Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ – một thời lừng lẫy
Tướng cướp rừng xanh Chín Quỳ

09:09, 25/09/2006

* Một cuộc họp Chi bộ
Chi bộ Đảng Cộng sản xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa có 5 đảng viên. Vậy mà cuộc họp chi bộ trong chòi rẫy ở Đất Cuốc vào đầu năm 1939 để bàn chỉ một vấn đề là kết nạp Chín Quỳ vào Đảng cũng có ý kiến khác nhau.

Chiến khu Đất Cuốc ở Khu 7.

* Một cuộc họp Chi bộ

 

Chi bộ Đảng Cộng sản xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa có 5 đảng viên. Vậy mà cuộc họp chi bộ trong chòi rẫy ở Đất Cuốc vào đầu năm 1939 để bàn chỉ một vấn đề là kết nạp Chín Quỳ vào Đảng cũng có ý kiến khác nhau. Mở đầu cuộc họp,    thư chi bộ Lê Văn Tôn  phát biểu:

 - Anh Chín Quỳ từ lâu đã được anh em chúng ta chú ý. Anh thuộc thành phần bần cố nông, chuyên đi ở đợ coi trâu cho Cả Chín. Chị anh Chín cũng đi ở đợ cho Cai tổng Chi ở Tân Thuận. Nhưng từ khi anh Chín được tên tư sản Hai Huỳnh nhận làm em nuôi và giao cho cai quản nhà máy ở Mỹ Lộc, tôi không theo dõi nữa. Cho tới khi Hai Huỳnh gạt em ruột là Bảy Thiên, bán nhà máy cho Huyện Hứa, Chín Quỳ bỏ nhà máy đi hoang, tôi mới biết anh Chín là người vô sản bị tư sản lợi dụng. Tôi có ý định tìm tới gần gũi tuyên truyền giác ngộ thì đùng một cái làng, quận xuống trát truy nã Chín Quỳ về tội đánh cướp nhà mát trong khu rừng cấm Tân Lợi. Bây giờ xin các đồng chí góp ý xem có nên kết nạp anh Chín hay không. Nói cụ thể, anh Chín là công nhân hay tướng cướp?

Mấy cánh tay giơ lên. Đảng viên Huỳnh Liểng nói:

- Nói gì nói, anh Chín Quỳ đã mang tiếng là tướng cướp nguy hiểm. Nếu ta kết nạp thì có hại cho uy tín của Đảng. Dân chúng sẽ hiểu lầm chúng ta, dân chúng sẽ không ủng hộ chúng ta như trước.

- Đảng viên Nguyễn Văn Chiến lớn tiếng:

- Tôi không đồng ý với anh Liểng, anh Chín Quỳ chưa hề là tướng cướp. Vì anh chưa hề cướp của dân, anh chỉ cướp tiền của bọn làm be, đám tư sản thân cận với vợ chồng chủ quận Tân Uyên. Theo tôi, cướp súng làng lính, cướp tiền đám nhà giàu  theo bọn cầm quyền không phải là ăn cướp. Chín Quỳ làm liều như vậy là vì anh bị lừa bịp, bóc lột, vắt chanh bỏ vỏ từ Cả Chín tới Hai Huỳnh. Nếu ta không gần gũi giáo dục thì sau này có thể anh ấy sẽ là tướng cướp thực thụ. Tôi xin phép chi bộ cho tôi một thời gian để tiếp cận và đưa ảnh về với mình.

Ba Cờ (Nguyễn Hồng Kỳ) vội vã tiếp lời:

- Tôi quả quyết Chín Quỳ là người tốt. Mấy ngày nay có người trong xóm tôi  gánh thịt rừng đi bán giùm ảnh. Nói là thịt hỗ giảo (thịt rừng bị cọp vồ  mà chưa kịp ăn). Như vậy anh Chín chỉ muốn sống bằng nghề thợ rừng chớ không phải muốn  làm tướng cướp. Theo tôi, đánh cướp nhà mát trong rừng cấm Tân Lợi chỉ là nhắm cây súng săn của thằng quận trưởng. Bà con nhận gánh thịt đi bán giùm ảnh là họ ủng hộ ảnh. Đáng lẽ việc này phải do chúng ta làm trước mới phải!

