Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ – một thời lừng lẫy
Nhớ Bùi Trọng Nghĩa

09:10, 16/10/2006

Được giao nhiệm vụ làm quân báo, Bùi Trọng Nghĩa không khỏi một thoáng sững sờ. Làm quân báo là làm gì, Nghĩa mù trớt. Từ chối thì chắc chắn không xong rồi, còn nếu nhận... Nghĩa rất phân vân. Cái tật của Nghĩa là đã không làm thì thôi, làm là phải hiểu rõ, nắm chắc việc mình làm và làm đến nơi đến chốn. Đằng này...

Từ trái qua : Cao Văn Bổ, Lê Văn Ngọc và Bùi Trọng Nghĩa - Trưởng ban quân báo Chi đội 10.

Được  giao nhiệm vụ làm quân báo, Bùi Trọng Nghĩa không khỏi một thoáng sững sờ. Làm quân báo là làm gì, Nghĩa mù trớt. Từ chối thì chắc chắn không xong rồi, còn nếu nhận... Nghĩa rất phân vân. Cái tật của Nghĩa là đã không làm thì thôi, làm là phải hiểu rõ, nắm chắc việc mình làm và làm đến nơi đến chốn. Đằng này...

 

Như đoán được tâm trạng Nghĩa, chỉ huy trưởng Tám Nghệ từ tốn nói:

- Các danh nhân quân sự từ xa xưa đã rút ra kết luận: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Làm quân báo nghĩa là để biết địch. Phải tìm hiểu, nghiên cứu, nắm chắc từ lực lượng, cách bố phòng đến những mưu toan, từng ý đồ cụ thể của nó từng nơi, từng lúc. Đánh địch mà không hiểu địch khác gì mình đánh vào chỗ trống...

- Với nghề này, tôi xa lạ quá chừng. Có biết gì mà làm. E không kham nổi - Nghĩa vẫn chưa hết băn khoăn.

Ông Tám Nghệ tiếp lời:

- Bước vào chiến tranh, anh em mình có ai được đào tạo bài bản gì đâu. Cái thế nó buộc mình phải thế, trân mình mà chịu chớ làm sao khác? Thôi thì cứ vừa làm vừa học. Trước lạ, sau quen dần...

Ông Tám nói thêm:

- Mình chọn Nghĩa vì cậu là dân gốc thị xã Biên Hòa, lại nhiều năm học ở Sài Gòn. Những mối quan hệ gia đình và bè bạn là những điều kiện thuận lợi để cậu có thể làm tốt việc này. Do đó, mình chấm cậu.

Trước khi chấm dứt cuộc tiếp xúc, ông Tám căn dặn Nghĩa:

- Vì tin, mình mới giao việc này cho cậu. Đây không chỉ là việc khó mà nó còn rất quan trọng. Cấp trên cũng đã thấy không thể cứ để anh chị rị mọ mà làm nổi. Sẽ có một lớp huấn luyện ngắn ngày cho các chi trưởng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nghĩa chuẩn bị, được thông báo là sẵn sàng lên đường đi dự lớp.

Không lâu sau, lớp được mở, tận Lý Nhơn, mút huyện Cần Giờ. Nghĩa đã từ Tân Uyên xuống Long Thành theo đường liên lạc bộ rồi ngồi ghe sang khu rừng Sác đến Bình Khánh, qua An Thới Đông rồi tới Lý Nhơn.

Lớp học quả là đặc biệt, gây ấn tượng mạnh với Bùi Trọng Nghĩa. Học viên không đông, chỉ mười người, được rải ra ở nhà dân. Khi đến lớp thì bịt mặt bằng khăn, chỉ chừa hai con mắt. Giảng viên không biết tên thật là gì, lúc nào cũng đeo kiếng đen, chỉ kêu thứ - anh Tư. Không ai biết anh Tư từ đâu đến, không ai dám hỏi. Bạn bè cùng lớp với nhau theo nội quy kỷ luật không ai tiếp xúc với ai. Ngoài những buổi lên lớp chung, anh Tư đến với từng người, hỏi han cặn kẽ tỉ mỉ rồi trau dồi thêm về nghiệp vụ.

Nghĩa đã vỡ ra nhiều điều. Nghề quân báo có hai nhánh việc lớn. Một là, tổ chức điệp báo, cài cắm người của ta vào cơ quan quân sự đầu não địch hoặc vào các cơ quan thông tấn - truyền tin có quan hệ chặt chẽ với việc nắm tình hình địch. Hai là tổ chức trinh sát (do thám), tốt nhất là lấy người tại chỗ với mục đích công khai dò la, tìm hiểu địch. Một nhánh việc nữa cũng quan trọng không kém: đường dây liên lạc trong - ngoài và ngược lại, các hộp thư sống và chết. Liên lạc viên, dùng các em nhỏ và các chị là an toàn nhất.

