Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến khu Đ – một thời lừng lẫy
Nguyễn Bình với những ngày đầu thành lập chiến khu

09:09, 11/09/2006

Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã ghi nhận một sự kiện vô cùng độc đáo. Với sắc lệnh số 125-SL ngày 25-1-1948, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm cấp tướng cho 11 cán bộ quân đội. Người được phong quân hàm cao nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đứng thứ hai với hàm Trung tướng là Nguyễn Bình đang chỉ huy ở chiến trường Nam bộ. Năm 2000, Trung tướng Nguyễn Bình được Đảng và Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Bình

Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã ghi nhận một sự kiện vô cùng độc đáo. Với sắc lệnh số 125-SL ngày 25-1-1948, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm cấp tướng cho 11 cán bộ quân đội. Người được phong quân hàm cao nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đứng thứ hai với hàm Trung tướng là Nguyễn Bình đang chỉ huy ở chiến trường Nam bộ. Năm 2000, Trung tướng Nguyễn Bình được Đảng và Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thượng tá Hồ Sĩ Thành- cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự Quân khu 7 trong công trình biên soạn mang tên "Chiến khu Đ" được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, cho rằng: "Trong quá trình hoạt động, khu trưởng Nguyễn Bình đã đóng góp nhiều công sức cho chiến khu Đ".

 

* Vị tư lệnh chiến khu Đông Triều

 

Cái tin ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng tái chiếm Nam bộ, đồng bào miền Nam đều nhất tề, đứng lên kháng chiến đã làm cho cả miền Bắc xốn xang. Tư lệnh Đệ tứ Quân khu Nguyễn Bình được tức tốc triệu vào Bắc bộ phủ để gặp Bác Hồ và ngay sau đó nhận chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh và Bộ Quốc phòng là vào Nam để thực hiện sứ mệnh thống nhất các lực lượng vũ trang, giáo phái lại để chung sức, chung lòng đánh đuổi quân xâm lược. Nhiệm vụ rất là nặng nề, như lời căn dặn của Bác Hồ: "Tình hình trong đó (miền Nam) như nước sôi lửa bỏng. Bác nghĩ rằng các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một chỉ huy có tài năng để tập hợp các bộ đội địa phương lại, nếu không sẽ có thể xảy ra nạn thập nhị sứ quân rất tai hại trong lúc này. Người chỉ huy đó phải là người đã biết rõ miền Nam, lại phải là một người có đủ bản lĩnh thu hút những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên... Chú có đủ điều kiện nói trên. Chú đã sống trong Nam, am hiểu nhiều loại người. Không ai xứng đáng hơn chú để lãnh trọng trách tập họp các giáo phái trong Nam để đương đầu với địch..." đã làm cho ông Tư lệnh Quân khu 37 tuổi uy quyền khắp một cõi duyên hải Bắc bộ bao gồm các tỉnh từ Hải Dương lên đến tận Móng Cái, Lạng Sơn (trước đây gọi là chiến khu Đông Triều) phải vội vã bàn giao công việc, tức tốc một thân một mình vào Nam với chỉ tấm giấy giới thiệu là đặc phái viên Bộ tổng với chữ ký của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Đúng như lời Bác Hồ nói, miền Nam đối với Nguyễn Bình không hề xa lạ. Nguyễn Bình đã có đến 8 năm sống ở miền Nam với đủ mọi hạng người. Và Nam kỳ chính là nơi mà chàng trai 17 tuổi Nguyễn Phương Thảo đang học năm thứ hai ở Trường trung học Hải Phòng đã nổi máu giang hồ bỏ nhà theo con tàu Pelican vào tìm đất dụng võ. Giao du và chung đụng với đủ loại người, chàng thanh niên Hải Phòng Nguyễn Phương Thảo đã kết thân với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương, nhà báo Trần Huy Liệu... Tinh thần yêu nước đã làm cho Nguyễn Phương Thảo trở thành một đảng viên tích cực của Việt Nam Quốc dân Đảng. Bị thực dân Pháp bắt đày ra côn đảo và có dịp tiếp xúc với tù nhân chính trị là cộng sản, Nguyễn Phương Thảo bắt đầu "ngộ" ra là chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể thực sự giải phóng được xiềng xích áp bức bóc lột của người dân thuộc địa Việt Nam nên ngài trưởng ban cảnh bộ về tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng đã phát biểu chính kiến của mình và bị các đồng chí của ông kết tội là... "phản Đảng". Nguyễn Phương Thảo đã phải trả giá cho tội này bằng một con mắt bị đâm.

