Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầm ấm tình nghề, đêm giỗ tổ

09:10, 06/10/2006

Đêm 3 - 10, tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử huyện đã tổ chức lễ giỗ Tổ. Đây là năm thứ 5 CLB đờn ca tài tử của huyện làm lễ giỗ Tổ, cũng là năm mà có nhiều CLB của các địa phương bạn như: Định Quán, Biên Hòa, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, TP HCM, Bình Dương... đến dự, làm cho ngôi nhà yên tĩnh của nghệ nhân Bảy Có rộn ràng hơn hẳn.

Các nghệ nhân đờn ca tài tử đang chơi bản "Ngũ đối hạ"

Đêm 3 - 10, tại ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử huyện đã tổ chức lễ giỗ Tổ. Đây là năm thứ  5 CLB đờn ca tài tử của huyện làm lễ giỗ Tổ, cũng là năm mà có nhiều CLB của các địa phương bạn như: Định Quán, Biên Hòa, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, TP HCM, Bình Dương... đến dự, làm cho ngôi nhà yên tĩnh của nghệ nhân Bảy Có rộn ràng hơn hẳn. Trong ký ức của những nghệ nhân đờn ca tài tử thì từ thuở còn tập nhịp đàn, câu hát đầu tiên, họ đã được nghe người đi trước kể về ông tổ. Nghệ nhân Bảy Có - chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu nói: "Hàng năm, vào ngày 12-8 âm lịch, những người yêu mến đờn ca tài tử chúng tôi vẫn thường làm lễ cúng ông tổ của mình. Ông là Nguyễn Quang Đại, người được xem là hậu tổ của nghệ thuật này. Tương truyền, Nguyễn Quang Đại vốn là quan nhà Nguyễn, sau sự biến của vua Hàm Nghi đã đi vào Nam dạy nhạc. Ông có nhiều sáng tạo, cải biến những khúc ca, bài nhạc Huế trở nên phù hợp với người miền Nam. Hàng năm, các CLB khắp nơi trong tỉnh Đồng Nai đều thường cúng tổ nhỏ, nhẹ, giản đơn. Nhưng năm nay, chúng tôi tề tựu về đây vì mỗi dịp giỗ tổ cũng là dịp để anh em yêu mến đờn ca chúng tôi được gặp gỡ, tâm tình với nhau".

Sau phần lễ, các nghệ nhân đờn ca tài tử cùng ngồi lại, người cầm đàn, người hát, kẻ lắng nghe. Bên chung rượu bưởi Tân Triều thơm ngọt, nồng nàn, những khúc nhạc được tấu lên, những giọng ca khi sâu thẳm, lúc cao vút, vẫn phóng khoáng, hồn nhiên hệt như phong cách của người nông dân Nam Bộ. Hàng chục bản đờn ca truyền thống được ngân lên bên bài vị của ông tổ nghề. Khói hương vẫn nghi ngút cháy. Không khí sinh hoạt đêm giỗ tổ tuy không dân dã như những buổi sinh hoạt hàng tuần của CLB huyện Vĩnh Cửu trong vườn bưởi nên thơ nhưng lại đậm đà, thiêng liêng, ấm áp hơn vì qua bao nhiêu năm, nghệ thuật đờn ca vẫn còn giữ nguyên sức hút với những người sinh sống trên vùng đất miền Đông, nhất là, trong những khách đến nghe, có rất nhiều gương mặt trẻ.

Không còn những đêm trăng sáng lồng lộng, con đò neo đậu nơi bến nước như ngày xưa, không gian diễn xướng của đờn ca tài tử hôm nay là góc sân nhà, trong hội trường nhà văn hóa, trên sân khấu trong những cuộc giao lưu, thi tài... Và dù ở đâu, họ đều chơi với một niềm đam mê được truyền từ nhiều thế hệ trước và chưa bao giờ vơi cạn. Thế nhưng những nghệ nhân đờn ca tài tử của vùng bưởi Tân Triều, Bình Lục hôm nay vẫn vui lắm vì sân chơi của mình đã được mở rộng hơn xưa rất nhiều. Nghệ nhân Bảy Có tâm sự: "Ngày xưa cha ông mình chơi đờn ca tài tử thường trong xóm, trong làng. Còn bây giờ, tụi tui có điều kiện để chơi đờn ca tài tử một cách rộng rãi hơn, giao lưu, thi tài với rất nhiều nhóm đờn ca tài tử ở các nơi khác hay học hỏi thêm các bài bản qua sách báo". Ông nhẩm tính vùng bưởi hôm nay vẫn còn khoảng gần 20 nghệ nhân có thể chơi đờn ca tài tử hay và bài bản. "Bọn trẻ bây giờ nhiều đứa cũng thích lắm. Có đứa tìm đến tui để học các bài bản, tui dạy miễn phí hết", ông nói thật hào sảng.

K. Ngân - M. Chánh

 

Tin xem nhiều
Khám phá mbti là gì