngày 25-5-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hành karaoke, vũ trường. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường; tạm ngừng cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường các biện pháp quản lý các loại hình dịch vụ này.
* Tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường đã giảm?
Tại Đồng Nai, ngay sau khi Chỉ thị 17 ra đời, Sở VH-TT tỉnh đã tiến hành ngay việc tạm ngưng cấp mới giấy chứng nhận hoạt động karaoke, vũ trường; đồng thời tiến hành thống kê, đánh giá, phân loại các điểm hoạt động này để có biện pháp theo dõi, xử lý phù hợp. Qua công tác phân loại, những quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường hoạt động không phép đã bị đình chỉ hoạt động. Những điểm kinh doanh có phép nhưng vi phạm quy định của pháp luật thì không được gia hạn đổi giấy chứng nhận. Kênh thông tin được ngành văn hóa chú trọng đó là lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của nhân dân để từ đó, kịp thời xử lý những trường hợp kinh doanh vi phạm. Đặc biệt, do có sự phối hợp tốt với các địa phương trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nên tình hình an ninh trật tự, tệ nạn ở các loại hình dịch vụ văn hóa mang tính nhạy cảm này đã có chiều hướng giảm. Theo đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh, qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, đội đã tiến hành kiểm tra 588 lượt cơ sở kinh doanh những ngành nghề nhạy cảm, phát hiện sai phạm ở 247 cơ sở, tạm giữ 6.476 đĩa các loại, 5 đầu máy karaoke, 36 đầu CPU, 2 máy đánh bạc... Tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 500 triệu đồng. Riêng đội kiểm tra liên ngành 814 các huyện, thị xã và TP.Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra được 3.157 lượt cơ sở và phát hiện 855 cơ sở vi phạm; tạm giữ 10.734 đĩa các loại với số tiền xử phạt hành chính trên 1,2 tỷ đồng. Sự ra quân đồng bộ và kiên quyết của các đơn vị chức năng cùng ý thức tự giác tố cáo tiêu cực của người dân đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ sự ổn định trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Qua các đợt kiểm tra, số cơ sở kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm như karaoke, vũ trường, internet vi phạm giảm. Số cơ sở tái phạm không nhiều. Theo nhận định của Đội kiểm tra liên ngành tỉnh thì hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 5% số cơ sở kinh doanh nhà hàng, karaoke còn sử dụng tiếp viên ngồi chung với khách. 3 cơ sở kinh doanh hoạt động vũ trường dưới dạng câu lạc bộ (CLB) dù chưa phát hiện có chứa chấp, buôn bán, sử dụng ma túy nhưng đây lại là những địa chỉ dễ lui tới của những đối tượng sử dụng ma túy. Thực tế qua kiểm tra ở CLB Sông Phố, Công an TP.Biên Hòa đã bắt 12 đối tượng có sử dụng thuốc lắc từ bên ngoài tới sinh hoạt tại CLB. Lỗi vi phạm mà các cơ sở kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke thường thấy nhất là quá giờ quy định, ánh sáng, âm thanh không đảm bảo, không ký hợp đồng lao động với nhân viên phục vụ.
Theo đề án quy hoạch dịch vụ văn hóa đến năm 2020, khoảng cách giữa các điểm kinh doanh karaoke là 1.000m (được tính từ cơ sở này đến cơ sở khác). Riêng trong khu vực các phường nội ô của TP.Biên Hòa và thị xã Long Khánh khoảng cách giữa các điểm là 500m; không dựa vào mật độ dân số, địa giới hành chính giữa các huyện, thị xã, thành phố hay giữa các phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp... để quy hoạch số lượng cơ sở kinh doanh karaoke; cơ sở xin đăng ký kinh doanh karaoke hoặc gia hạn giấy phép hoạt động phải đạt chuẩn gia đình văn hóa do địa phương công nhận; ưu tiên giải quyết cho người địa phương đăng ký kinh doanh, nếu là người từ địa bàn cư trú khác đến đăng ký kinh doanh phải đảm bảo số vốn đầu tư pháp định từ 2 tỷ đồng trở lên cho một cơ sở kinh doanh. |
* Cần thiết phải có quy hoạch các ngành nghề nhạy cảm
Xây dựng quy hoạch các điểm dịch vụ quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường ở từng huyện, thị xã, thành phố phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương là một trong những yêu cầu mà Chỉ thị 17 đặt ra. Mục đích của quy hoạch là để tăng cường sự quản lý, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Trên cơ sở này, ngành VHTT tỉnh đã tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn. Từ kết quả thu được, đề án quy hoạch dịch vụ văn hóa đến năm 2020 đã được xây dựng và hiện đã được trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Theo dự thảo quy hoạch, những tập thể, cá nhân muốn kinh doanh karaoke, vũ trường phải đảm bảo những điều kiện như xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan nhà nước (đang hoạt động hoặc đã có quy hoạch xây dựng), di tích lịch sử - văn hóa (đã được xếp hạng hoặc đã được phát hiện đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng) từ 200m trở lên; không nằm trong khu vực nhà chung cư, nhà liên kế mới chỉnh trang đô thị và không nằm trong ngõ hẻm (có chiều rộng dưới 4m) mà xe cứu hỏa không vào được; ở ngoài các đường, phố, khu vực quảng trường thường tổ chức các hoạt động chính trị, xã hội có quy mô lớn ở địa phương; địa điểm mà các cơ quan chức năng có thể tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra bình thường. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế địa phương và nhất là định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2020, đề án cho rằng cần giữ nguyên hiện trạng các điểm kinh doanh karaoke, vũ trường lành mạnh. Riêng những cơ sở hiện đang kinh doanh không phù hợp sẽ gia hạn đến tháng 12-2008 để có thể sắp xếp di dời.
Minh Ngọc