Mãn hạn tù Côn Đảo, Phạm Phương Thảo bị trục xuất về nguyên quán. Vào giữa năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, thấy không thể ngồi yên ở làng bần Yên Phú, Phạm Phương Thảo đi tìm Trần Huy Liệu. Xứ ủy Bắc kỳ liền điều động Phạm Phương Thảo (lúc này đổi tên thành Nguyễn Bình) vào công tác binh vận với nhiệm vụ tổ chức mua sắm vũ khí của đám thủy thủ trên các tàu hải quân Pháp ở cảng Hải Phòng. Công việc thành công, chiến khu Đông Triều được trang bị nhiều vũ khí tối tân. Và chùa Bắc Mã trở thành tổng hành dinh quân giải phóng chiến khu Đông Triều. Nguyễn Bình được giao vận động các nhà sư lập đội võ trang tuyên truyền. Khi Nhật đảo chính Pháp, binh lính ở Đông Triều án binh bất động, 54 làng trong huyện nhanh chóng lập ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Phát huy khí thế, chiến khu Đông Triều mở rộng ra các vùng lân cận và đổi tên thành chiến khu Trần Hưng Đạo. Lực lượng võ trang trong chiến khu lên đến 4 đại đội với 400 tay súng. Tên tuổi của Nguyễn Bình vang lừng với những trận chỉ huy đánh vào tỉnh lỵ Quảng Yên. Tiếp đó là yểm trợ cuộc khởi nghĩa Hải Phòng, trực tiếp giải phóng Tiên Yên, Ba Chẻ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà...

 

* Chuyên trước tiên là xây dựng chiến khu

 

Liên tiếp trong 3 ngày 23, 24 và 25-10-1945, Tây đánh chiếm Biên Hòa. Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) chạy về Tân Uyên gặp lại tướng cướp rừng xanh Chín Quỳ tập hợp lực lượng được 40 dân quân với 30 khẩu súng. Vài hôm sau, Ba Bổ (Cao Văn Bổ) cũng kéo quân về. Tám Nghệ được giao làm chỉ huy đưa toàn bộ lực lượng vũ trang về Tân Tịch, Đất Cuốc xây dựng căn cứ theo như sự chỉ đạo của Sáu Giàu (Trần Văn Giàu), Chủ tịch Lâm ủy hành chính Nam bộ. Với một nhãn quan chính trị, quân sự đặc biệt từ những ngày vừa cướp chính quyền ở Sài Gòn, Sáu Giàu đã căn dặn Tám Nghệ hãy gấp rút trở về Tân Uyên và "xây dựng Tân Uyên thành căn cứ vững chắc vì có ngày ta cần có nơi dưỡng quân, thuận tiện cho việc phản công đánh chiếm Sài Gòn mà cũng thuận tiện  cho  việc rút quân thẳng tới ba biên giới theo đường 14".

Nhưng rồi Tân Uyên cũng thất thủ như Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Sau ba ngày cầm cự, dân quân du kích Tân Uyên rút vô rừng. Thế là dốc Bà Nghiêm cách xã Tân Hòa chừng năm ngàn mét trở thành đại bản doanh của lực lượng kháng chiến Tân Uyên.

Một sáng đầu tháng 11-1945, liên lạc đưa vào dốc Bà Nghiêm gặp chỉ huy lực lượng dân quân Tân Uyên một người đàn ông đi ngựa, mặc quân phục đen, đầu đội nón cối, mắt đeo kính đen, lưng mang sắc cốt da dầy cộm. Đó là Nguyễn Bình - phái viên quân sự của Trung ương. Nguyễn Bình cho biết là ông đã vào Nam theo ngả Tây Nguyên nên tới Thủ Dầu Một trước. Và ông đã tới Lộc Ninh theo đường 13 xuống Hớn Quản, thị xã Phú Cường và theo đường 16 qua đây. Sau khi nhìn quanh dốc Bà Nghiêm, Nguyễn Bình gật gù nói với Tám Nghệ: "Đồng chí chọn nơi đây làm bản doanh là rất tốt. Trên đồi cao ta nhìn thấy cả một vùng phía dưới đồng Tân Hòa, Mỹ Lộc, con sông Đồng Nai và xa hơn nữa là thị trấn Tân Uyên...". Tám Nghệ không giấu nổi sự ngạc nhiên trước sự hiểu biết một cách rành mạch về địa hình, địa vật và cả địa danh của vùng đất quê hương ông của ông phái viên quân sự Trung ương mới chân ướt chân ráo vào Nam. Nguyễn Bình thủng thẳng nói thêm: "Thị xã bị chiếm đóng, bộ đội tản vô rừng. Cũng như ở đây thôi. Cái chính là ta nên chọn một nơi hiểm yếu để lập căn cứ. Có thể thủ lẫn công. Như hổ ở hang vậy, phải xây dựng căn cứ đồng chí ạ. Cần thiết số một..." Và cùng với Tám Nghệ đi một vòng qua dốc Bà Nghiêm, vị tư lệnh chiến khu Đông Triều nổi tiếng miền Bắc vừa phân tích: "Từ Lộc Ninh về đây, tôi thấy rừng xanh nối tiếp rừng xanh, cánh rừng già gần như nguyên thủy thật là hùng vĩ và thơ mộng. Nhưng muốn lập căn cứ, phải là nơi hiểm trở núi rừng, lại phải có đồng ruộng, dân cư để thành một khối liên hoàn, vừa có dân sản xuất nuôi quân, vừa có địa thế công thủ, có sông dài, suối trong vì nước là yếu tố số một của sự sống. Tới đây, thấy con sông Đồng Nai, tôi chọn ngay".

