Là hoạt động diễn ra trong dịp hè, được duy trì tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua, hội thi Hoa phượng đỏ ngoài việc phát hiện năng khiếu ca hát ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, còn là dịp để các em gặp gỡ, giao lưu. Hội thi Hoa phượng đỏ năm 2006 vừa khép lại theo kế hoạch của Ban chỉ đạo hè.
Là hoạt động diễn ra trong dịp hè, được duy trì tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua, hội thi Hoa phượng đỏ ngoài việc phát hiện năng khiếu ca hát ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, còn là dịp để các em gặp gỡ, giao lưu. Hội thi Hoa phượng đỏ năm 2006 vừa khép lại theo kế hoạch của Ban chỉ đạo hè. Tuy nhiên, để hội thi trở nên thiết thực và có sức tác động tích cực hơn nữa rất cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm một số mặt. Báo Đồng Nai xin giới thiệu bài viết sau đây của nhạc sĩ Nguyễn Thái Hải, nhiều năm là thành viên Ban giám khảo hội thi.
* Chất lượng đã được nâng lên...
So với nhiều hội thi Hoa phượng đỏ mà chúng tôi có dịp được tham gia Ban giám khảo trước đây, hội thi Hoa phượng đỏ hè năm nay đã giới thiệu được 10 đội văn nghệ với 10 chương trình đều gồm những tiết mục có nội dung vui tươi, sinh động, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đa số các em hát khá đều, một số em hát rất hay, lại biết diễn cảm nội dung bài hát. Các diễn viên lứa tuổi học trò này cũng múa khá đều và đẹp. Kết quả đáng mừng này có được là nhờ sự đầu tư dàn dựng khá công phu của các thầy cô, bao gồm cả việc cấp kinh phí phù hợp của các địa phương.
Đến nay đã không còn thấy những chương trình chỉ gồm những tiết mục rời được "lắp ghép" lại. Sự vụng về của các em trên sân khấu hầu như không thấy nữa, thay vào đó là vẻ hồn nhiên đáng yêu của tuổi thơ. Nhiều em đi "thi" mà như biểu diễn phục vụ, hát, múa với tất cả khả năng của mình. Ngồi chấm điểm, chúng tôi đã phải suy nghĩ cân nhắc giữa khá nhiều tiết mục đạt hiệu quả ngang ngửa nhau.
Như vậy, sau nhiều mùa hè, nhiều hội thi Hoa phượng đỏ, những lớp học sinh mới càng về sau càng có thêm nhiều điều kiện hơn để phát huy được tài năng biểu diễn văn nghệ của mình. Mặt bằng về chất lượng của các đội Hoa phượng đỏ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Đồng Nai đã được nâng lên rõ rệt. Cũng chính vì thế mà phải chăng đã đến lúc cần có một số điều chỉnh trong công tác tổ chức, đầu tư... để phù hợp hơn với mặt bằng chất lượng phong trào ca múa của các em.
* ... Nhưng vẫn còn một số băn khoăn
Trước hết là chuyện đầu tư kinh phí. Ở các địa phương, mức kinh phí dành cho việc tổ chức hội thi Hoa phượng đỏ tại chỗ và kinh phí đi thi cấp tỉnh vẫn còn khác nhau nhiều vì phải tùy thuộc vào các điều kiện khách quan. Tuy vậy, con số khoảng hơn 10 triệu đồng dành cho hội thi cấp tỉnh đã khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì... quá ít. Bởi vậy, giải thưởng cho giải nhất toàn đoàn chỉ được 400.000đ, khuyến khích toàn đoàn chỉ có... 100.000đ!
Kế đến là việc tổ chức thành 3 cụm thi từ mấy năm nay. Việc đánh giá chất lượng các tiết mục không có vấn đề gì vì mỗi thể loại (ở một cụm) chỉ có 3, 4 tiết mục mà có đến 3 giải nhất, nhì, ba được trao, đảm bảo động viên được các em. Nhưng việc xét giải toàn đoàn theo khung nhất, nhì, ba xem ra chưa được ổn. Lấy ngay kết quả của các cụm trong hè năm nay làm thí dụ, chúng tôi thấy có đơn vị chỉ được xếp giải ba ở cụm này nhưng chất lượng lại tốt hơn đơn vị khác cùng được xếp giải ba ở cụm kia.
Ngoài ra, một trong những mục đích tổ chức thi cụm là để các em học sinh ở các khu vực khác nhau trong tỉnh có điều kiện được thưởng thức văn nghệ hè do chính các bạn mình biểu diễn. Nhưng trong thực tế, tại địa điểm tổ chức hội thi ở các cụm, hầu như chỉ có các em thí sinh của các đội văn nghệ dự thi xem lẫn nhau, chứ số học sinh quanh đó đến xem rất ít (mà cũng chỉ là các em có gia đình ở thị trấn, thị xã). Như vậy, việc chia cụm vẫn chưa đạt được mục đích như mong muốn.
* Đã đến lúc điều chỉnh?
Chúng tôi xin có 3 ý đóng góp với Ban tổ chức hội thi Hoa phượng đỏ tỉnh:
1. Nên chuyển ý nghĩa "Hội thi" thành "Liên hoan" kết hợp giao lưu giữa các đội văn nghệ với nhau. "Liên hoan" nên tổ chức tập trung tại 1 địa phương (luân phiên) trong 1 ngày, 1 đêm. Sau đó, các đội văn nghệ tỏa ra đi phục vụ các em học sinh ở các xã trong địa phương đăng cai tổ chức. Nếu không thể tổ chức tập trung hàng năm thì cũng nên tập trung theo định kỳ (3 năm một lần chẳng hạn).
2. Nên xếp hạng giải toàn đoàn theo A, B, C với những tiêu chí cho từng hạng. Như vậy, trong trường hợp tiếp tục tổ chức thi cụm, thì việc xác định chất lượng các chương trình dự thi vẫn đúng với thực lực của các đội hơn. Cách đánh giá này cũng giúp dễ nhận ra mặt bằng chung về chất lượng nghệ thuật của từng năm: năm nào chất lượng cao sẽ có nhiều chương trình đuợc xếp loại A và ngược lại. Từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện cho học sinh phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn đối với từng địa phương.
3. Nên tăng kinh phí cho việc tổ chức hội thi (hoặc Liên hoan) cấp tỉnh so với hiện nay. Hoặc, ngoài Sở Văn hóa - thông tin (do Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh chịu trách nhiệm) là đơn vị chính lo kinh phí, các đơn vị phối hợp như Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - đào tạo... cũng cần góp thêm một phần kinh phí. Ngoài ra, tỉnh có thể cho phép Ban tổ chức được vận động tài trợ.
Hy vọng hè năm sau, Hoa phượng đỏ tỉnh Đồng Nai sẽ có một diện mạo mới và thiết thực hơn, vừa phát hiện để bồi dưỡng những năng khiếu hát, múa trong học sinh, vừa là dịp để các em gặp gỡ giao lưu, học hỏi lẫn nhau và đi biểu diễn phục vụ các bạn tại các địa phương xa.
Nguyễn Thái Hải
(Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai)