Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long" hay cõi lòng người Việt?

10:09, 30/09/2006

Đến Đồng Nai, xứ sở của những bầy nai hoang thuở Nguyễn Hoàng mở cõi, mà lại giữa mùa sầu riêng, bỗng dội nhớ những vần thơ đã bất tử hóa Người Bắc Hương Nam ấy...

Đến Đồng Nai, xứ sở của những bầy nai hoang thuở Nguyễn Hoàng mở cõi, mà lại giữa mùa sầu riêng, bỗng dội nhớ những vần thơ đã bất tử hóa Người Bắc Hương Nam ấy...

Có những người làm những câu thơ để đời nhưng không lấy văn chương làm mục đích, ấy là Huỳnh Văn Nghệ.

Có những câu thơ mà ta thuộc lòng nhưng không phải ngay từ đầu đã biết xuất xứ. Đó là "Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long". Với tôi, Xuân Diệu chỉ nói đó là thơ Huỳnh Văn Nghệ! Tưởng thế cũng đủ!

Vả lại, có gì phải thắc mắc khi hai câu thơ ấy đã chảy thẳng vào huyết quản tôi như một lẽ tự nhiên, chẳng khác "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư" trước đó cả 9 thế kỷ của tướng quân Nhà Lý đứng chân Đất Rồng bay có tên: Lý Thường Kiệt. Như thể con mắt xanh của Ông Trời đã chấm các ông để "địa đồ hóa" lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt biết bao yêu dấu! Sau này tình cờ qua sách báo tôi mới biết được hai câu thơ đã hóa hồng cầu ấy được chiết từ "Nhớ Bắc" của thi tướng họ Huỳnh, cho dù có đôi chút khác biệt:

Ai đi về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

 

Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

Non nước Rồng tiên nặng nhớ thương

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn

Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ

Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng

 

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh Nam say bước quá xa miền

Kinh đô nhớ lại... xa muôn dặm

Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.

Chao ôi nhớ, rõ người ấy, hay cùng lắm các bậc sinh thành, chào đời trên đất Bắc. Vậy mà không, ông chưa một lần chạm đất Tràng An. Lại nữa, theo Nguyễn Tý, Huy Thông, Trần Xuân Tuyết và nhiều người khác thì Nhớ Bắc được sáng tác tại Chiến khu Đ (Tây Ninh) năm 1946. Cũng không nốt. Bằng cớ là Xuân Diệu đã đưa những vần thơ diết da toát từ xương tủy ấy vào bài diễn thuyết của mình trong buổi khai mạc Tuần lễ văn hóa Ủng hộ chiến sĩ Nam bộ do Đoàn Văn nghệ Bắc bộ tổ chức tại Nhà hát lớn tối chủ nhật ngày 10-10-1945. Với Xuân Diệu ta vỡ ra tất cả:

"Một bạn quê ở Sài Gòn, chưa từng ra quá Biên Hòa, Bình Thuận, có nói:

Ai đi về Bắc, ta theo với

Thăm lại non sông giống Lạc-Hồng

Từ lúc mang gươm đi mở cõi,

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long!

Lời của một người nói ra, mà chính là lời người Việt miền Nam nói với người Việt miền Bắc. Đó là lời những người Việt Nam đã vào đất Thủy - Chân Lạp ngót năm sáu trăm năm, mà chưa được dịp về thăm Tổ cũ. Nghe nói những Thăng Long, Hà Nội, những Hồ Kiếm, Hồ Tây mà trong lòng nổi dậy cái thương nhớ mạnh mẽ của hàng nghìn năm. Thật rõ là người Việt nhớ quê: từ lúc nhà Lý, nhà Trần, đến nhà Lê, nhà Nguyễn, cứ đi, đi mãi, mỗi bước một xa vời; càng vào sâu, càng mọc rễ; càng bước mãi, càng nhớ thêm. Cho đến lúc vào miền Hạ lưu sông Khung, sông Chín Con Rồng, thì thành Thăng Long đã xa nghìn dặm. Cho nên: Từ lúc mang gươm đi mở cõi, nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long!".

