Báo Đồng Nai điện tử
En

40 năm chiến thắng Tổng kho Long Bình (28-10-1966 - 28-10-2006)
Trận đánh làm thủng dạ dày quân xâm lược Mỹ

10:10, 27/10/2006

Cách đây 40 năm, vào đêm 28-10-1966, bộ đội đặc công tỉnh Biên Hòa (mật danh U1) đã bất ngờ đánh đòn phủ đầu vào Tổng kho Long Bình, căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở miền Nam. Trận đánh đã giáng một đòn choáng váng vào đầu quân xâm lược Mỹ, làm đảo lộn ý đồ chiến lược của địch, làm nức lòng quân dân cả nước. Ngay sau trận đánh, Bác Hồ đã gởi điện khen ngợi quyết tâm đánh Mỹ của đặc công U1 và quân dân Biên Hòa...

Cách đây 40 năm, vào đêm 28-10-1966, bộ đội đặc công tỉnh Biên Hòa (mật danh U1) đã bất ngờ đánh đòn phủ đầu vào Tổng kho Long Bình, căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở miền Nam. Trận đánh đã giáng một đòn choáng váng vào đầu quân xâm lược Mỹ, làm đảo lộn ý đồ chiến lược của địch, làm nức lòng quân dân cả nước. Ngay sau trận đánh, Bác Hồ đã gởi điện khen ngợi quyết tâm đánh Mỹ của đặc công U1 và quân dân Biên Hòa...

 

40 năm đã trôi qua, những cán bộ chiến sĩ tham gia trận đánh ấy - người còn, kẻ mất. Thế nhưng đối với những người còn sống, mỗi khi nhắc lại chiến công ngày ấy, ai cũng xúc động bồi hồi. Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (Hai Cà), nguyên U trưởng U1  Biên Hòa, người trực tiếp ra lệnh cho đặc công U1 đánh vào Tổng kho Long Bình cho biết: "Trận đánh vào Tổng kho Long Bình ở cao điểm 50-53 được chốt 2, đặc công U1 chuẩn bị khá công phu. Trong điều kiện trang bị của ta lúc ấy còn khá thiếu thốn, nhưng bằng tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm đánh Mỹ, anh em đã tự mày mò chế tạo vũ khí và thực hiện trận đánh thắng lợi vượt xa sự mong đợi...". Ông Nguyễn Tấn Vàng, nguyên chốt trưởng chốt 2, đặc công U1, người trực tiếp chỉ huy trận đánh và cũng là người trực tiếp đặt trái nổ vào kho 50 - 53 nhớ lại: "Tôi nhận nhiệm vụ đánh vào Tổng kho Long Bình vào sáng ngày 15-10-1966. Thủ trưởng Hai Cà  là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Chứng kiến còn có anh Lê Minh Soái (Mười Soái), nguyên Trưởng ban quân  báo U (quân báo Miền). Thú thật lúc ấy tôi  hơi lo vì trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm đánh vào hậu cứ địch của đặc công ta chưa nhiều, hơn nữa trang bị của ta còn giới hạn. Nếu đánh bằng cách đặt trái nổ và rải dây điện  từ ngoài vào trong để kích nổ là không thích hợp, vì lúc ấy  ở Tổng kho Long Bình đang có 2 lữ đoàn công binh túc trực xây dựng công trình, kho tàng và khá đông lực lượng bảo vệ kho ngày đêm tuần tra, canh gác có mang theo chó bẹc-giê. Muốn vào được bên trong kho phải vượt qua được hàng rào kẽm gai bùng nhùng 2 lớp. Dưới chân rào có chôn mìn cóc M16E3. Dọc theo hàng rào, cứ 50 mét địch bố trí một bóng đèn cao áp chiếu sáng. Ngoài ra ở phía bên trong khu kho, địch còn trang bị ống nhòm hồng ngoại tuyến và dây thu tiếng động. Lực lượng bảo vệ ngoài cùng do quân Mỹ đảm nhiệm. Chúng tổ chức thành nhiều phân đội canh gác từ gần đến xa. Với cách bố trí này, địch cho rằng Tổng kho Long Bình là bất khả xâm phạm. Do vậy, nếu chọn cách đánh như đã nêu trên là khó thực hiện và dễ bị lộ...". Vậy chọn cách đánh nào để giành thắng lợi cao nhất mà vẫn bảo toàn được lực lượng? Ông Nguyễn Tấn Vàng  chậm rãi kể tiếp: "Sau khi nhận nhiệm vụ xong, trở về đơn vị, từ ngày 16 đến 25-10-1966, chúng tôi tổ chức họp đơn vị, thông qua quyết tâm chiến đấu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí, từng cụm chiến đấu. Cấp trên chưa có thuốc nổ cho chúng tôi phục vụ trận đánh, chúng tôi tổ chức lực lượng đi thu nhặt bom đạn lép của địch về cưa lấy thuốc để tự tạo trái nổ. Đồng thời mày mò, cải tiến chiếc đồng hồ đeo tay thành đồng hồ hẹn giờ để phục vụ trận đánh. Việc cải tiến chiếc đồng hồ hẹn giờ là việc làm hết sức mới lạ đối với anh em chúng tôi. Ai cũng lo lắng vì sợ không thành công. Thế nhưng sau nhiều ngày nghiên cứu, thực tập, thao tác, đặt thuốc nổ dưới lòng suối sâu để thử nghiệm hiệu quả của chiếc đồng hồ hẹn giờ đã được cải tiến, công việc đã diễn ra như ý".

Chiều ngày 28-10-1966, chúng tôi tổ chức hành quân đến trạm giao liên Y4 (khu vực suối đá) để chuẩn bị đánh trận đầu vào Tổng kho Long Bình - ông Nguyễn Tấn Vàng nói - lực lượng chúng tôi lúc ấy gồm có 6 người: Nguyễn Tấn Vàng, mũi trưởng và là người trực tiếp đặt trái nổ vào mục tiêu; Nguyễn Văn Tư (Tư Già), mũi phó; Bùi Văn Hòa, trinh sát dẫn đường; Trịnh Văn Thoàn, Phạm Văn Hóa và Nguyễn Văn Rô là tổ viên, cùng với số vũ khí trang bị là 4 khối thuốc  nổ, mỗi khối 10kg, 2 khẩu AK và 6 trái lựu đạn. Vừa hành quân, vừa bám địch chúng tôi đến đích vào lúc 10 giờ sáng ngày 27-10, cách mục tiêu cao điểm 50 khoảng 2km theo đường chim bay. Lúc này trong Tổng kho Long Bình, địch vẫn chưa có thay đổi gì về cách bố phòng. Sau khi cho anh em nghỉ ngơi và duyệt lại phương án chiến đấu lần cuối, 16 giờ ngày 28-10-1966, lực lượng của chúng tôi tiếp cận mục tiêu khoảng 50m. Bùi Văn Hòa, người có gần nửa năm trời ra, vào Tổng kho Long Bình để trinh sát, điều nghiên, vẽ sơ đồ phục vụ cho trận đánh đi trước có nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường. Anh Hòa đã khéo léo luồn qua các hàng rào, chốt kiểm soát để đưa đơn vị tiếp cận mục tiêu an toàn. Đến 17 giờ 30 (giờ Sài Gòn), toàn đơn  vị đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Trời vừa sụp tối, tôi ra lệnh cho anh em hành động. Hòa trao những gói thuốc nổ  cho tôi, tôi nín thở  nghiêng  mình câu, nối các sợi dây điện trong sự hồi hộp đến tột cùng. Thấy sự việc diễn ra đúng như kế hoạch, tôi nhanh chóng đánh theo phương án bỏ 2 kho, đánh 1 kho. Khi đặt trái đến kho thứ 2 thì bất ngờ 1 chốt canh của địch ở phía đông cách chúng tôi khoảng 60m không biết phát hiện điều gì nghi ngờ nên chúng bắn dữ dội. Mặc dù vậy, nhưng chúng tôi vẫn tiềm nhập đặt đến trái thứ tư rồi ra lệnh cho anh em luồn dưới tầm đạn thoát ra ngoài an toàn. Khi đã chạy được ra khỏi khu vực khá xa, chúng tôi dừng lại nhìn về hướng súng nổ, đột nhiên một ánh chớp lóe lên cùng với tiếng nổ xé trời, mặt đất như rung chuyển. Như vậy là kho đạn Long Bình đã nổ. Lúc ấy là khoảng 20 giờ ngày 28-10-1966.

Kết quả của trận đánh ấy, ta đã tiêu diệt hơn 250 tên lính Mỹ, phá hủy khoảng 25 vạn tấn bom đạn các loại. Trận đánh đã làm cho quân xâm lược Mỹ choáng váng. Sau đó địch phải bỏ dở 3 cuộc càn quét lớn vì đã mất một số vũ khí đạn phục vụ cho các trận càn.

Đức Việt

(Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Tấn Vàng)

Tọa đàm về chiến thắng Tổng kho liên hợp Long Bình.

Từ phải sang: Ông Nguyễn Tấn Vàng, Đại tá Trần Công An và ông Lê Minh Soái đang ôn lại trận đánh Tổng kho Long Bình đêm 28-10-1966.

Tin xem nhiều
Đau Dạ dày và nguyên nhân