Và hôm sau cùng với Chín Quỳ, Tám Nghệ, Nguyễn Bình đã mỗi người một ngựa làm cuộc khảo sát khắp các khu rừng. Ngay tối đó, Nguyễn Bình lại họp bàn cùng Tám Nghệ: "Chúng ta đã đi giáp vòng khu rừng rộng năm làng và chọn được một vài nơi. Theo mình, căn cứ phải làm nơi hiểm trở, địch khó vô và nhất là khó ra. Thứ hai, nơi đó phải là ngọn đồi để từ trên cao điểm ta có cái nhìn tổng quát, nắm được thế trận. Thứ ba, phải có suối để giải quyết nước ăn và nước tưới tiêu. Thứ nữa, tuy đề ra sau nhưng rất quan trọng là nơi đó phải có dân. Chúng ta không thể đóng quân nơi không có dân. Dân là tai mắt, là vòng tay bảo vệ, là tình yêu thương...".

Và phái viên quân sự Trung ương Nguyễn Bình cho biết ông đã chọn được 3 nơi: "Thứ nhất, Bưng Kè vì đây là nơi có đủ yếu tố tôi vừa nêu lên. Ở đây có vị trí hiểm trở, ở giữa rừng, cách sông Đồng Nai năm ngàn mét, giáp với các xã Thường Lang, Tân Tịch, Mỹ Lộc. Thứ hai, nơi đó có mấy ngọn đồi, từ đó ta có thể kiểm soát địch từ sông đổ bộ lên. Bưng Kè lại có suối và nhiều mảnh ruộng lúa xen kẽ với rừng chồi. Và sau cùng là có xóm ấp chừng vài chục mái nhà. Kế đó là Đất Cuốc, nhưng nhược điểm của nó là đất cằn cỗi, dân quá nghèo, chỉ là địa điểm tạm bợ chớ không vĩnh viễn như Bưng Kè. Thứ ba là Bến Vịnh trên Lạc An. Nơi đây có sẵn cơ sở của một sở cao su. Địa điểm thật hiểm trở vì ở ngay vàm con sông Bé chảy ra sông Đồng Nai, khúc này có nhiều đá bàn. Tàu chiến địch chắc chắn không dám ngược dòng Đồng Nai để liều lĩnh chạy qua các tảng đá hàn".

Nguyễn Bình đã chọn cả ba nơi này để đặt bản doanh và hình thành cả một chiến khu liên hoàn rộng lớn sau đó. Nhưng Bến Vịnh là nơi đầu tiên Nguyễn Bình cho tu sửa đặt văn phòng làm việc. Chính nơi đây, bản thông cáo số 1 đã ra đời và được dán khắp vùng Tân Uyên. Nội dung như sau: "Tôi là Nguyễn Bình, phái viên quân sự Trung ương được Bác Hồ và Bộ tổng phái vào Nam với nhiệm vụ giữ vững miền Nam. Thành phố Hải Phòng tặng tôi khẩu súng Wicker để tự vệ. Nay tôi xin thề cùng đồng bào cả nước: Nam bộ còn, Nguyễn Bình còn; Nam bộ mất, Nguyễn Bình mất. Xin đồng bào hãy cùng quân giải phóng chúng tôi giữ vững miền Nam thân yêu của chúng ta.

Chiến khu Đ cuối năm 1945"

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều