Ở xứ Đồng Nai, cùng với Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn là tên tuổi lớn. Sự ra đi của nhà văn (nhà văn qua đời vào ngày 12-5-2006) đã để lại trong đời sống văn học - nghệ thuật ở Đồng Nai một khoảng trống, khó có thể lấp đầy. Mỗi người có cách nghĩ riêng về nhà văn... Nhân 100 ngày mất của ông, Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức cuộc tọa đàm "Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Văn Bổn". Báo Đồng Nai xin giới thiệu bài viết của anh Bùi Quang Huy về nhà văn.
Ở xứ Đồng Nai, cùng với Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn là tên tuổi lớn. Sự ra đi của nhà văn (nhà văn qua đời vào ngày
* Hoàng Văn Bổn- một người hiền
Cái tính hiền ấy như lấn át tất cả nơi ông. Khi nóng giận, căm ghét, bực bội, Hoàng Văn Bổn - theo lẽ thường, to tiếng, cao giọng. Nhưng trong cái tiếng to, cái giọng cao rất thi thoảng ấy, Hoàng Văn Bổn đã bộc lộ thành nỗi thiết tha như kêu gọi, khẩn cầu hơn là trút đi cơn nóng giận.
Đó là những lúc Hoàng Văn Bổn có thể "không hiền", nhưng chỉ là như thế.
Còn bình thường, ông hiền hơn chúng ta tưởng, - xin lỗi, cái tính hiền của ông khiến chúng ta, những người gần gũi ông, thấy bực. Vì thông thường, ông chỉ nghe những gì người khác nói... Đấy là nói cái tính hiền của ông Hoàng Văn Bổn trong đời.
Cái tính hiền ấy ở ngay trong văn của Hoàng Văn Bổn. Nó hiện lên thành hai thái cực. Với những người - đương nhiên là nhân vật - Hoàng Văn Bổn ghét, ông trút cơn giận của ông, của mọi người, của nhân dân, của dân tộc vào đấy. Với những người ông thương, ví như Bình, như Cúc... trong Lũ chúng tôi, ông thương và đem biết bao ân tình tha thiết để gửi gắm nơi họ.
Cái tính hiền ấy hiện ra trong ngôn ngữ của nhà văn. Nó chân thành, thiết tha, nồng nhiệt. Nó tuôn chảy, dữ dội như thác nguồn, lũ cuốn. Trong câu văn, đoạn văn và cả trong một tác phẩm của Hoàng Văn Bổn thường rất hiếm có khoảng trống / khoảng lặng về ngôn từ, về ngữ nghĩa. Chúng đã được người viết lấp đầy.
Trong lý luận văn chương hiện đại, người ta gọi đó là biểu hiện của một quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Nó hình thành từ tâm hồn, nhân cách, từ tài năng của nhà văn và dẫn dắt nhà văn nhìn ngắm, suy tưởng về cuộc đời, về con người. Nó cũng giúp chúng ta cắt nghĩa được những điều tưởng như rất vô lý ở văn chương.
* Hoàng Văn Bổn- nhà văn Đồng Nai
Nghĩ về Hoàng Văn Bổn, lâu nay, tôi luôn nghĩ ông là một nhà văn Đồng Nai.
Ở đây, "nhà văn Đồng Nai" không được hiểu trong nghĩa so sánh với nhà văn khu vực, nhà văn trung ương như có người từng phân định rạch ròi và rất đỗi tự hào.
Nói tới "nhà văn" thật ngớ ngẩn khi đưa ra một khái niệm để phân định thứ bậc theo kiểu hội hè, dù là hội gì đi nữa, bởi đó chưa bao giờ là một thước đo giá trị.
Nói nhà văn Đồng Nai là nói tới một phẩm chất.
Mỗi nhà văn đều thuộc về một quê hương, xứ sở của riêng mình. Quê hương ấy không chỉ là nơi anh đã sinh ra, lớn lên - tức môi trường hữu hình mà nhà văn ra đời và trưởng thành. Quê hương đối với nhà văn là nơi sâu thẳm trong tâm hồn, là máu huyết trong tim và khi sáng tác, cho dù anh đang xa quê, từng con chữ vẫn mang hồn của xứ sở đó.
Quê hương đối với nhà văn Hoàng Văn Bổn là như thế. Dĩ nhiên, sáng tác của ông, hơn 50 tác phẩm, đều viết về quê hương. Song, chúng hiện hình đâu chỉ ở những con số, những danh xưng, ở những con người bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rạch ròi phân minh. Chúng ẩn tàng trong mỗi cách nói, trong từng câu chữ của nhà văn.