Bí thư Lê Văn Tôn quay lại trọng tâm vấn đề:

- Ta có nên kết nạp Chín Quỳ hay không? Sẵn có anh Năm trên tỉnh xuống, tôi xin hỏi: Anh Chín đang bị truy nã, phải ẩn náu trong rừng. Kết nạp một đồng chí tại đào có được không?

Mọi người quay về phía Năm Đen (Trương Văn Bang, nguyên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Biên Hòa). Năm Đen chậm  rãi nói:

-  Mấy hôm về đây nghe bà con kể chuyện anh Chín Quỳ, tôi thương lắm. Để anh đi vào bước đường  cùng là lỗi của chi bộ chúng ta. Chúng ta quá chú trọng tới  thành  thị  mà xao lãng thôn quê. Công tác Đảng ở thành phố là công tác nổi, khi thoái trào, bị khủng bố thì xẹp nhanh. Còn công tác ở nông thôn là công tác chìm, cứ âm thầm mà bền bỉ.  Dân làng quê rất tốt, sẵn sàng theo Đảng, ta lơ là với họ là có tội.

Lê Văn Tôn tỏ ra sốt ruột:

- Xin anh Năm phát biểu vô đề là có kết nạp anh Chín Quỳ hay không ?

- Cũng khó nghĩ đó! Trong lịch sử Đảng có những người được kết nạp trước giờ lãnh án tử hình. Cũng  có người cả đời theo giặc, nhưng vào giờ phút chót ăn năn hối cải, tự nguyện theo Đảng, họ cũng được kết nạp. Như vậy, theo tôi có thể kết nạp anh Chín Quỳ ngay lúc này, khi anh đang bị làng lính truy nã...

Bí thư Chi bộ  Lê Văn Tôn chờ cho Năm Đen nói dứt câu, đặt lên chiếu một gói giấy nhựt trình:

- Đây là gói tiền, anh Chín Quỳ cướp được trong nhà mát. Tôi đếm rồi. Đúng ba ngàn bốn trăm đồng. Nguyên văn lời anh Chín Quỳ nói với tôi như sau: "Đây là số tiền tôi lấy được của bọn cờ bạc tại nhà mát. Tôi không biết dùng nó để làm gì, xin giao lại cho chi bộ. Tôi có trích một trăm đồng cho chị  tôi trả nợ cho Cai tổng Chi  để thoát kiếp ở đợ và đi lấy chồng".

Cả bí thư Tỉnh ủy Năm Đen lẫn 5 đảng viên  trong chi bộ Mỹ Lộc lặng người khi nghe sự việc này. Đến đấy, Chín Quỳ mới xin được phát biểu:   

- Việc đóng nguyệt liễm, tôi xin cố gắng đóng đều hàng tháng. Nhưng số tiền này quá lớn, tôi không giữ được. Tôi chỉ có bộng cây để giữ tài liệu giấy má. Mà bộng cây thì mối mọt, nước mưa làm hư hỏng mục nát. Chi bằng chi bộ lấy mua súng đạn có lẽ hay hơn...

 

* "Ông Thần rừng"

 

