Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ – một thời lừng lẫy
Nhạc sĩ Hải Triều - tác giả bài "Tiếng hát Đồng Nai"

06:10, 30/10/2006

Khán thính giả đài PT-TH Đồng Nai rất quen thuộc với giai điệu của bài "Tiếng hát Đồng Nai", bởi đây là nhạc hiệu của Đài. Nhưng ít ai biết rằng, tác giả - nhạc sĩ Hải Triều là một chàng trai đất Bắc, đã viết bài hát này ngay tại Chiến khu Đ ngay sau khi dân quân ta thắng trận La Ngà (tháng 3-1948). Lúc đó ông vừa mới 25 tuổi.

Khán thính giả đài PT-TH Đồng Nai rất quen thuộc với giai điệu của bài "Tiếng hát Đồng Nai", bởi đây là nhạc hiệu của Đài. Nhưng ít ai biết rằng, tác giả - nhạc sĩ Hải Triều là một chàng trai đất Bắc, đã viết bài hát này ngay tại Chiến khu Đ ngay sau khi dân quân ta thắng trận La Ngà (tháng 3-1948). Lúc đó ông vừa mới 25 tuổi.

 

Nhạc sĩ Hải Triều tên thật là Nông Hải Triều, dân tộc Tày, sinh năm 1921 tại xã Lê Lợi, huyện Thanh An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1940, ông ra Hà Nội học ngành điện đài vô tuyến tại Trường bách nghệ Hà Nội rồi làm việc ở Sở vô tuyến điện Hà Nội. Đầu tháng 11 năm 1946, ông là một trong bốn người được lệnh cấp tốc vào Nam công tác. Chính ông cũng không ngờ nơi mình sẽ đến lại là mảnh đất Đồng Nai với nhiệm vụ lắp đặt điện đài cho địa bàn Chiến khu Đ và giữ thông tin liên lạc cho Chi đội 10 của thủ lĩnh Huỳnh Văn Nghệ. Ông nói rằng, khó mà quên được cảm giác của lần đầu tiên đến Đồng Nai và cũng không ngờ rằng cuộc đời mình với những ngày đầu tham gia cách mạng lại gắn bó với vùng đất Chiến khu Đ.

Chính tại Chiến khu Đ, ông may mắn được làm việc với nhiều người nổi tiếng như ông Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ... Đơn vị ông đóng quân ngay cạnh Binh công xưởng (chuyên sản xuất các loại vũ khí) thuộc trung đoàn 310 nằm bên dòng Đồng Nai thơ mộng. Ông thú nhận rằng, dù đi đây đi đó nhiều nơi nhưng thú thật ông chưa từng thấy dòng sông nào trong xanh, phẳng lặng đến thế. Ông thích và có một cảm tình rất đặc biệt với dòng sông này. Là lính điện đài, ông nắm rất sát tình hình chiến sự, thông tin về các trận đánh của quân dân ta. Ông kể: "Tôi viết bài hát này cũng thật tình cờ khi chúng ta thắng lớn ở trận La Ngà (tháng 3-1948). Lúc đó, tin tức bay về dồn dập làm náo nức cả chiến khu. Hòa chung niềm vui đó, tôi chạy một mạch sang Ban chính trị, mượn cây đàn mangdoline và cứ thế mà viết. Tôi xâu chuỗi các địa danh gắn liền với những chiến công, ca ngợi tinh thần chiến sĩ, đồng bào. Với tay nghề nghiệp dư như tôi thì sau một tuần bài hát mới hoàn thành với tên ban đầu là "Đồng Nai", sau này được đổi thành "Tiếng hát Đồng Nai". Anh em trong đơn vị chuyền tay nhau hát và được in thủ công thành nhiều bản. Đêm văn nghệ, anh em chiến sĩ thích quá hát vang.