Ước mong, mỗi quê hương trên đất nước ta có được những nhà văn như thế. Và, khó biết bao, sau những Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn, Đồng Nai đến bao giờ lại có thêm một "nhà văn Đồng Nai", cho dù đã có không ít người rất cố gắng làm điều ấy. Đó là quy luật bí ẩn của sáng tạo nghệ thuật. Nó nằm ngoài quy luật của vật lý, của hóa học, của sự dụng công. Bởi đó là quy luật của tâm hồn. Quê hương đã cho Hoàng Văn Bổn điều mà chúng ta không có. Và, ông đã luôn sống với quê hương bằng cả tâm hồn, ký ức. Phải chăng, vì thế, Hoàng Văn Bổn luôn viết về quê hương của ông thời xưa cũ, những năm 1945-1954. Phải chăng vì thế khi rời xa mảnh đất này, Hoàng Văn Bổn rất khó thành công? Và, phải chăng ông ít nói trong những lần trò chuyện? Nhà văn đã sống với ký ức nhiều hơn là hiện tại...
* Nghĩ về Hoàng Văn Bổn, khi giả sử không có Hoàng Văn Bổn...
Bốn nhà văn, nhà thơ xứ Đồng Nai: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn, mỗi người có một vị trí đáng để ta yêu quý, kính trọng.
Huỳnh Văn Nghệ là người đã viết lịch sử quê hương của mình bằng máu lệ. Ở ông, luôn gợi cho hình ảnh về người tráng sĩ về một thời đã mất, mang vẻ đẹp hào quang, đạp trên đất bằng nội cỏ, coi khinh sóng trào gió cả.
Bình Nguyên Lộc sừng sững một đời văn và trước thuật. Sức viết của Bình Nguyên Lộc như là sự thách đố với những người cầm bút. Chưa đến 60 tuổi, ông đã viết trên 1000 truyện ngắn. Những công trình nghiên cứu của Bình Nguyên Lộc đến năm ngoài sáu mươi hơn cả sức của một viện nghiên cứu phải làm trong nhiều năm.
Lý Văn Sâm mê mải giang hồ, nhưng ý thức rất sâu, rất cao về thân phận và thiên chức của người trí thức.
Còn Hoàng Văn Bổn?
Giả sử không có ông. Ngoài những cuốn lịch sử khô khan (tuy rất quý giá) và những nhân chứng, rồi đến một ngày sẽ không còn, ta biết gì về Đồng Nai những năm tháng ấy? Mà những cái ta cần biết không chỉ là những con số, những sự kiện. Ta cần biết, ta cần hiểu, đó chính là tâm hồn, là số phận của nhân dân một thời - những thứ sẽ vĩnh viễn mất đi trước sự lạnh lùng và thản nhiên của thời gian. Hoàng Văn Bổn đã làm được điều ấy, tuy chưa phải là tất cả. Có người đã từng thắc mắc vì sao Hoàng Văn Bổn cứ viết hoài về cái làng Bình Long nho nhỏ của ông, về những con người của những năm tháng ấy. Tôi tin, nếu trời cho sống thêm vài chục năm nữa, ông Hoàng Văn Bổn cũng sẽ viết như thế.
Cái khát vọng lớn lao của nhà văn là nói bằng hết, là nói mãi về quê hương mình. Hoàng Văn Bổn rất sợ mình nói chưa hết, nói không xong và cũng rất sợ người đời không biết, không hiểu về quê hương ông. Có những nhà văn, trong sáng tác, luôn tìm cách ẩn mình, nói như Chế Lan Viên: Bài thơ anh, anh chỉ làm một nửa mà thôi / Còn một nửa để mùa thu làm lấy... Hoàng Văn Bổn không phải không biết điều đó, nhưng cái khát vọng kia cứ lấn át. Thành ra, ngay trong nhân vật của Hoàng Văn Bổn cũng không bao giờ có loại lập lờ, hay khôn khéo đến độ người khác không hiểu. Trái lại, nó phơi mình ra trước cuộc đời. Người hiền cũng vậy. Kẻ ác cũng thế.
Mỗi khi nghĩ về nhà văn Hoàng Văn Bổn, tôi lại nhớ tới hình ảnh lúc ông đang ngồi nghe chuyện và ít nói đến thầm lặng. Ngày ông còn sống, tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương và có phần nào như bất lực của một ông già dành cho một đứa trẻ. Giờ ông không còn nữa, tôi giật mình nghĩ lại: Mình hiểu nhà văn được gì? Trong cái im lặng ấy, có bao nhiêu là suy nghĩ mà ông không nói ra. Biết đâu, trong đó lại có cái cười cho sự ngây thơ, lầm lạc của mình. Song, tính ông hiền, ông không muốn người khác đau lòng. Và biết đâu, hôm nay, trong chốn xa xôi của những người hiền, khi nghe những lời huyên thuyên vừa rồi của tôi, ông đã cười thành tiếng về sự hình dung của tôi đối với ông.
Được như thế, tôi quả là người hạnh phúc.
Biên Hòa, tháng 8 năm 2006
Bùi Quang Huy