Chín Quỳ có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Quỳ, sinh năm Ất Mẹo (1915), tại ấp Đất Cuốc, làng Tân Hòa, quận Tân Uyên. Xóm Đất Cuốc chỉ chừng 20 hộ nằm sâu trong rừng. Người dân ở đây chuyên sống với nghề đốn cây lậu hầm than. Quỳ là con trai duy nhất trong xóm được ra học trường làng Tân Hòa. Thế nhưng mới học được vài năm thì phải nghỉ học để đi ở đợ trừ nợ vì cha Quỳ bị cọp vồ chết. Mất cha, nhà Quỳ chỉ còn lại 3 người. Trong đó, mẹ Quỳ mù lòa không làm được việc gì, còn hai chị em Quỳ phải đi ở đợ để trả nợ cho mẹ cha. Quỳ coi trâu cho Cả Chín ở Tân Hòa. Chị gái Quỳ thì coi trâu cho Cai tổng Chi ở Tân Thuận. Cả hai làm công không lương ròng rã cả mười năm như thế mà chủ vẫn cho là chưa trừ hết  nợ. Chị gái của Quỳ suốt ngày lam lũ chăm sóc bầy trâu nên tuổi hơn ba mươi  vẫn không có người ngó ngàng đến. Riêng Quỳ, ngoài chăn trâu cắt cỏ  còn rất giỏi trong việc lấy củi, đốn cây và sớm nổi danh là "ông thần rừng". Cả một vùng rừng núi từ Đất Cuốc  đến Tân Hòa, Tân Lợi, Mỹ Lộc, Tân Tịch... không nơi nào chàng trai này chưa mò đến. Do đó, khi Hai Huỳnh đứng ra tổ chức khai khẩn đất sét trắng để bán cho các lò gốm ở Lái Thiêu, thì Quỳ lọt vào đôi mắt hám tiền của tên nhà giàu này. Hắn ta kêu Quỳ đến và cho biết anh là "bà con một đầu ông" của mình và bỏ tiền ra để chuộc thằng em thất lạc đang ở đợ cho Cả Chín. Quỳ được  anh nuôi Hai Huỳnh giao quản lý cái nhà máy xay. Nhưng công việc được Hai Huỳnh "nhờ  chú Chín làm giùm..." là vào tận khu Núi Én để khai thác gỗ lậu cất nhà cho Hai Huỳnh. Chín Quỳ chỉ nhận rõ được bộ mặt tham lam, quỷ quyệt của người anh nuôi khi anh đang vào tận rừng sâu để tìm danh mộc cất nhà cho vợ nhỏ Hai Huỳnh khi nghe tin mẹ mình chết mà vẫn không về được vì người anh kết nghĩa nhắn vào: "Một lần đi một lần khó, em ráng nán lại trên đó đốn cho xong bộ cột với rui mè. Ở dưới này mọi việc đã có anh lo!". Từ lâu  Quỳ đã tâm sự với bè bạn: "Nếu không còn bà mẹ với người chị thì tôi đã trốn đi giang hồ rồi!". Nên sau sự kiện bị Hai Huỳnh lợi dụng, Chín Quỳ đã rời bỏ Đất Cuốc ra đi. Đây cũng là ngày mà người bạn gái thời cùng học trường làng của Quỳ là Chiêm  kết hôn với tên Cường vừa được ban hương chức hội tề đưa lên giữ chức hương quản...

 

* Tướng cướp rừng xanh   

 

Vụ "gây án" đầu tiên của Chín Quỳ là một thân một mình đột nhập vào nhà mát nằm kín đáo trong khu rừng cấm Tân Lợi cướp  khẩu súng trường của lính gác để  hốt sạch tiền đám quan khách của hai vợ chồng chủ quán Tân Uyên đang mải mê sát phạt nhau. Hôm sau, nhân viên điều tra, lính kín, điềm chỉ trong quận được tung về  các làng Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch  để "ăn - kết" về tên cướp rừng xanh táo bạo. Và trát truy nã Chín Quỳ được dán khắp Tân Uyên. Cáo thị nêu rõ: Số tiền thưởng  là một trăm đồng cho cây súng, năm trăm đồng cho ai điềm chỉ nơi ẩn náu và một ngàn đồng cho ai bắt sống được tên cướp Chín Quỳ đặc biệt nguy hiểm này.  Bị truy nã như vậy nhưng càng ngày có nhiều thanh niên ở Tân Uyên trốn vào rừng tham gia vào băng cướp của Chín Quỳ. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, Pháp ra tay khủng bố trắng những cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Tướng cướp rừng xanh Chín Quỳ cũng trở thành một đối tượng đặc biệt nguy hiểm cần phải diệt. Nhưng được đồng bào chở che, đùm bọc, băng cướp Chín Quỳ vẫn làm cho bọn nhà giàu bất chính, bọn quan chức tay sai Pháp ăn không  ngon, ngủ không yên. Quận trưởng Tân Uyên ra lệnh cấm rừng, mật thám Biên Hòa  đưa cả tiểu đội vũ trang về Mỹ Lộc, càn rừng đốt bất cứ thứ gì có dấu vết con người mà chúng gặp, nhưng cũng chẳng làm gì được Chín Quỳ. Năm 1943, chủ tỉnh Biên Hòa  quyết định đưa Bảy Tăng  - một tên lính kín nổi danh của cả miền Đông, chỉ huy một trung đội xung kích về Tân Uyên để tảo thanh tướng  cướp rừng xanh Chín Quỳ. Sau khi trinh sát biết được băng cướp  Chín Quỳ đang trú ngụ ở Hóc Bà Sầm, Bảy Tăng cho thám sát bám chặt và vào lúc nửa đêm bất ngờ tung cả trung đội xung kích rất thiện nghệ  bí mật vào vòng tử địa  do Chín Quỳ tổ chức phục kích. Ngay loạt đạn đầu, 5 tên lính xung kích bỏ mạng, cả  trung đội rối loạn đội hình, tháo chạy. Bên Chín Quỳ, đồng chí Huỳnh Liểng  - Bí thư  chi bộ xã Mỹ Lộc  trúng đạn hy sinh. Tướng cướp rừng  xanh Chín Quỳ chính thức được bầu làm chỉ huy đội du kích Mỹ Lộc.