Nguyên tắc hoạt động cao nhất của quân báo là đơn tuyến, bí mật tuyệt đối, ai biết việc nấy. Và chỉ một người chỉ huy thống nhất. Các điệp viên mỗi người một bí số. Phương thức liên lạc phải hết sức linh hoạt, tuy nhiên yêu cầu cao nhất là tin tức phải chính xác, kịp thời.

Tan lớp học trở về, trước mắt Nghĩa bắt tay ngay vào việc xây dựng lực lượng ở thị xã Biên Hòa. Cần nắm chắc lực lượng địch nào đang đóng ở đây, quân số bao nhiêu, các điểm đóng quân và cách bố phòng của chúng trong thị xã. Nghĩa đã được thông báo phải đáp ứng những đòi hỏi ấy của cấp trên. Rồi lại được yêu cầu nếu như quân ta muốn đột nhập thị xã thì các mũi tiến quân đi theo những hướng nào là thuận lợi nhất.

Nghĩa không nghĩ rằng trận tập kích quấy rối thị xã Biên Hòa lại nổ ra sớm thế, ngay đêm 1-1-1946, khi quân địch đứng chân còn chưa vững. Trận đánh nặng tính chất tuyên truyền chính trị, uy hiếp tinh thần hơn là tiêu diệt sinh lực địch. Nhưng nó đã có tiếng vang lớn tận Sài Gòn...

Sau trận tấn công lần đầu tiên của giặc Pháp vào tổng hành dinh Khu 7, tháng 3-1946, Nghĩa được giao nhiệm vụ đặc biệt: đưa tướng Nguyễn Bình, khu trưởng thâm nhập Sài Gòn. Công việc này khiến Nghĩa vừa lo, vừa thích thú. Đây là cơ hội để Nghĩa kiểm tra lại lực lượng trinh sát và đường dây liên lạc nội thành xem hiệu quả hoạt động thế nào. Bản thân Nghĩa phải tự tay làm một số công việc cụ thể: chụp ảnh làm giấy thông hành, chọn thuê xe lô và người lái, người tháp tùng làm nhiệm vụ bảo vệ. Phải là những người không chỉ rành đường phố Sài Gòn mà trước hết phải là những người tin cậy. Và kế hoạch đi - về, đưa - đón khu trưởng...

Khu trưởng ngỏ ý muốn có nguyên một ngày ở Sài Gòn. Thành phố này trước đây ông đã biết. Lần này ông không chỉ muốn quan sát quang cảnh và không khí Sài Gòn sau khi Tây tái chiếm thành phố, cái chính là ông sẽ trực tiếp tiếp xúc với một số thủ lĩnh các ban công tác thành. Sài Gòn đến lúc ấy đã có 12 ban công tác, trong đó ban công tác số 4 của Nguyễn Đình Chính (Chính heo) rất nổi tiếng. Tướng Nguyễn Bình coi trọng các hoạt động quân sự trong vùng tạm bị chiếm. Ban công tác thành là đơn vị hoạt động quân sự nội thành (tiền thân các đội biệt động sau này). Quan điểm của ông rất rõ ràng: phải biến hậu phương địch thành tiền phương ta. Không thể để thằng giặc yên, rảnh tay tha hồ đánh phá ta. Phải bắt nó lo đối phó ngay từ trong ruột nó.

Bộ đội Chi đội 10 Biên Hòa, sau trận đánh xe lửa tại Bàu Cá ngày 14-7-1947.

Chuyến đi của khu trưởng vào Sài Gòn đã hoàn thành tốt đẹp. Ông gởi lời khen Nghĩa qua chỉ huy trưởng Tám Nghệ. Với Nghĩa, cái kết quả lớn nhất là anh đã kiểm tra được và đánh giá đúng lực lượng quân báo nội thành của mình, rõ nhất là hoạt động trinh sát - liên lạc rất nhịp nhàng và thông suốt.

Từ đầu năm 1947, Bùi Trọng Nghĩa ra sức xây dựng cơ sở điệp báo ở Sài Gòn. Có vài lần cải trang về thành gặp nhân mới, rà lại đường dây liên lạc và hệ thống hộp thư. Nghĩa tăng cường lực lượng trinh sát bám sát quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Anh đã được chi đội thông báo sẽ mở trận giao thông chiến lớn khi hội đủ các điều kiện.

