Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình 134 cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai
Vì sao triển khai chậm?

04:08, 15/08/2006

Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ ra đời cách đây 2 năm, nhưng đến nay trên địa bàn Đồng Nai chưa một căn nhà nào được xây, một lô đất nào được cấp, một giếng nước nào được khoan cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trương, chính sách từ trung ương đã có nhưng phía các ban, ngành và địa phương trong tỉnh thì vẫn còn "lấn cấn", vì sao?

Gia đình chị Hoàng Kim Tiền ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú) không có đất và nhà ở do đó phải ở tạm và làm nghề đan lát thuê để sống - là một trong những hộ dân tộc chờ được hưởng chính sách từ chương trình 134.

Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ ra đời cách đây 2 năm, nhưng đến nay trên địa bàn Đồng Nai chưa một căn nhà nào được xây, một lô đất nào được cấp, một giếng nước nào được khoan cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trương, chính sách từ trung ương đã có nhưng phía các ban, ngành và địa phương trong tỉnh thì vẫn còn "lấn cấn", vì sao?

 

4 nội dung của Quyết định 134 quy định chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn về: nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sạch sinh hoạt. Theo điều tra của cơ quan chức năng vào tháng 10-2004, trên địa bàn tỉnh có 5.540 hộ đồng bào (sinh sống tại các huyện và thị xã trong tỉnh trừ TP. Biên Hòa) trong diện được hưởng một hoặc các chính sách nêu trên. Trong đó, đối với 4.064 hộ thiếu nhà ở, tỉnh cần hỗ trợ thì Chính phủ quy định, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ mỗi căn nhà là 5 triệu đồng và ngân sách địa phương cùng vận động nhân dân đóng góp thêm 2 triệu đồng. Đối với đất sản xuất, có 3.296 hộ thiếu, cần 1.648 hécta và có 3.180 hộ cần 63,6 hécta đất ở. Theo quy định của Chính phủ, chính quyền địa phương có trách nhiệm sử dụng quỹ đất tại chỗ hoặc thu hồi đất của các nông, lâm trường để cấp cho các hộ đồng bào nghèo. Về nước sạch sinh hoạt, có 3.756 hộ thiếu, trong đó có 1.079 hộ sống riêng lẻ sẽ được trung ương hỗ trợ 300.000đồng/ giếng khoan; số hộ còn lại sống tập trung sẽ được đầu tư xây dựng 24 giếng nước công cộng.

Chủ trương đã có, tuy nhiên đến nay đã hai năm trôi qua nhưng chưa có một dự án, công trình nào của chương trình 134 trên địa bàn tỉnh được triển khai. Nguyên nhân, theo ông Điểu Bảo, Phó trưởng Ban tôn giáo - dân tộc kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình 134 của tỉnh, Ban này mong muốn được đầu tư quy mô, chất lượng hơn để "đã giúp thì giúp một lần cho đồng bào thoát nghèo thật sự". Theo đó, Ban chỉ đạo đã đưa ra phương án hỗ trợ đối với nhà ở: mỗi căn trị giá 20 triệu đồng; thiết kế mẫu nhà phải đảm bảo gắn với phong tục tập quán của đồng bào. Vì nếu hỗ trợ mỗi căn nhà 7 triệu đồng/ hộ thì giá trị chỉ tương đương một căn nhà tình thương! Do đó, hiệu quả đầu tư của Chương trình 134 không cao và không thể đáp ứng đúng mẫu thiết kế nhà của đồng bào dân tộc. Nhưng nếu đầu tư 20 triệu đồng/ căn thì kinh phí sẽ lên đến trên 79 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn của tỉnh phải gần 60 tỷ đồng. Chính nguồn kinh phí quá lớn như vậy nên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định chính thức về mức giá hỗ trợ xây dựng nhà. Vì thế, đến nay sau 2 năm kể từ khi Quyết định 134 có hiệu lực, đồng bào vẫn phải chờ nhà mới trong điều kiện sống tạm bợ. Để sớm giải tỏa tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất phương án: hỗ trợ mỗi căn nhà trị giá 10 triệu đồng là vừa phải. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Xuân Chiến thì đề nghị nên xem xét mức giá hỗ trợ sao cho người được hưởng sau không quá cao so với người được hưởng trước, nhằm tránh so đo và thiếu công bằng. Và Nhà nước chỉ nên giao kinh phí về cho UBND các xã cùng hộ đồng bào quản lý, xây dựng nhà ở theo sự gợi ý của tỉnh, huyện chứ không nên ôm đồm dễ gây thắc mắc...

Đối với đất ở và đất sản xuất, theo Ban chỉ đạo 134 của tỉnh thì việc thu hồi trên 1.700 hécta đất ở các nông, lâm trường để cấp cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc đang gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân theo ông Điểu Bảo, Phó trưởng ban Tôn giáo - dân tộc kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình 134 của tỉnh, là phần lớn đất này các nông, lâm trường cho cán bộ công nhân viên nhận khoán, mà theo quy định không bồi thường hoặc hỗ trợ di dời chỉ 5 triệu đồng hécta là không thỏa đáng, nên khó thực hiện. Vì vậy, Ban chỉ đạo chương trình 134 và UBND các huyện kiến nghị cho phép chuyển dự án cấp đất sản xuất sang hỗ trợ nuôi bò sinh sản.  Ngoài ra, trong chương trình 134 cần thêm phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc, xem đó là một cách hỗ trợ thoát nghèo. Tuy nhiên, ông Đoàn Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì cho rằng việc thu hồi đất của các nông, lâm trường không có gì khó khăn, cái khó là các huyện, các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thiếu quyết tâm. Ông Hải nói, đất nông, lâm trường là đất của Nhà nước. Do vậy, Nhà nước có quyền thu hồi để giải quyết các chế độ chính sách, đặc biệt như chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc nghèo thì không có lý do gì không thực hiện được. Riêng phần nước sạch sinh hoạt, hiện nay nhiều huyện đang bắt tay vào khảo sát để xây dựng giếng công cộng và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân khoan riêng lẻ.

Như vậy, việc thực hiện chương trình 134 ở Đồng Nai quá chậm, mà nguyên nhân nói như Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Xuân Chiến, là do: "Các cấp, các ngành chưa dành thời gian cần thiết cho chỉ đạo, đôn đốc cũng như chưa có quan điểm, chủ trương thống nhất để triển khai thực hiện chương trình...". Ngoài ra, Ban chỉ đạo 134 của tỉnh cần sớm giải thích để các huyện hiểu rằng, chương trình 134 không phải là dịp để địa phương "lấy" vốn của Nhà nước mà các cấp, ngành phải cùng nhau giúp đồng bào vượt qua khó khăn, biết cách thoát nghèo chứ không phải chỉ cho tặng không dễ khiến đồng bào có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Thời gian còn lại để thực hiện chương trình là quá ngắn (đến cuối năm 2006 phải hoàn thành), do vậy các cơ quan tham mưu cần tích cực bắt tay thực hiện và tỉnh cần có chủ trương thống nhất về kinh phí hỗ trợ, cách thức thực hiện xây dựng nhà, khoan giếng nước và thu hồi đất nông, lâm trường cấp cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo.

 

Trường Quân

 

Tin xem nhiều