Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 59 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2006)
10 năm thực hiện phong trào "đền ơn đáp nghĩa" ở Đồng Nai

10:07, 26/07/2006

Tỉnh Đồng Nai có trên 42.500 đối tượng chính sách, trong đó có gần 10.000 liệt sĩ, 7.600 thương bệnh binh cùng hàng chục ngàn người tham gia kháng chiến và có công giúp đỡ cách mạng.

Tỉnh Đồng Nai có trên 42.500 đối tượng chính sách, trong đó có gần 10.000 liệt sĩ, 7.600 thương bệnh binh cùng hàng chục ngàn người tham gia kháng chiến và có công giúp đỡ cách mạng.

 

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chính sách được 25.480 hồ sơ người có công với cách mạng. Trong đó, hồ sơ liệt sĩ là 496, thương binh là 369 và người hoạt động kháng chiến là 20.415...

10 năm qua, toàn tỉnh đã vận động được trên 23,6 tỷ đồng, đã xây dựng được 1.016 nhà tình nghĩa; hỗ trợ kinh phí sửa chữa cho gần 1.800 căn nhà khác. Lo được chỗ ở, tỉnh chủ trương phấn đấu không để một hộ nào thuộc diện chính sách phải xóa đói giảm nghèo. Đối với các thương bệnh binh có tỉ lệ thương tật nặng, các địa phương trong tỉnh có phong trào sáng tạo là "4 ổn định". Đó là ổn định về thương bệnh tật, ổn định về chính trị tư tưởng, ổn định về đời sống và ổn định về gia đình. Toàn bộ các thương bệnh binh này được nhà nước quan tâm chữa trị chu đáo và hiện nay đã trở về trong vòng tay chăm sóc của người thân. Các cấp chính quyền thì tạo nhiều điều kiện như chăm lo khám điều trị bệnh định kỳ, giải quyết công ăn việc làm cho bản thân hoặc con em thương bệnh binh. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp còn vận động nhân dân đóng góp được trên 1 tỷ đồng để mở 1.000 sổ tiết kiệm tặng các thương bệnh binh, gia đình chính sách. Và đặc biệt, tỉnh đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua bảo hiểm y tế hàng năm giúp cho 66.937 lượt diện chính sách được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Những điều đó thật sự là nguồn động viên cho các thương bệnh binh, người có công vui sống, chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nuôi dạy con cái biết sống có ích cho xã hội.

Đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, tỉnh đã vận động các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Các mẹ, ngoài được hưởng chính sách của Nhà nước còn được các đơn vị nhận phụng dưỡng với mức từ 200.000 đến 500.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, các cha mẹ, vợ liệt sĩ và thương bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn cũng được các đơn vị nhận đỡ đầu, chăm sóc và hỗ trợ kinh phí thường xuyên hàng tháng. Đối với con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng cũng được các địa phương, các doanh nghiệp, trường dạy nghề tạo nhiều điều kiện cho học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Được biết, 10 năm qua, có trên 6.000 con em thương binh, liệt sĩ và cả bộ đội xuất ngũ được tạo điều kiện ưu tiên giải quyết việc làm.

Đến nay, 100% hộ chính sách trong tỉnh đều có mức sống từ trung bình trở lên. Tuy nhiên, điều đó chưa làm cho những người có trách nhiệm trong công tác chính sách thương binh liệt sĩ hài lòng. Do vậy, theo ông Lê Mai Thanh, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, thời gian tới cần phát động mạnh hơn phong trào xã hội hóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho diện chính sách, trong đó có 30% hộ có mức sống khá.

An Xuyên

Tin xem nhiều