Cũng chỉ một Xuân Diệu "cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong" mới có thể "tri âm" đến cùng tận, thể hiện cái quặn nhớ thiêng liêng đến độ như một lời nguyền Bắc - Nam không gì chia cắt! Bài diễn thuyết này được Nghiệp đoàn xuất bản Bắc Bộ in xong thành sách tại Nhà in Xuân Thu vào ngày 11-10-1945, tức chỉ một ngày sau đó (đáng là Guiness về thời gian xuất bản) với tựa đề Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam. Như vậy, hầu như chắc chắn bài thơ đã được sáng tác vào năm 1940 tại sân ga Sài Gòn khi Huỳnh Văn Nghệ tiễn một ngườI bạn ra Bắc như nhiều tài liệu khác đã dẫn. Hơn thế nữa, rất có thể đó là sáng tác trước khi lánh sang Thái Lan hoạt động sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ mà ông tích cực tham gia bị thực dân Pháp ghìm trong biển máu. Vả lại, ngay từ năm 1937, ta đã thấy một Huỳnh Văn Nghệ say men Thống nhất:

Đưa tay chỉ lên trời cao trong vắt

Hai ngôi sao trong hai chòm sao Nam-Bắc

... Muốn làm sao ta có sợi dây đàn

Đem giăng thẳng nốI Nam-Bắc

thì không có lẽ nào phải 9 năm sau hừng hực men ấy mới lại bùng phát!

Vậy Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long và Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long, đâu là nguyên tác, đâu là "dị bản"? Nếu theo cái lẽ tầm nguyên thông thường là văn bản xưa nhất được coi là nguyên tác thì phải lấy câu của Xuân Diệu đã dẫn. Thế nhưng câu thứ hai không phải không có sức thuyết phục. Thực vậy, từ độ Chúa Nguyễn Hoàng "mang gươm đi mở cõi" thì bề dày lịch sử của miền Nam đất Việt chưa thể là "nghìn năm" được. Vả lại với thể biền ngẫu thì "Trời" đối với "Đất" hẳn là chỉnh hơn "nghìn năm" đối với "Đất". Nếu sự thực là như vậy thì cũng không ai có thể trách Xuân Diệu, vì ông nào đã gặp tác giả đã có sách in Nhớ Bắc để có thể hiệu đính từng từ! Huống hồ, người thi sĩ của Ngọn Quốc kỳ phải gấp rút làm tất cả những gì có thể bởi địa đầu kia của Tổ quốc đang từng khắc lâm nguy: thực dân Pháp đã xâm lăng trở lại! Dẫu vậy, không thể phủ nhận được rằng: Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bao người, nếu không muốn nói là. "Kẻ tám lạng, người nửa cân", song hành cùng nguyên tác. Không chỉ Xuân Diệu mà cả Huy Cận cha tôi, cho đến cuối đời vẫn dẫn câu thơ đó mỗi khi có dịp. Nói cách khác, nghìn năm đã có cuộc sống riêng của nó dẫu rằng Trời Nam đã là đắc địa. Vậy giải mã thế nào đây sức sống mãnh liệt ấy?