 

* Góp mặt từ đầu xây dựng Chiến khu Đ

 

Đầu tháng  11-1945, được Tám Nghệ và Chín Quỳ hướng dẫn nghiên cứu thực địa, phái viên quân sự trung ương Nguyễn Bình đã thống nhất chọn khu vực Lạc An để  lập  căn cứ cho toàn khu. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa  quyết định thành lập ban sản sanh - địa hình và giao cho Chín Quỳ phụ trách.

Trong hồi ký, đoạn viết về Chiến khu Đ năm 1946 bị Pháp mở nhiều cuộc tấn công lớn, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cho biết: Trong tình hình Pháp tung biệt kích vào ruột, phong tỏa gắt gao các đường tiếp tế vào chiến khu và ngày nào  ở vùng tạm chiếm cũng như ven căn cứ Chiến khu Đ đều có đồng bào bị chặt đầu cắm cọc, chiến sĩ, liên lạc bị bắt sống mổ bụng ... thì phải nhận rằng chỗ dựa lớn  về tinh thần và đời sống của các cơ quan trong rừng sâu Chiến khu Đ là anh Chín Quỳ. Anh quả thật là chúa sơn lâm, xuất quỷ nhập thần... Anh chỉ đến một mình với khẩu súng 2 nòng và một con rựa, bất kể sớm - trưa - chiều - tối ... Chưa đến đã nghe tiếng anh oang oang, làm cho người phón nhất cũng thở phào.  Anh hùng Nguyễn Trọng Tâm (tức Bảy BK), người đã xây dựng cơ sở đầu tiên cho phong trào binh vận miền Đông Nam bộ và cũng là người lãnh đạo cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp lịch sử đã cho rằng: "Tin ông Chín Quỳ còn ở rừng Chiến khu Đ  càng nung nấu thêm quyết tâm vượt ngục của chúng tôi. Còn ông Chín Quỳ tức là còn căn cứ địa!".

Khi liên Tỉnh ủy miền Đông đặt căn cứ ở Chiến  khu Đ. Chín Quỳ lại cùng Lâm Quốc Đăng, Lê Thanh, Hồng Sơn... dò từng cụm rừng và quy hoạch việc xây dựng các cơ quan  dân chính Đảng, kho tàng, hào chiến đấu, chốt giao liên, trinh sát bảo vệ căn cứ.  Từng địa danh  như Bà Hào,  Bàu Phụng, Bàu Sình, Bà Đã, Hiếu Liêm, Mã Đà, Vên Vên, Bằng Lăng, Rang Rang... đều có dấu chân của đảng viên Nguyễn Văn Quỳ - người một thời là tướng cướp rừng xanh, ngang dọc khắp rừng núi Chiến khu Đ. Và cũng chính núi rừng Chiến khu Đ đã ôm ấp xác thân của người chiến sĩ cộng sản Chín Quỳ trung kiên trong những ngày đồng đội ông rầm rập bước vào cuộc  tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều