"Phần lớn những người làm nghề phát thanh viên và dẫn chương trình truyền hình của chúng ta hiện nay đều đi lên chuyên nghiệp từ những bước...nghiệp dư", biên tập viên Mộng Hoài - người dẫn chương trình của "Những ước mơ xanh" và "Tại sao không?" của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - đã thốt lên như vậy khi đưa ra một cái nhìn khái quát về nghề phát thanh viên và dẫn chương trình hiện nay tại buổi giao lưu đầu tiên của những người trong nghề đến từ 7 đài PT-TH khu vực miền Đông, do Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức, diễn ra tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) vào sáng ngày 18-8.
"Phần lớn những người làm nghề phát thanh viên và dẫn chương trình truyền hình của chúng ta hiện nay đều đi lên chuyên nghiệp từ những bước...nghiệp dư", biên tập viên Mộng Hoài - người dẫn chương trình của "Những ước mơ xanh" và "Tại sao không?" của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - đã thốt lên như vậy khi đưa ra một cái nhìn khái quát về nghề phát thanh viên và dẫn chương trình hiện nay tại buổi giao lưu đầu tiên của những người trong nghề đến từ 7 đài PT-TH khu vực miền Đông, do Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức, diễn ra tại Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) vào sáng ngày 18-8.
Nhiều trao đổi thẳng thắn, cởi mở và nghiêm túc về nghề phát thanh viên và dẫn chương trình được đưa ra tại buổi giao lưu, trong đó tập trung nhất vẫn là những vấn đề, sự cố có nguyên nhân từ tình trạng đi lên chuyên nghiệp từ... nghiệp dư hiện nay của những người trong nghề. Không được đào tạo qua trường lớp, con đường đến với nghề của họ phần lớn có xuất phát điểm từ chút "vốn liếng" bẩm sinh về thanh và sắc. Một số khác đến với nghề khi đã là những phóng viên, biên tập viên bản lĩnh của các đài. Minh Thùy, cô phát thanh viên trẻ của Đài PT-TH Tây Ninh bộc bạch: "Khi nộp đơn thi vào vị trí phát thanh viên của đài, tôi thực sự chỉ tự tin vào chút sắc vóc và năng khiếu nói trước đám đông được rèn luyện trong những năm mình tham gia phong trào văn nghệ quần chúng. Chứ về kỹ năng nghề nghiệp thì tôi chẳng biết gì cả". Tình trạng nghề dạy nghề tồn tại bấy lâu nay đã làm hạn chế khá nhiều con đường đi lên trong nghề của những bạn trẻ có năng khiếu và tâm huyết. Bước chân vào nghề, những gì mà họ học hỏi được đều đến từ kinh nghiệm truyền lại của các đồng nghiệp đi trước hay thậm chí là từ những vấp váp, những sự cố của chính mình khi tác nghiệp. Tại buổi giao lưu với tinh thần cởi mở và cầu thị, nhiều phát thanh viên trẻ đã mạnh dạn đưa ra những sự cố chính mình gặp phải để mong được các đồng nghiệp "gỡ bí". Có rất nhiều tình huống được đưa ra nhưng hầu như không tình huống nào giống tình huống nào, từ những chuyện như "cháy" chương trình, nhân vật trả lời dài và không đúng trọng tâm cho đến những tiểu tiết như chọn cách phát âm nào giữa tiếng địa phương và tiếng chuẩn của cả nước, hay làm thế nào để không run trước đám đông... Đây là những sự cố có thật và không hề được ghi trong sách vở, được những người trong nghề đưa ra và trao đổi.
Trong tình hình hiện nay, những cuộc giao lưu và trao đổi như thế này quả thật rất cần thiết. Thế nhưng, các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Về lâu dài, để nâng cao chất lượng đội ngũ phát thanh viên và người dẫn chương trình, nhất thiết phải có trường lớp đào tạo chính quy và bài bản. Theo biên tập viên Mộng Hoài, có trường lớp đào tạo chắc chắn đội ngũ những người được xem là "bộ mặt" của các nhà đài hiện nay sẽ chuyên nghiệp hơn. Những khóa bồi dưỡng ngắn hạn hay các cuộc thi tuyển chọn người dẫn chương trình truyền hình sẽ không giải quyết được căn cơ của vấn đề. Bằng chứng là không phải người nào đoạt giải cuộc thi tuyển chọn người dẫn chương trình cũng đều có thể bám trụ được với nghề. Những ý kiến đều thống nhất làm phát thanh viên và người dẫn chương trình đâu chỉ cần thanh và sắc là đủ, để ăn nói được lưu loát, lay động được khán giả còn cần cả một vốn sống, vốn kiến thức thật phong phú. Một người dẫn chương trình truyền hình tâm sự: "Trên sóng truyền hình, khán giả thấy phát thanh viên và người dẫn chương trình nói năng hoạt bát, truyền cảm và có một ngoại hình bắt mắt. Thế nhưng, để có một chương trình "sạch nước cản", phía sau hậu trường là những giọt mồ hôi lao động cực nhọc của không chỉ chúng tôi mà còn cả một ê kíp làm việc chuyên nghiệp".
Kiến Quân