Cứ mỗi lần nghĩ về anh hoặc có ai nhắc đến anh, lập tức cái danh xưng tự phong của anh thời ấy lại trở về với tôi: Văng tê giáo chủ.
Cứ mỗi lần nghĩ về anh hoặc có ai nhắc đến anh, lập tức cái danh xưng tự phong của anh thời ấy lại trở về với tôi: Văng tê giáo chủ.
Anh là người khởi xướng thuyết văng tê, hơn thế, còn nâng nó lên thành một kiểu đạo giáo mới, một lẽ sống. Và anh gọi nói là Văng tê giáo, rồi tự nhận mình là giáo chủ.
Văng tê giáo nói lên một phần phẩm cách con người anh. Rất sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết với cách mạng, với kháng chiến lại pha tí chút bông phèng, hài hước.
Bây giờ, có thể nhiều người không hiểu văng tê là gì. Nhưng vào những năm 46-47 của thế kỷ trước, nó là câu cửa miệng của nhiều người, nhất là lớp trẻ, lớp thanh niên chúng tôi thời ấy. Chúng tôi thích nói câu ấy. Làm văng tê. Chơi văng tê. Sống cùng văng tê luôn. Văng tê có nghĩa là tới bến, mút chỉ, mút mùa... Nhưng không bao hàm cái nghĩa liều lĩnh mà là sự tự giác, tự giác đến hồn nhiên. Nó toát lên cái ý coi thường và xem khinh mọi trở ngại.
Thực ra, văng tê là từ tiếng Pháp được Việt hóa và nói trại đi. Như cái tách uống nước (tasse), như líp xe đạp (roue libre). Nguyên gốc của văng tê là à plus ventre, dịch sát nghĩa là hết lòng, hết bụng (ventre) cũng có thể hiểu là ép sát, sát ván...
Thuyết văng tê được Võ Cương chính thức ném ra trên tờ báo Tiếng rừng, tạp chí văn nghệ đầu tiên của Chi đội 10 mà anh là chủ bút. Đây là một kiểu làm công tác tư tưởng, làm công tác chính trị của anh, rất mới lạ và độc đáo, dù lúc ấy anh chỉ là giám đốc Quân y viện chi đội. Nhưng, nó như một dấu hiệu báo trước. Chỉ một năm sau anh đã kiêm nhiệm chức vụ Chính trị viên chi đội, thay cho Phan Đình Công được chuyển xuống Chi đội 16 Bà Rịa.
Tôi không rõ về thân thế, gốc gác của anh. Chỉ nghe lõm bõm anh đã học hết Đại học y Đông Dương - khoa ngoại, chưa kịp thi tốt nghiệp thì phong trào
Sau trận tấn công lần thứ 2 của giặc Pháp vào chiến khu Lạc An, tháng 5 năm 1946, tổng hành dinh Khu 7 chuyển về Giồng Dinh, Đồng Tháp Mười. Bộ phận quân y và binh công xưởng được tướng Nguyễn Bình tăng cường cho Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Võ Cương và Nguyễn Cao cùng một số anh chị em của hai bộ phận trên ở lại. Võ Cương, cũng như Nguyễn Cao (sau là chính trị viên binh công xưởng Chi đội 10) đến với Chi đội 10 như một sự tình cờ.
Về Chi đội 10, bác sĩ Võ Cương sớm nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn của anh. Những lớp đào tạo cứu thương, y tá liên tục được mở ra, kịp cung ứng cho các phân đội, trung đội. Quân y viện chi đội cũng lớn mạnh dần, đủ sức chăm sóc và cứu chữa cho thương, bệnh binh. Thuốc men, bông băng rất thiếu. Tài sản quý giá nhất của quân y viện là một bộ đồ mổ, từ bác sĩ Hoài, Nhà thương điên Biên Hòa, gởi ra tặng kháng chiến.
Bộ đội ngoài thương tật do đánh nhau với giặc còn mắc thêm những chứng bệnh khác. Đáng sợ nhất là ghẻ lở, do rận gây nên. Ghẻ kềnh ghẻ càng. Thuốc sát trùng chỉ có thuốc đỏ mẹccuyarôcrôm hoặc thuốc xanh bờlơmêtylen bôi loang lổ khắp người. Một phong trào diệt rận được phát động. Lấy chai lăn trên quần áo, rận chết nổ lốp rốp. Nhưng chỉ giảm chớ không hết được. Quần áo chiến sĩ độc nhất chỉ một bộ, nhiều người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, rận vẫn cắn, người vẫn ngứa ngáy và vẫn ghẻ...
Bệnh sốt rét cũng lan truyền rất nhanh. Những thứ thuốc viên, thuốc tiêm mua được từ thành về chỉ dành cho những trường hợp sốt rét ác tính. Bộ đội thì làm gì có mùng mền. Muốn phòng tránh thật không dễ. Đâu phải lúc nào cũng có nước gạo rang đun sôi đổ vào bình toong. Bộ đội khát, vục tay xuống suối lấy nước uống là thường. Bác sĩ Võ Cương thương bộ đội lắm, chỉ đạo cho bộ phận dược nghiên cứu lá cây rừng chế biến thuốc kết hợp với củ hà thủ ô. Thuốc làm ra, mỗi lần uống cả vốc tay. Bộ đội gọi đùa là "thấy mà kinh". Trong khi thuốc tân dược chỉ cần vài viên ký ninh, nivakin...
Là bác sĩ chuyên khoa ngoại nhưng bác sĩ Võ Cương rất ngại làm phẫu thuật. Chỉ những trường hợp vết thương bị hoại tử không đừng được anh mới phải đụng tới dao kéo. Còn thì nếu bảo tồn được, dứt khoát chỉ dùng sát trùng và kháng sinh, phổ biến là đagiênăng. Thứ thuốc này lâu dần trở thành thuốc trị bá bệnh.
Trong điều kiện khó khăn gian khổ ấy, Võ Cương đề xướng ra văng tê giáo. Cái chính là cổ vũ tinh thần mọi người, coi khinh các trở ngại, dũng cảm vượt lên, làm tới bến, làm không liều lĩnh, có tính toán và có hiệu quả. Thuyết văng tê loan truyền khắp chi đội. Người ta không chỉ biết anh là một bác sĩ giỏi, làm công tác chính trị cũng giỏi.
Tháng 7 năm 1947, Võ Cương được kết nạp Đảng. Và anh được đặc cách làm bí thư chi đội ủy luôn. Từ đó đến hết năm 1947, hệ thống tổ chức Đảng trong lực lượng chi đội dần dần được xác lập. Hầu hết các trung đội, các cơ quan trực thuộc chi đội đều có chi bộ Đảng.
* * *
Mấy chục năm sau, tôi mới gặp lại anh. Anh đã về hưu, sau nhiều năm là Bí thư Đảng ủy Trường đại học Y TP. Hồ Chí Minh.
Tôi đến thăm anh tại nhà riêng. Khu biệt thự rộng lớn, mặt tiền là nơi ở gia đình bác sĩ Phùng Văn Cung, nguyên ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh ở nhà sau, hai nhà nối liền nhau bằng một mái vòm.
Chuyện trò với anh, tôi mới biết: khi thành lập liên trung 301 - 310, anh được rút về Quân y viện Khu 7 do bác sĩ Hồ Văn Huê phụ trách. Tập kết ra Bắc, anh lộn trở về
Anh Võ Cương kể:
- Trong đời có hai lần mình tham dự trận đánh. Cả hai trận đều thắng to. Trận La Ngà, cậu biết rồi. Trận Tua Hai coi như phát súng lệnh cho phòng trào Đồng khởi của miền Đông
Một lần khác tôi đến gặp, thăm anh. Anh khoe vừa mới đi dự lễ khánh thành tượng đài chiến thắng La Ngà về. Lâu lắm, anh mới lại về vùng đất ấy, quang cảnh khác trước nhiều. Ngày xưa, rừng bịt bùng, sát đến hai bên quốc lộ 20. Chỉ thấy màu xanh ngút ngát. Còn bây giờ, thấy rõ đồi lớn, đồi nhỏ, đồi cao, đồi thấp, tầm nhìn trải ra trước mắt. Và xóm làng, và các khu dân cư, và nhà máy. Không còn cái heo hút của ngày xưa nữa...
Cái tượng đài chiến thắng La Ngà được dựng ở vị trí khá đẹp.
Anh Võ Cương nói thêm:
- Tính đến thời điểm ấy thì trận La Ngà coi như là số một về quy mô, về kết quả tiêu diệt sinh lực địch. Nó vang động đến tận nước Pháp. Nhưng hậu La Ngà, chiến quả còn được khuyếch trương thêm bằng công tác địch vận. Việc ta thả trung úy Giốp- phrây (Joeffrey) bị ta bắt trong trận đánh, chăm sóc vết thương cho nó rồi giao nó tại bót Cây Đào do cô Tương y sĩ của ta - cậu còn nhớ Tương chứ? - đã khiến cho dư luận càng xôn xao. Đám làm báo Sài Gòn đã xóa đi cái ấn tượng Việt Minh là giặc cỏ vì Tương nói tiếng Pháp làu làu...
Lần cuối tôi gặp anh Võ Cương là tại hội thảo về chiến thắng Tua Hai bốn mươi năm sau (năm 2000) do Quân khu 7 và tỉnh Tây Ninh tổ chức tại Tây Ninh.
Lúc này, anh Võ Cương đã trên 80 tuổi, đầu tóc bạc trắng nhưng qua cách đi đứng, nói năng của anh thấy anh vẫn minh mẫn, vẫn khỏe. Quả thật, nếu so với các anh trong Ban chỉ huy Chi đội 10 và Trung đoàn 310 cũ, anh là người thọ nhất. Các anh Tám Nghệ, Bảy Công, Ba Lung, Quang đen, Quang trắng, Ba Bổ... đều đã "đi" trước anh rồi. Chỉ còn mình anh. Anh cũng không ngờ mình sống dai đến thế. Và anh cười...
Tôi đùa anh:
- Thần chết cũng sợ văng tê giáo chủ mà!
Anh tròn mắt nhìn tôi:
- Cái cậu này! Vẫn còn nhớ văng tê giáo cơ à? Hơn nửa thế kỷ rồi ... Lẹ quá!
Tôi đáp lời anh:
- Làm sao quên được, anh! Đến bây giờ tôi còn nhớ và chắc còn nhớ hoài hoài về anh, kể cả sau này...
Tôi không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi gặp anh. Mấy năm sau thì anh qua đời. Tôi may mắn còn giữ được tấm hình anh chụp chung với các anh: Bảy Tâm, Út Thới (Nguyễn Thới Bưng) và Năm Quảng. Trong bốn người thì anh và Năm Quảng đều dân gốc Chi đội 10...
Hoàng Kim Chung