Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 60 năm thành lập chiến khu Đ (1946- 2006)
Báo Đồng Nai mở chuyên mục: "Chiến khu Đ - một thời lừng lẫy"

09:09, 04/09/2006

Như Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã từng đánh giá: "Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của Nam bộ trên chiến trường miền Đông, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Như Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã từng đánh giá: "Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của Nam bộ trên chiến trường miền Đông, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân chiến khu Đ đã chịu đựng và vượt qua muôn vàn gian lao thử thách ác liệt của thiên tai, đói rét, bệnh tật và bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ và giữ vững căn cứ địa, góp phần làm nên truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng" và trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân thù mỗi khi chúng nhắc đến chiến khu Đ. Trong những trang vàng lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc, chiến khu Đ là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu, ý chí sắt đá, kiên cường cách mạng của quân và dân ta. Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ không ngừng được xây dựng, hoàn thiện, mở rộng, xứng đáng là một trong những căn cứ vững chắc ở miền Nam thành đồng Tổ quốc và là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, của quân và dân các tỉnh miền Đông".

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cũng cho rằng: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ luôn là niềm tự hào, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nơi ghi đậm dấu ấn về những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Đông Nam bộ. Với những thành tích anh hùng ấy, Chiến khu Đ xứng đáng là căn cứ cách mạng lớn của miền Nam thành đồng Tổ quốc, nơi uy hiếp trực tiếp sự sống còn của chế độ tay sai Sài Gòn trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Chiến khu Đ đã đi vào sử sách và đi sâu vào lòng của người dân như thiên anh hùng ca bất khuất của dân tộc".

Và để "Thiên anh hùng ca Chiến khu Đ" sống mãi cùng năm tháng không thể nào không nhắc đến những người yêu nước Việt Nam ở khắp các vùng miền của Tổ quốc đã "tụ nghĩa" dưới bóng cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản để biến Chiến khu Đ từ một "Mã Đà sơn cước anh hùng tận" trở thành "Mã Đà sơn cước anh hùng tụ". Những "anh hùng áo vải cờ đào Chiến khu Đ" nhiều lắm. Họ không chỉ là những: Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Văn Lung, Cao Văn Bổ, Lương Văn Nho, Lê Văn Ngọc, Bùi Thiện Ngộ, Bùi Cát Vũ, Võ Cương, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại, Lâm Quốc Đăng... hoặc những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà quân sự lỗi lạc được trung ương cử vào như: Nguyễn Bình, Trần Xuân Độ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Phan Trọng Tuệ, Phạm Hùng, Nguyễn Đức Thuận, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Xuyến, Trần Nam Trung, Dương Cự Tẩn... mà còn rất đông những cán bộ đảng viên, chiến sĩ bộ đội, quần chúng bình thường như: ông Ba Trợn, già làng Năm Nổi, KLư, Út Nghị... Họ vô cùng xứng đáng được ghi đậm trên trang vàng lịch sử Chiến khu Đ để mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc.

Do đó, tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Chiến khu Đ (1946 - 2006), kể từ số báo ra ngày thứ ba tuần tới, báo Đồng Nai sẽ lần lượt giới thiệu từng nhân vật tiêu biểu cho các giai đoạn và thời kỳ hình thành, phát triển Chiến khu Đ dưới chuyên mục mang tên: "Chiến khu Đ - một thời lừng lẫy".

Để chuyên mục mới mang tính "nhân vật chí của Chiến khu Đ" được phong phú, sinh động và đầy đủ, BBT báo Đồng Nai mong được sự cộng tác, cung cấp tư liệu, hình ảnh  của tất cả bạn đọc. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử, những cán bộ, đồng bào đã từng công tác, chiến đấu và sinh sống ở Chiến khu Đ.

Ban Biên tập

Tin xem nhiều