Chùa Đại Giác: Công trình tín ngưỡng độc đáo ở Đồng Nai

11:10, 07/10/2006

Chùa Đại Giác còn gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Phật lớn, xưa kia thuộc thôn Bình Hoành xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa

Chùa Đại Giác còn gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Phật lớn, xưa kia thuộc thôn Bình Hoành xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên, nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa

 

Chùa Đại Giác

 

Theo tài liệu còn lưu tại Giáo hội Phật giáo TP. Biên Hòa thì vào giữa thế kỷ XVII có ba nhà sư đến Đồng Nai hoằng hóa Phật giáo. Nhà sư Thành Nhạc cùng một số phật tử đến vùng đất ven sông Đồng Nai (nay là xã Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) dựng lên chùa Long Thiền (1664); nhà sư Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá lên vùng núi Bửu Long cùng người Hoa ở đây dựng lên Chùa Bửu Phong (1679); nhà sư Thành Đẳng và một số người chèo ghe, thuyền đến Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) khẩn hoang và dựng lên chùa Đại Giác (1665).

Di tích - danh thắng Đồng Nai

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong tỉnh, bắt đầu từ tháng 10 này, trên số báo thứ bảy hàng tuần, báo Đồng Nai sẽ phối hợp cùng Ban quản lý di tích - danh thắng (Sở VHTT tỉnh) giới thiệu đến bạn đọc những di tích - danh thắng nổi tiếng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Tương truyền rằng: Đại Giác cổ tự ban đầu là ngôi chùa có quy mô, kiến trúc nhỏ hẹp: vách ván, cột gỗ, lợp ngói âm dương. Năm 1779, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, công chúa thứ ba của vua Gia Long trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã đến trú tại chùa hai ngày, nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi (năm Gia Long nguyên niên 1802) nhớ ơn, ban chiếu chỉ trùng tu ngôi chùa và cho tạc một pho tượng Di Đà lớn cao 2,25m bằng gỗ mít, hiện còn lưu giữ tại chùa. Năm 1820, vua Minh Mạng lại cho tu sửa chùa, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã cúng một bức hoành phi lớn khắc ba chữ "Đại GiácTự" treo ở phía trước Chánh điện. Năm 1952 (Nhâm Thìn) do lũ lụt, chùa bị mối ăn nhiều nên Phật tử và bô lão địa phương vận động bá tánh đóng góp sức người, sức của trùng tu ngôi chùa. Tiếp đến năm 1960, Hòa thượng trụ trì Huệ Minh cho trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ hệ thống cột, tường bao bằng vật liệu hiện đại tạo nên quy mô, kiến trúc như ngày nay.

Chùa Đại Giác có diện tích khoảng 3.000m2 với hai cổng xây bằng gạch ra vào, xung quanh có tường rào bao bọc. Khởi nguyên, chùa có kiến trúc kiểu chữ Nhị nhưng sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo chùa có kiến trúc hình chữ Đinh như hiện nay gồm: chánh điện, hội trường và Nhà giảng đường nối tiếp nhau. Mặt chính quay theo hướng Tây - Bắc 560 nhìn ra sông Đồng Nai đón gió lành. Phía trước có cây bồ đề lớn trăm tuổi xum xuê rủ bóng mát và bức tượng Phật bà Quan âm Nam Hải hiền hậu đứng trên tòa sen nhìn xuống chúng sinh. Bên tả và phía sau là khu vườn rộng trồng cây trái, bên hữu là khu Bảo tháp với hàng trăm mộ tháp của các vị trụ trì viên tịch. Sự kết hợp giữa cảnh trí thiên nhiên với công trình kiến trúc nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp hài hòa, uy nghiêm nhưng gần gũi, thân thiện với con người.  

Vào chánh điện chùa Đại Giác phải qua ba cửa lớn, phía trên cửa giữa treo bức hoành phi đề ba chữ Hán "Đại Giác tự". Chánh điện gồm bốn mái lợp ngói vảy cá, trên nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Mái trước có lầu chuông và Lầu trống xây bằng vật liệu: gạch, xi măng, vôi cát có hình tứ giác, nền lát gạch bông. Chánh điện là nơi thờ Phật, các vị Bồ tát, Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Quan Công, Phán quan... được xếp đặt trang nghiêm, sơn son thiếp vàng tạo nên một không gian linh thiêng, thanh tịnh. Từ chánh điện đi sang hội trường bằng hai cửa đối xứng nhau. Hội trường được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu hiện đại (gạch, xi măng, vôi, cát...), treo nhiều bức hoành phi bằng gỗ xung quanh trang trí hình hoa lá cách điệu, là nơi thờ Tổ và bài vị của từng vị sư trụ trì viên tịch. Tiếp nối với hội trường là Nhà giảng được xây bằng gạch ống, xi măng và vôi, cát, là nơi truyền giảng phật giáo cho các tín đồ. 

Các tượng Phật, hoành phi, liễn đối, phù điêu... được chạm khắc công phu, đề tài phong phú, sơn son thiếp vàng tôn thêm vẻ lộng lẫy, hoành tráng cho ngôi chùa, đồng thời thể hiện tài năng của người nghệ nhân chạm khắc và phản ánh ít nhiều nền mỹ thuật truyền thống vùng Đông Nam bộ.  

Chùa Đại Giác cùng với chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền là ba công trình kiến trúc tôn giáo có niên đại khởi dựng sớm nhất ở Đồng Nai. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn mang được nét đặc trưng của ngôi chùa cổ. Một minh chứng cho sự hiện diện của người Việt ở Đồng Nai, và cũng là nơi đón nhận, truyền bá Phật giáo dòng Lâm tế từ Đàng ngoài vào thế kỷ XVII. 

 Chùa Đại Giác được xếp hạng là di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 993/QĐ, ngày 28-9-1990.

Ngày nay, du khách đến thăm chùa Đại Giác sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tôn giáo khá quy mô hiện hữu trong không gian thoáng rộng nên thơ, đồng hành với thời gian nhiều biến cố vẫn giữ được nét cổ kính xa xưa, nét đẹp cảnh trí và sự trang nghiêm của chốn thanh tịnh. Hơn thế còn là nơi gửi gắn những tâm tư, tình cảm, ước muốn của người dân xứ sở.

Đến với chùa Đại Giác du khách còn có dịp ghé thăm Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, đình Bình Quan, đình Bình Tự, rạch Lò gốm, bến đò An Hảo... những địa danh, di tích gắn liền với "Nông Nại Đại Phố" - một thương cảng sầm uất bậc nhất phương Nam thế kỷ XVII. 

Xuân Nam

Tin xem nhiều