Vậy là cuối cùng, khát vọng đổi màu huy chương của Câu lạc bộ (CLB) dân ca Long Bình (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) đã thành hiện thực. Chương trình nghệ thuật mang tên "Sắc màu quê hương" của CLB vừa giành được giải nhì trong tổng số 29 chương trình của 8 tỉnh miền Đông và 2 tỉnh Nam Trung bộ tham dự "Liên hoan tiếng hát người cao tuổi " lần thứ 4 do Đài PT-TH Bình Dương tổ chức.
Vậy là cuối cùng, khát vọng đổi màu huy chương của Câu lạc bộ (CLB) dân ca Long Bình (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) đã thành hiện thực. Chương trình nghệ thuật mang tên "Sắc màu quê hương" của CLB vừa giành được giải nhì trong tổng số 29 chương trình của 8 tỉnh miền Đông và 2 tỉnh Nam Trung bộ tham dự "Liên hoan tiếng hát người cao tuổi " lần thứ 4 do Đài PT-TH Bình Dương tổ chức. Đây là thành quả xứng đáng với sự nỗ lực không mệt mỏi của một đơn vị nghệ thuật không chuyên mà người trẻ nhất cũng "tròm trèm" U50", người cao tuổi nhất đã 63 xuân xanh.
Chương trình gồm 5 tiết mục, mang đậm sắc thái các vùng dân ca đồng bằng Bắc bộ. Mở đầu là tiết mục hát múa "Khúc hát chào mừng" lời tự biên, dựa trên làn điệu "dương xuân" của chèo do bốn nghệ sĩ Nghiêm Thọ, Nguyễn Lan, Minh Tuyết và Thúy Mùi biểu diễn. Màn hợp ca "Khúc giao duyên" trên nền múa minh họa gây ấn tượng đẹp bởi xiêm áo " mớ bảy mớ ba", sóng mắt lúng liếng đa tình của các "liền anh liền chị". Giọng hát văn ngọt ngào của ông Minh Tuyết trong tiết mục "Ơn Bác muôn đời" cùng tiếng trống đế rộn ràng và tiếng đàn nguyệt cuốn hút càng làm cho chương trình của đoàn Đồng Nai thêm độc đáo, rực rỡ màu sắc. Và cũng không thể không nhắc đến " món ruột" của câu lạc bộ là tiết mục "Tổ khúc thơ Bác Hồ" - dựa trên hai làn điệu Si và Then của dân tộc Tày. Gọi là "món ruột" bởi tác giả của tiết mục này là bà Lưu Nghiêm Thọ từng nhiều năm sống và làm việc ở khu tự trị Việt Bắc. Chất men say của làn điệu Si -Then đã ngấm vào bà cùng với tiếng đàn tính và bà đã đưa chất men ấy vào tiết mục của mình rất thành công. Ở tuổi ngoài 60, vừa là đài trưởng, vừa là biên đạo múa, bà Nghiêm Thọ vẫn rất tự tin với bài đơn ca "Mùa xuân mới về với Điện Biên" (sáng tác của Huy Giáng). Có thể nói, cả 5 tiết mục đều được dàn dựng công phu, phục trang và đạo cụ đa dạng, được tính toán kỹ hiệu quả nghệ thuật, cộng thêm dàn nhạc khá điêu luyện gồm trống, bầu, nhị và sáo trúc. Xem CLB biểu diễn, người ta không thể không ghi nhận dù đã cao tuổi, duyên sắc của dàn diễn viên vẫn rất dồi dào. Sự ăn ý, hòa quyện của giọng hát, tiếng đàn, những bước vũ đạo uyển chuyển, mềm mại của các ông bà xem ra chẳng kém gì các diễn viên son trẻ. Có lẽ chính vẻ tươi tắn, hồn hậu như bức tranh lễ hội mùa xuân của toàn bộ chương trình đã khiến cho "Sắc màu quê hương" được ban giám khảo và khán giả Bình Dương dành cho những tràng pháo tay không dứt...
Câu lạc bộ dân ca Long Bình là một bông hoa đậm đà hương sắc trong vườn hoa văn nghệ quần chúng của tỉnh Đồng Nai. Sự góp mặt của CLB ở "Liên hoan tiếng hát người cao tuổi Bình Dương" liên tục trong 3 năm với thành tích ngày càng cao hơn( lần đầu giải khuyến khích, lần thứ hai giải 3 và lần thứ ba giải nhì) khẳng định văn nghệ người cao tuổi của tỉnh Đồng Nai rất giàu tiềm năng. Hiện nay, câu lạc bộ có 25 hội viên, hầu hết đều là cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Nét nổi bật của CLB là tinh thần đoàn kết, sự hăng hái và năng lực ca diễn toàn diện của các diễn viên cùng với tài tổ chức của ông Tuyết, bà Thọ... Lần đi thi này, để có được một chương trình đầy đặn, bắt mắt trong hoàn cảnh kinh phí thiếu thốn, CLB đã cùng nhau chọn lựa tiết mục, cùng nhau may cờ hội, làm lấy khèn, quạt v.v... Nhưng dù đã hết sức tiện tặn, CLB vẫn tiêu tốn xấp xỉ mười triệu đồng - một số tiền không nhỏ so với thu nhập từ lương hưu của các hội viên. Trung tâm VH-TT tỉnh - cơ quan chủ quản của CLB dù cố gắng cũng chỉ tài trợ được cho CLB 2 triệu đồng, còn tất cả đều do hội viên đóng góp. Chính điều này đã khiến cho niềm vui đổi màu huy chương vẫn không át được nỗi ngậm ngùi của các diễn viên bởi sắp tới đây CLB định... giải thể vì không còn kinh phí hoạt động.
Giải pháp nào để giữ lại một câu lạc bộ văn nghệ đã có bề dày thành tích, có nhiều đóng góp trong phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà, đó là một bài toán không dễ. Số phận của CLB dân ca Long Bình khiến những người tâm huyết phải băn khoăn, " sân chơi "nghiệp dư của các diễn viên cao tuổi rất cần được tiếp sức, để lời ca điệu múa của CLB mãi là niềm tự hào, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú sắc màu của văn hóa Đồng Nai.
Hồng Ngọc