Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 61 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2-9
Triều đình Huế trước và sau bức tối hậu thư của Việt Minh

09:09, 01/09/2006

Vào những ngày đầu tháng 8-1945, không khí ở kinh đô Huế nhộn nhịp khác thường... Những cuộc biểu tình hàng ba, bốn chục người giương cao cờ đỏ sao vàng và hô to các khẩu hiệu: "Đả đảo phát xít", "Ủng hộ Việt Minh" v.v... Chiều ngày 22-8, Việt Minh cho người leo lên Kỳ đài hạ cờ vàng của nhà vua và treo cờ đỏ Sao vàng... Khí thế cách mạng đang lên như trào dâng, thác lũ đã làm cho nhà vua vô cùng hoảng sợ...

Vào những ngày đầu tháng 8-1945, không khí ở kinh đô Huế nhộn nhịp khác thường... Những cuộc biểu tình hàng ba, bốn chục người giương cao cờ đỏ sao vàng và hô to các khẩu hiệu: "Đả đảo phát xít", "Ủng hộ Việt Minh" v.v... Chiều ngày 22-8, Việt Minh cho người leo lên Kỳ đài hạ cờ vàng của nhà vua và treo cờ đỏ Sao vàng... Khí thế cách mạng đang lên như trào dâng, thác lũ đã làm cho nhà vua vô cùng hoảng sợ...

 

Trước bức tối hậu thư của Việt Minh gửi cho mình, vua Bảo Đại không dám chần chừ, mà triệu tập gấp một cuộc họp nội các dưới quyền chủ tọa của nhà vua. Cuộc họp gồm có: Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thi. Về tối hậu thư của Việt Minh, hội nghị đồng ý chấp nhận các điều kiện của Việt Minh. Về dự thảo Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, chỉ có một ý kiến của Trần Đình Nam nên bỏ bớt bốn chữ "nồi da xáo thịt", nói "Nam Bắc phân tranh" là đủ rồi. Ý kiến đó được hội nghị tán thành. Bản dự thảo Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại được thông qua một cách nhanh chóng. Sau đó, vua Bảo Đại chỉ định ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình đến trực tiếp gặp đại diện Việt Minh trả lời sự chấp nhận 3 điểm của nhà vua mà Việt Minh đã nêu trong tối hậu thư:

1. Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược.

2. Nhà vua phải báo cho Nhật biết là Triều đình đã trao tất cả quyền bính cho chính quyền cách mạng.

3. Nhà vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng tức Việt Minh

Đêm 23-8-1945, vua Bảo Đại nhận được bức điện của Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ từ Hà Nội gửi vào: "Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà".

Những vị ký tên trong bức điện gồm có: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon - Tum và Hồ Hữu Tường.

Sáng ngày 29-8, nhân dân Huế tổ chức mit-tinh trọng thể ở sân vận động để nghênh đón phái đoàn Chính phủ cách mạng từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, gồm có: ông Trần Huy Liệu, trưởng đoàn và hai ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận.

Đúng 4 giờ chiều ngày 30-8, xe phái đoàn Chính phủ cách mạng tiến thẳng vào cửa chính giữa của Ngọ Môn, trước những tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn nhân dân nội, ngoại thành Huế.

Trong buổi lễ thoái vị của mình, Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động, có khi tắt cả tiếng:

"Hạnh phúc của dân Việt Nam, độc lập của nước Việt Nam, muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố Trẫm sẵn sàng hy sinh hết tất cả mọi phương diện và cũng vì mục đích ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc. Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22-8 vừa rồi rằng trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống mà chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng, cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao Liệt Thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên, mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong hai mươi năm mới gần gụi được quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền quốc dân lại cho một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.

Trong khi trao quyền cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều sau đây:

- Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt Thánh, Chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

- Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào quần chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ Dân chủ Cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

- Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ.

- Còn về phần riêng Trẫm, sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.

- Việt Nam độc lập muôn năm!

- Dân chủ Cộng hòa muôn năm!"

Khi Bảo Đại vừa dứt lời thì trên kỳ đài, cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên giữa những tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh. Tiếp đến, Bảo Đại đưa hai tay lên trao cho Trưởng phái đoàn đại biểu Chính phủ chiếc quốc ấn bằng vàng nặng 11,2368 kg và thanh quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm bạc.

Rồi ông Trần Huy Liệu đọc lời phát biểu tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, nhấn mạnh thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của biết bao chiến sĩ và dân chúng mấy chục năm nay và tuyên bố chấm đất vĩnh viễn chế độ quân chủ, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đoàn kết xung quanh Chính phủ để giữ vững nền độc lập cho dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân.

Hàng vạn nhân dân tham dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại vỗ tay và hô khẩu hiệu vang lên cả một góc trời: "Việt Nam độc lập muôn năm!", "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!".

Cuối cùng, theo đề nghị của Bảo Đại, ông Cù Huy Cận, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ, tặng Bảo Đại một chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng, và nói với đồng bào: "Chính phủ lâm thời gắn cho công dân Vĩnh Thụy huy hiệu cờ đỏ sao vàng, xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy".

Chỉ một ngày sau đó, ngày 31-8, Cựu hoàng Bảo Đại không những không bị chịu số phận bi đát như vua Louis XVI trong Cách mạng Pháp năm 1789 hoặc Sa hoàng Nga Nicolai II trong Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, mà còn nhận được điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời mời ra làm cố vấn tối cao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2-9, Cựu hoàng Bảo Đại lên đường ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới theo điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời.

Nguyễn Xuyến

(1)       Tạp chí Tri Tân số 203 ra ngày 6-9-1945.

Tin xem nhiều