Theo lịch sử Chiến khu Đ, trận La Ngà là trận đánh giao thông lớn đầu tiên nổi tiếng thời kháng Pháp ở Nam bộ do Huỳnh Văn Nghệ làm chỉ huy trưởng và Bùi Cát Vũ làm chỉ huy phó. Chiến thắng La Ngà làm rúng động cả nước Pháp và thế giới. Quân ta  phục kích đoàn quân xa của Pháp trên quốc lộ 20 (Sài Gòn - Đà Lạt), bắt sống nhiều quân Pháp, thu được nhiều vũ khí, quân dụng, quân trang. Có đến 25 viên sĩ quan Pháp bị tử trận, đặc biệt trong đó có một viên đại tá dòng dõi hoàng tộc là De Sérigue. Sau trận này, Huỳnh Văn Nghệ được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì (có lẽ, ông là một trong những người lính đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Quân công trong lịch sử quân đội ta) và được Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tặng chiếc áo trấn thủ màu nhung đỏ đính cờ). Nhạc sĩ Hải Triều nói rằng, cuộc đời binh nghiệp của ông ở Chiến khu Đ không dài lắm song với người chỉ huy Huỳnh Văn Nghệ thì thật có nhiều điều đáng nhớ lắm. Làm công việc thông tin liên lạc nên ông thường ôm điện đài theo chân tướng Nghệ. Trong mắt anh em chiến sĩ ở chiến khu, vị chỉ huy đầu tiên của miền Đông và Nam bộ không chỉ là vị chỉ huy quân sự tài ba mà còn là nhà thơ được kính trọng. Huyền thoại về vị tướng này được kể nhiều nhưng chắc rằng chính cách sống và tài chỉ huy cũng như khí chất của một người Nam bộ khiến ông nhớ mãi. "Tôi nhớ có một lần, trong một đêm văn nghệ, khi nghe anh em chiến sĩ hát bài "Tiếng hát Đồng Nai", Tám Nghệ vỗ vai tôi và nói: "Kể ra chú mày cũng biết cách ghi chiến công của xứ này bằng âm nhạc há". Tôi cũng nghĩ như vậy. Hồi đọc được bài "Nhớ Bắc" của ông, một thằng con trai đất Bắc như tôi xúc động đến trào nước mắt. Sau đó tôi có phổ bài thơ này nhưng cảm thấy không thành công" - một lần về lại Đồng Nai, ông đã nói như vậy.

Từ năm 1951, nhạc sĩ Hải Triều về chiến khu Việt Bắc và từ đó, ông không có dịp vào Nam. Mãi đến năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm phát sóng Đài PT-TH Đồng Nai, ông mới có dịp trở lại mảnh đất này. Ông không giấu được xúc động khi biết tin bài "Tiếng hát Đồng Nai" được chọn làm nhạc hiệu của Đài: "Thú thật tôi vô cùng xúc động bởi trải qua nhiều năm tháng, bài hát vẫn có một giá trị nhất định. Nghe lại những giai điệu hào hùng của bài hát tôi như sống lại không khí của những ngày đầu tham gia cách mạng. Thật lòng tôi cảm ơn mảnh đất Đồng Nai đã cho tôi may mắn được chứng kiến những thời khắc hào hùng của quân dân miền Đông cũng như được Đài PT-TH Đồng Nai dùng bài hát làm nhạc hiệu thân quen.

Ngược dòng Đồng Nai, về lại chiến khu xưa, đi qua các địa danh Tân Tịch, Tân Uyên, Tân Mỹ... nhạc sĩ, chiến sĩ Hải Triều về thăm mộ Huỳnh Văn Nghệ, trong gió chiều trên dòng Đồng Nai trong xanh và phẳng lặng, nhạc sĩ đã cất vang: "Đồng Nai nơi đây hùng anh ghi tên, oai phong lừng danh chiến công ngàn đời anh dũng. Biết bao phen giặc Pháp khiếp kinh, bao phen anh hùng ra tay quét sạch sài lang giết lũ tham tàn. Thề nguyền cùng núi sông đồng lòng hy sinh... Bàu Hàm, Bình Giã, Xuyên Sơn, Phước An, Long Bình, Tân Phong, Suối Sâu, Long Đất, Bến Nứa vẫn vang vang chiến công Đồng Nai giết quân giặc ở sân bay Biên Hòa".

Thu Trang

Tin xem nhiều