Có thể khẳng định ngay rằng: Nghìn năm tồn tại một cách đàng hoàng, vững chắc là bởi tính tượng trưng, độ mở của nó cả về thời gian lẫn không gian. Với Trời Nam thì người đọc có thể hiểu rằng từ khi Nguyễn Hoàng Nam tiến cho đến bây giờ hậu duệ của ông không lúc nào nguôi nhớ Kinh đô đất Tổ, còn với Nghìn năm thì không chỉ cho đến lúc này mà hàng nghìn, hàng vạn năm sau, mãi mãi nhớ về nguồn cội. Và điều này quan trọng hơn cả, như một lời thề son sắt. Trịnh Công Sơn chẳng đã yêu mãi ngàn năm đó sao! Lại nữa, với Trời Nam, dù muốn hay không thì khái niệm những người con xa quê cũng bị bó hẹp trong một vùng đất, một không gian nhất định. Ngược lại, phạm trù xa xứ là mở đến vô cùng và vì vậy cũng vô cùng sức tập hợp của nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long đối với tất cả những ai mang trong mình giòng giống Lạc-Hồng, dù ở chân trời hay góc bể. Có như vậy mới có thể lý giải vì sao một Lý Tường Tuấn (Ly Sang Joon), hậu duệ đời thứ 26 của Long Tường hoàng tử Nhà Lý lưu lạc đến xứ Hàn hơn 850 năm trước, mới đây đã cùng vợ với 2 con về ở hẳn tại Hà Nội. Và không chỉ ông Chủ tịch Công ty chứng khoán Bridge ấy, hầu hết 1000 người dòng họ hoàng tử Nhà Lý bên Hàn Quốc đều mong muốn được trở về tái  lập  nghiệp nơi quê Cha đất Tổ, đặng đóng góp cho Tổ quốc được nhiều hơn. Dĩ nhiên, dòng máu Việt không chỉ sôi trong ngàn người họ Lý nói tiếng Hàn ấy. Dường như vẫn còn đây trước mắt tôi một cậu bé độ 7,8 tuổi mà tôi đã gặp trên đất Pháp khoảng 20 năm về trước. Dòng máu chảy trong huyết quản cậu là một hợp lưu của nhiều dân tộc: bà nội cậu là một người Việt lai Pháp thành thân một người Nhật. Đến lượt mình, cha cậu lại lấy một cô gái mang hai dòng máu Maroc và Tuynidi. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi tôi hỏi, không phải không có ý trêu, "cháu là người nước nào?, thì không một giây ngập ngừng, đôi mắt tròn xoe như thách thức, cậu gọn ghẽ: "Cháu là ngườI Việt Nam!" (je suis vietnammien!). Ngạc nhiên hơn, không để tôi kịp hỏi vì sao thì cậu đã giải đáp với một chân lý giản dị đến không ngờ: "Bởi vì cha cháu sinh ra tại đó, Hà Nội-Việt Nam" (parceque mon père est né là: Hanoi-Viet Nam). Còn gì thấm thía hơn, Quê Cha đất Tổ là đấy, Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long là đấy!

Nếu như nguyên tác không phải là nghìn năm thì cũng đáng tìm hiểu tại sao ông Tướng họ Huỳnh lại chấp nhận "dị bản" ấy, bởi lúc sinh thời ông không một lần đính chính, không một lần "khởi kiện" dưới hình thức này hay hình thức khác việc "làm sai lệch" đứa con tinh thần của mình trên các ấn phẩm? Hỏi cũng là trả lời, bởi lẽ người tráng sĩ ấy cầm bút là chính vì quần chúng lao khổ. Còn nhớ, ngay từ năm 1937, mục đích làm thơ đã được Huỳnh Văn Nghệ rành mạch trong Mộng làm thơ:

Chàng chỉ muốn đề thơ bằng máu

Trên mây hồng cho gió rải cùng trời

Để những người đau khổ khắp nơi nơi

Ngừng than thở

Và thương nhau...

Đã vì nhân dân mà làm thơ, nghĩa là thơ không phải là mục đích tự thân, làm thơ không phải là "làm nghề" thì còn hạnh phúc nào bằng khi thơ ông được cái khối quần chúng vĩ đại ấy mở lòng đón nhận? Suy cho cùng, "dị bản" lại là chứng cớ hiển nhiên của việc Nhớ Bắc đã được "đại chúng hóa", "dân gian hóa" đến cao độ. Như đã thấy, nếu không có cái "kênh" đại chúng, dân gian ấy thì làm sao Xuân Diệu đã có thể kịp thời chuyển lời lời sắt son của người Việt miền Nam với Tổ quốc trong giờ khắc lâm nguy? Để nói rằng cái sự "lờ" đi không cải chính ấy của Huỳnh Văn Nghệ là một sự chủ động, là nhất quán với quan điểm và cuộc đời "vì nhân dân quên mình" của người chiến sĩ ấy!

Nếu năm xưa người đã khoắc khoải Chúa Nguyễn Hoàng - Người Đi Mở Cõi - thì Huỳnh quân ôi, bao người giờ lại nhớ người đây: trong những viên gạch xây nên một Thủ đô Đại Việt nghìn năm tuổi hẳn có Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long. Mong lắm câu thơ máu thịt của người Việt miền Nam ấy được nạm vào Khải hoàn môn mừng đón Vua ta Lý Công Uẩn từ nghìn xưa về lại Đất Rồng bay! 

Cù Huy Hà Vũ

Tin xem nhiều