Và trận La Ngà đã nổ ra. Đúng như tin quân báo của ta cho biết: ngày 1-3-1948, một đoàn xe 70 chiếc xuất phát sớm từ Sài Gòn trong đó có nhiều sĩ quan chỉ huy, cao nhất có các đại tá Parust, phó tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp ở Nam Đông Dương và De Saraigné, chỉ huy bán lữ đoàn Lê Dương số 13. Địch lên Đà Lạt, chuẩn bị cho cuộc hội nghị thảo luận về việc thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại...

Tin tình báo sau trận La Ngà cũng rất kịp thời. Ngày 5-3-1948, Bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Sài Gòn tổ chức cuộc phản kích vào chiến khu Đ bằng bộ binh cơ giới có không quân yểm trợ và đổ bộ. Nghĩa đã thông báo đến Ban chỉ huy chi đội có kế hoạch đối phó. Và sau một tuần bị đánh tiêu hao khắp mọi nơi, quân Pháp phải chấm dứt cuộc càn...

Từ năm 1948, chi quân báo trung đoàn 310 đã lưu ý về chiến thuật tháp canh của De Latour. Đến 1949, Biên Hòa dày đặc đồn bót và tháp canh. Bùi Trọng Nghĩa đề xuất với trung đoàn phải tìm mọi cách giải quyết vấn đề này và gợi ý: chỉ có cách đánh bí mật, bất ngờ là hay nhất. Nhưng phải có vũ khí đánh tháp có hiệu quả. Sau đó, Bazoomine dạng FT ra đời. Và đến năm 1950, lực lượng đặc công xuất trận...

Giữa năm 1951, Tỉnh đội Thủ Biên được thành lập. Đồng chí Ba Danh (Trần Văn Danh - sau này là Ba Trần, trong chống Mỹ) được tăng cường về làm Tỉnh đội phó kiêm Trưởng ban quân báo tỉnh đội. Bùi Trọng Nghĩa rời vị trí cũ, xuống làm Thị đội trưởng kiêm chính trị viên Thị đội Biên Hòa.

Từ nhiều năm trước, Thị đội đã rất coi trọng việc xây dựng cơ sở và phát triển tự vệ mật, chỉ trong năm 1950, đội biệt động thị xã đã tập kích kho xăng dầu đốt cháy hàng triệu lít, tập kích nhà hàng Kim Hoa (Vườn Mít) giết và làm bị thương nhiều sĩ quan Pháp. Đáng kể là trận đánh phá trại giam Thủ Đức, giải thoát 120 tù chính trị đưa về chiến khu Đ an toàn.

Bùi Trọng Nghĩa về Biên Hòa, củng cố đội vũ trang tuyên truyền thành 4 đoàn thâm nhập vào thị xã, xây dựng thêm các căn cứ bàn đạp ở ngoại ô. Xây dựng thêm nhiều cơ sở đầu mối tin tức và cơ sở dân vận. Đội biệt động không chỉ đánh các nhà hàng mà đánh cả vào các công sở, tháp canh địch.

Về lại thị xã Biên Hòa, Bùi Trọng Nghĩa không chỉ phát huy những lợi thế từ ngành quân báo, ngày càng có kinh nghiệm và dày dạn hơn trong việc gầy dựng cơ sở và chỉ huy chiến đấu...

Một đặc điểm dễ thấy là những chiến sĩ quân báo rất không thích nói về mình. Bùi Trọng Nghĩa cũng vậy. Tôi phải tra gạn nhiều lần anh mới chịu nhắc lại những kỷ niệm mà anh cho là "xưa như trái đất rồi, nhắc lại làm gì!".

Sống là qua những chuyến sau này từ Sài Gòn lên Biên Hòa, khi ấy Bùi Trọng Nghĩa đã nghỉ hưu. Anh hơn tôi chừng 5-6 tuổi nên hưu trước. Nghỉ hưu, Bùi Trọng Nghĩa nổi hứng lại trở thành tác giả kịch bản sân khấu. Và cũng đã có những vở được dàn dựng và công diễn. Tôi hỏi anh về việc này. Anh cười và bảo:

Để quên thời gian ấy mà! Chớ nó có phải nghề của mình đâu. Mà nghề quân báo thì cũ mất rồi. Bây giờ ai người ta xài mình nữa...

Hoàng Kim Chung

 

(Ảnh tư liệu QK7)

Tin xem nhiều