Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà tư sản trở thành Chủ tịch UBND đầu tiên của quận Châu Thành

10:08, 18/08/2006

Theo lịch sử Đảng bộ TP. Biên Hòa, vào giữa năm 1941, phát xít Nhật đổ bộ lên một số tỉnh ở Nam bộ. Cũng như đồng bào trong cả nước, nhân dân thị xã Biên Hòa lâm vào cảnh "một cổ hai tròng". Tình hình kinh tế - xã hội ở Biên Hòa vô cùng bi đát. Thực dân Pháp và phát xít Nhật thi nhau vơ vét, bóc lột nhân dân ta tàn tệ, đẩy cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động đi đến chốn bần cùng, tăm tối.

Theo lịch sử Đảng bộ TP. Biên Hòa, vào giữa năm 1941, phát xít Nhật đổ bộ lên một số tỉnh ở Nam bộ. Cũng như đồng bào trong cả nước, nhân dân thị xã Biên Hòa lâm vào cảnh "một cổ hai tròng". Tình hình kinh tế - xã hội ở Biên Hòa  vô cùng bi đát. Thực dân Pháp và phát xít Nhật thi nhau vơ vét, bóc lột nhân dân ta tàn tệ, đẩy cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động đi đến chốn bần cùng, tăm tối.

 

Trong bối cảnh đó, tại làng Bến Cá thuộc xã Bình Phước, quận Châu Thành (nay thuộc địa bàn xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) vẫn có một nhà thầu lâm sản làm ăn hết sức bề thế. Ngoài làm be, nhà thầu này còn có cả dãy phố lên đến mấy chục căn, mở tiệm may, bán xe đạp, bán đồ triệu phúng đám tang... Cả một vùng từ Bình Hòa, Bình Phước đến Bình Ý, bọn làng lính, mã tà (cảnh sát thuộc địa Pháp), ngay cả tên Tổng Đạm nổi tiếng ác ôn cũng rất nể phục ông chủ thầu mới hơn ba mươi tuổi với trình độ lớp nhất này. Mọi người đều kính cẩn gọi nhà thầu này là "ông Ba Long". Và, điều hết sức bất ngờ là sau ngày Biên Hòa giành được chính quyền về tay nhân dân, ông chủ thầu Ba Long bỗng chốc trở thành ông Chủ tịch UBND quận Châu Thành!

Chân dung ông Ba Long (Trần Văn Long), nguyên Chủ tịch UBND quận Chân Thành.

 

* Nơi gặp gỡ của những người... làm quốc sự!

 

Ông "chủ quận" Châu Thành đầu tiên của cách mạng có tên đầy đủ là Trần Văn Long, sinh năm 1907 tại làng Bến Cá. Con trai ông cựu Chủ tịch UBND  quận Châu Thành Ba Long là Ba Triều (tự Trần Quốc Thanh, có bí danh là Trần Hải), năm nay 76 tuổi vẫn còn hết sức minh mẫn nhớ lại: "Khoảng năm học lớp 3 mới 10 tuổi, tôi đã sớm ý thức về sự không bình thường của một số chú thỉnh thoảng xuất hiện trong nhà ngồi rù rì cả buổi với ba tôi, trong đó có chú Tư Phan (đảng viên Huỳnh Văn Phan), một thợ mộc chuyên tiện chưng (chân) đèn ở Tân Triều. Đặc biệt là chú Năm Đen (theo như đảng viên Lê Thị Trừ kể lại thì Năm Đen chính là tên thường gọi của đồng chí Trương Văn Bang, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1933-1935) được liên Tỉnh ủy miền Đông cử về Biên Hòa để xây dựng cơ sở Đảng) vẽ bảng tiệm may có hình cô gái mặc áo dài rất đẹp. Nhưng rất lạ là chú vẽ xong rồi bôi, bôi rồi vẽ lại cả tháng trời không xong làm cho tôi bắt đầu chú ý. Năm sau nữa thì có người lạ mặt rất được ba tôi và mấy chú tỏ vẻ kính nể. Mấy chú bảo tôi gọi người đàn ông mảnh khảnh, cao ráo này là bác Sáu. Sau này tôi mới biết đây là đồng chí Trần Văn Giàu vừa vượt ngục Tà Lài ra... Những "cuộc rù rì" của những người làm "quốc sự" này, tôi thường được phân công gác và có lúc còn được cử đi mời các chú Ba Thuận (Phạm Văn Thuận), Sáu Đại (Hồ Văn Đại)...".

Ông Ba Triều kể, vào tháng 7-1945, sau cuộc họp tại chùa Tân Mai do đồng chí Hà Huy Giáp, đại diện Xứ ủy Nam kỳ phổ biến chủ trương gấp rút phát triển lực lượng cách mạng, cả chính trị và vũ trang, để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, thì tại nhà ông cũng có một buổi họp mà vẻ mặt của ai cũng đầy vẻ căng thẳng nhưng phấn chấn. Và chỉ vài hôm sau thì thấy có người đem cả bao cà ròn chai limonat đến (đây là một loại chai nước ngọt có ga của Pháp, trên cổ họng chai có viên đạn giữ nước không chảy ra, được một số cán bộ cách mạng dùng khí đá đổ vào khi quăng sẽ gây nổ văng miểng chai có khả năng sát thương gọi là lựu đạn tự chế). Rồi ở cái lò rèn tại nhà vòm xã Bình Ý (cạnh nhà đồng chí Phạm Văn Thuận), cảnh rèn dao ba nha (dao găm) cũng diễn ra một cách khẩn trương. Loại dao ngắn này cũng được rèn cả bao vác đến kho nhà ông Ba Long. Ông Ba Triều nhớ lại không khí bắt đầu trở nên sôi nổi là sau ngày 15-8-1945, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh. Bọn Nhật ở Bình Ý, Bình Phước hoang mang chán nản, chúng đem súng vất vào lô cao su. Ba Long đứng ra thu mua chất đầy 4 cái hòm và đem bớt qua gởi ở nhà của các đảng viên sống trong dãy phố, mỗi nhà một hòm súng. Và bất ngờ hơn, các ông Ba Thuận, Hai Ký, Sáu Đại... còn đưa đến nhà Ba Long 5 tên lính Nhật. Những lính Nhật này chia nhau dạy cho hơn 40 thanh niên tiền phong cách đánh lưỡi lê, bắn súng... (số thanh niên do lính Nhật huấn luyện quân sự này sau đó trở thành phân đội 5 - hay còn gọi là bộ đội Sáu Ngọc, do Lê Văn Ngọc và Doãn Tiến Nghiệp chỉ huy). Cũng trong thời gian này, Triều được giao làm liên lạc cho đảng viên Lê Thị Trừ ở Tân Triều với ông Hai Ký (Nguyễn Văn Ký - sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) làm thợ may ở Biên Hòa, về ở nhà của người anh làm nghề đánh xe ngựa trong ấp Bình Thảo. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở làng Bến Cá vào những ngày đầu tháng Tám 1945 hết sức sôi nổi, rộn ràng.

 

* Ở công trường sông phố lịch sử

 

Sáng sớm ngày 27-8-1945, cậu bé Trần Văn Triều mới 15 tuổi đã phóng xe đạp chạy trước đoàn người ở Bình Ý, Bình Phước, Bình Hòa, Thiện Tân đang ùn ùn kéo nhau lên thị xã Biên Hòa tham dự cuộc mít tinh lớn. Tại công trường Sông Phố, Triều không khó khăn gì lắm để nhận ra trong dòng người kéo đến đây đã có mặt sẵn mười mấy đảng viên Cộng sản, bởi họ đều mặc bộ đồ đen mới may còn láng cón và trên tay gắn chiếc băng đỏ có 2 chữ CS lớn màu vàng. Đây cũng là lần đầu tiên, cậu bé Triều nhìn thấy ông Dương Bạch Mai (cán bộ Xứ ủy Nam kỳ, đại diện Mặt trận Việt Minh Nam bộ). Ông Dương Bạch Mai đứng giữa hai hàng lính dàn chào và khi diễn thuyết ông luôn mang kính đen. Đến trưa, khi toàn bộ quan khách tham dự mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám  đi trên những chiếc xe tractim kéo lên nhà Ba Long ở Bến Cá dùng cơm trưa, thì lúc ấy thắc mắc của cậu bé 15 tuổi rất hiếu kỳ này mới được giải đáp. Ông Dương Bạch Mai khuyên Ba Long mỗi khi diễn thuyết trước đám đông nên mang kính đen sẽ... "tự thị ám kỹ" để tập trung vào nội dung bài nói, không bị chi phối bởi người nghe thì nói sẽ hay hơn.

Trong khi mấy ông lớn đang bàn bạc ở nhà trên thì Triều được giao nhiệm vụ khui thùng phát súng cho... "chú Nghiệp". Theo ông chín Châu (Đặng Văn Châu), một cán bộ quốc gia tự vệ Bến Gỗ, nhớ lại: Quốc gia tự vệ cuộc quận Châu Thành lúc mới thành lập do Phạm Văn Thuận phụ trách, cùng lãnh đạo có Trần Văn Long (Ba Long). Sau đó, khi UBND huyện Châu Thành ra mắt thì Ba Long chính thức trở thành Chủ tịch UBND quận.

Vừa ra đời, UBND quận Châu Thành đã tập trung vào việc giải quyết 2 vấn đề lớn là nhanh chóng phát triển lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; khẩn trương xây dựng lực lượng kháng chiến, sẵn sàng chiến đấu khi thực dân Pháp trở lại.

Bùi Thuận

Kỳ sau: 3 lần bị bắt, 2 lần bị kết án tù giam

 

Tin xem nhiều