Báo Đồng Nai điện tử
En

Gương mặt : Ông Bích... "alô"

10:10, 12/10/2006

Dân cán bộ xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) không phải là đông lắm, vậy mà có đến 3 người tên Bích. Đó là Bích "thống kê", Bích "điện" và Bích "văn hóa - thông tin". Trong đó, Bích "thông tin" hay như bà con ở Thanh Sơn thường gọi là "ông Bích alô" là một nhân vật mà hầu như cả cộng đồng 16 dân tộc anh em ở xã vùng sâu này đều... biết mặt, nghe tiếng.

Ông Bích... "alô"

Dân cán bộ xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) không phải là đông lắm, vậy mà có đến 3 người tên Bích. Đó là Bích "thống kê", Bích "điện" và Bích "văn hóa - thông tin". Trong đó, Bích "thông tin" hay như bà con ở Thanh Sơn thường gọi là "ông Bích alô" là một nhân vật mà hầu như cả cộng đồng 16 dân tộc anh em ở xã vùng sâu này đều... biết mặt, nghe tiếng. Bởi khắp 8 ấp trong địa bàn xã Thanh Sơn, nơi nào ông cũng có mặt và luôn luôn xuất hiện với một bộ dạng rất bắt mắt: đầu đội nón bảo hộ màu vàng cùng bộ quân phục cũ, bạc màu bên cạnh là chiếc Cup 78 cũ kỹ mang bảng số 60L-774... được gắn loa, âm ly, bình ắc quy, cassette và micro...(ảnh) trông như một gánh cao đơn hoàn tán lưu động. Bằng một giọng Nam pha lẫn chút giọng miền Trung, ông Lê Ngọc Bích thông báo đến người dân trong xã những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước vừa được Đảng ủy, UBND xã cụ thể hóa bằng những quyết định có liên quan đến quyền và lợi ích của mọi người trong xã. Năm nay đã 44 tuổi và có đúng 10 năm làm nghề... thông báo tin tức ở cơ sở, ông Bích "alô" rành rẽ cho biết là muốn đi một vòng khắp xã phải chạy đến 40km. Trong đó những nơi xa trung tâm xã nhất như đồi Trường, suối Đục (ấp 5), cách 22km hoặc ấp 7 tiếp giáp với lâm trường 3 La Ngà... cái "gánh alô" của ông đều đã có mặt để kịp thời thông báo đến người dân những tin tức cần thiết nhất. Niềm vui của ông Bích là mỗi khi ông dừng xe lại và bắt đầu cầm micro hắng giọng "alô! alô!" thì ông nhìn thấy bà con người Dao, Tày, Nùng, Châu Ro, Khmer, Kinh, Thổ... đang trồng cây, cuốc đất cũng đều ngừng tay, tụ tập lại lắng nghe. Do đó, ông cố nói chầm chậm để bà con các dân tộc dù không thạo tiếng Kinh lắm cũng có thể nghe và hiểu được nội dung của bản thông báo. Ông Bích "alô" rất vui khi thấy bà con nghe xong họ nhìn ông mỉm cười. Điều này đã thúc giục ông là dù trưa nắng hay chiều mưa ông vẫn cố chạy chiếc Cup 78 cà tàng của mình vào tận những thôn xóm xa. Vì ông biết là cái đài truyền thanh xã do ông phụ trách một ngày tiếp sóng cho đài truyền thanh huyện đến 3 lần, nhưng không phải bà con dân tộc nào ở những cánh rừng xa vắng này cũng đều nghe được.

Nhìn ông trưởng ban văn hóa thông tin kiêm phụ trách đài truyền thanh xã với kiểu cách ăn mặc khá bụi và nghệ sĩ nhưng ít có mấy ai biết ông Bích "alô" đã từng là bộ đội ở chiến trường K. và trước đó nữa, ông là soạn giả cải lương. Chính vì hai cái "bởi" này mà ông có mặt ở vùng rừng núi này và rồi đã "bén duyên" với Thanh Sơn, chọn Thanh Sơn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Lê Ngọc Bích sinh năm 1962 và quê ông ở vùng biển Nha Trang. Có ông bà ngoại làm bầu gánh hát nên Ngọc Bích sớm làm quen với kiếp cầm ca. Bích có mặt dưới ánh đèn màu từ gánh hát bộ Bông Sen cho đến khi trở thành đoàn cải lương Thái Dương đi lưu diễn nhiều nơi với tư cách là soạn giả cải biên lại tuồng tích của những đoàn hát lớn cho phù hợp với sân khấu Thái Dương. Đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, như bao thanh niên khác, soạn giả cải lương Ngọc Bích hăng hái lên đường, tham gia mặt trận Tây Nam. Năm 1990 đơn vị của Lê Ngọc Bích về đóng quân trong rừng La Ngà, thấy vùng đất mới này cũng dễ... "làm ăn" nên khi ra quân, Lê Ngọc Bích không về quê mà ở lại nơi này. Khi xã Thanh Sơn vừa được thành lập thường tổ chức những đêm văn nghệ, anh tham gia ngay. Năm 1996, nhân đêm văn nghệ cổ vũ thanh niên trong xã thực hiện nghĩa vụ quân sự, Lê Ngọc Bích đã nổi máu nghệ sĩ soạn ra tuồng cải lương "Tiễn anh lên đường" đưa ra công diễn phục vụ. Được mọi người tán thưởng và được lọt vào mắt xanh của chi ủy, UBND xã Thanh Sơn, soạn giả Ngọc Bích được mời làm công tác văn hóa thông tin. Đã soạn tuồng hay, Ngọc Bích còn rất khéo tay. Việc cắt khẩu hiệu, băng rôn trang trí và cổ động tuyên truyền cho các ngày lễ lớn đều do một mình Ngọc Bích thực hiện. Việc tổ chức các giải văn nghệ, thể dục thể thao do Ngọc Bích đề xuất và đứng ra tổ chức đạt kết quả tốt. Chỉ với chiếc xe đạp và cái loa cầm tay, Lê Ngọc Bích bắt đầu sự nghiệp "alô" của mình vòng quanh khắp xã. Mãi đến giữa năm 2001, vợ của ông Bích mới sang bớt miếng đất vườn, bỏ ra 4,1 triệu đồng mua cho ông chiếc Cup 78 làm phương tiện đi... thông báo tin tức cho đồng bào trong xã.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều