Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc "Hoa cúc ổi" hướng đến những vấn đề và nhân vật của ngày hôm nay...

09:09, 22/09/2006

Bạn đọc vừa đón nhận tập sách thứ sáu và là tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Lê Đăng Kháng, đó là cuốn Hoa cúc ổi do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Hoa cúc ổi

Bạn đọc vừa đón nhận tập sách thứ sáu và là tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Lê Đăng Kháng, đó là cuốn Hoa cúc ổi do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

 

 Nhân vật chính trong tiểu thuyết Hoa cúc ổi là Đinh Quách Đại,  một đại úy, tham mưu phó trung đoàn, đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, lại bước vào cuộc sống đời thường sau chiến tranh với nhiều trắc trở, bi kịch. Số phận tưởng đã đánh gục anh ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc sống thời bình ở một thành phố vừa mới giải phóng còn tranh tối tranh sáng, trong hoàn cảnh xã hội với một cơ chế pháp luật chưa hoàn chỉnh: hai lần vào tù ra tội vì những chuyện không đâu, do thù ghét cá nhân của một số kẻ cơ hội, tha hóa nắm cán cân pháp luật. Và chính trong môi trường tù tội ấy,  Đinh Quách Đại vẫn chứng tỏ được bản lĩnh, phẩm chất của một người lính dũng cảm. Ra tù, anh đã dần khẳng định lại mình trong công việc, từ phụ trách vườn ươm cây, rồi giám đốc xí nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở một huyện miền rừng. Và sóng gió cũng không ngừng nổi lên với anh trong môi trường công tác mới này. Nhưng lúc này đã khác những ngày đầu giải phóng  và bản lĩnh của Đinh Quách Đại - người cựu sĩ quan giải phóng ấy cũng đã khác xưa. Cùng xuất hiện làm nên mảng sáng của tác phẩm còn là những người thân, đồng chí đồng đội, những người công nhân , hàng xóm láng giềng với gia đình anh. Đó là Mai Lê, người vợ trẻ đẹp, đảm đang tháo vát, thương yêu chồng con. Là  nhà báo Đình Quang  hào hiệp, sẵn sàng xả thân vì bè bạn, luôn vun vén cho những điều tốt đẹp. Là luật sư Trịnh, một người có uy tín cao trong nghề nghiệp và đầy công tâm. Là cô tạp vụ Thùy Dung, hiền thục, đằm thắm, song không kém phần bản lĩnh. Là đại úy Hiệp, đại úy Nhiệm v.v... những cán bộ công an nghiêm khắc mà nồng ấm tình người..

Ở phía bên kia khoảng sáng là những nhân vật: có người là thủ phạm, có người là nạn nhân của cái ác, cái xấu do chính mình  gây nên. Đó là trung sĩ Kỷ, trung úy  Bảy Chiến (công an phường) vì thù ghét cá nhân  mà bắt tù một cựu sĩ quan quân giải phóng với những " tội tình" hết sức vô lý, nực cười là chỉ vì đi bán hai mươi lít xăng đồng đội cũ cho để chạy xe, vì nhận thay người thuê mặt bằng đang sản xuất thử bia lên cơn chưa kịp xin phép ủy ban phường. Cùng tiếp tay với Kỷ, Chiến và trực tiếp hai lần xử tù Đinh Quách Đại là Tạ Lẫm, thẩm phán phụ trách phiên tòa, cứng nhắc, tàn nhẫn. Là Sáu  Lực, Năm Thạch, những cán bộ quản lý, thanh tra làm việc, xử lý nghiêng về phần cảm tính, dung túng bọn cơ hội v.v...

Trong tiểu thuyết này, mạch truyện được triển khai theo trình tự thời gian, tính cách nhân vật được quan tâm khắc họa. Tác giả tỏ ra khá tinh tế trong phân tích tâm lý một số nhân vật. Đinh Quách Đại là nhân vật được khắc họa khá rõ nét với cá tính bộc trực, khẳng khái, sống có trách nhiệm, có thủy có chung. Các nhân vật phụ như Thùy Dung, Sáu Lực, Đình Quang, Hai Mão, bà Tư Hòa, bà Cầm v.v.... chỉ vài nét chấm phá cũng để lại được ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc.

Lê Đăng Kháng tỏ ra am hiểu cuộc sống thời bình của những người lính sau chiến tranh. Thông qua số phận một người lính cũ, một gia đình, anh đã góp phần phản ánh một mảng hiện thực xã hội ta thời bao cấp tiền đổi mới, nhiều trì đọng,  va vấp song không thiếu đầm ấm, chan chứa tình người. Tiếc rằng trong miêu tả cuộc sống gia đình Đại  và nhân vật Mai Lê, Lê Đăng Kháng  không đẩy đến tận cùng xung đột trước tác động của hoàn cảnh như nó vốn có trong hiện thực. Chắc chắn một Mai Lê  sống trong khuôn phép, nhẫn nại vượt lên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh một lòng chờ chồng nuôi con sẽ khác với một  Mai Lê đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức lại cùng bạn trai vượt bức tường Béc-lin sang Tây Đức tính kế định cư lâu dài. Dù cô đã về nước, về với  chồng thì tâm lý, tính cách cũng phải khác trước hoặc ít nhất cũng còn dấu vết của những biến động đã trải qua. Ở đây dường  như tác giả cố "giữ vững ổn định nội bộ" và quá yêu quí Mai Lê không nỡ để cô  phải thiếu hụt đi tình cảm yêu thương quí mến của bạn đọc cũng như  của chồng con nên đã  không đặt cô vào những hoàn cảnh thử thách như tất yếu cô phải đối mặt. Nhân vật Mai Lê dù đã được chăm chút khá kỹ song có phần còn công thức, đèm đẹp, thiếu sức thuyết phục. Mối quan hệ Đại - Dung cũng được tác giả xử lý mang tính "khuôn phép" cao. Tác phẩm sẽ thật hơn, hấp dẫn bạn đọc hơn khi tác giả  miêu tả "đúng độ" hai mối quan hệ này.

Tuy nhiên, tiểu thuyết Hoa cúc ổi vẫn là một một đóng góp đáng ghi nhận của Lê Đăng Kháng vào thành tựu của văn xuôi Đồng Nai, là thành quả của sự " thâm canh", "bắt rễ"của tác giả vào hiện thực bề bộn của miền Đông Nam bộ, đặc biệt là mảnh đất Đồng Nai nhiều gắn bó. Với chủ tâm  hướng đến những vấn đề của ngày hôm nay, nhân vật của ngày hôm nay, Lê Đăng Kháng  đang đi tìm và ở đây anh đã được chuyện trò cùng nhiều người trong số họ.

 Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều