Báo Đồng Nai điện tử
En

Mái ấm gia đình, nơi giúp người ta... "lớn"

09:06, 26/06/2006

Đối với người Việt Nam, giá trị gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được đề cao và tôn vinh. Nó như mạch nước trong lặng lẽ chảy, tưới mát đời người, tuy có những lúc trước thác ghềnh của cuộc sống, dòng nước ấy đã không còn được... trong trẻo vốn có . Trong cuộc đời mỗi người, gia đình rất quan trọng, nó góp phần quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách.

Đối với người Việt Nam, giá trị gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được đề cao và tôn vinh. Nó như mạch nước trong lặng lẽ chảy, tưới mát đời người, tuy có những lúc trước thác ghềnh của cuộc sống, dòng nước ấy đã không còn được... trong trẻo vốn có . Trong cuộc đời mỗi người, gia đình rất quan trọng, nó góp phần quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách.

 

Chúng tôi tìm đến cô Nguyễn Thị Oanh (ở phường Tân Mai, TP. Biên Hòa), một nhà giáo về hưu. Cô đã kể cho tôi nghe về cuộc sống của gia đình qua những thác ghềnh  nhưng vẫn giữ được nếp nhà và nhiều chuyện đời nữa mà cô đã trải nghiệm. Cuối cùng cô Oanh đưa ra một lời kết: "Thời nào gia đình cũng gặp "lũ". Mỗi thành viên trong gia đình như một viên sỏi đá giữa dòng lũ ấy. Nếu biết "tụm lại" với nhau thì dù nước chảy xiết, nó cũng không bị cuốn đi. Cái "tụm lại" ấy, cô gọi đấy là ... nếp nhà.

 Thực tế, trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn nghe nơi này, nơi nọ, chuyện con cái hành hạ, ngược đãi cha mẹ,  vợ chồng đánh chửi, bạo hành nhau, rồi tình trạng ly hôn, nạo phá thai, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ bỏ nhà đi bụi... vì những đổ vỡ trong gia đình. Hoặc nhiều đứa con đang sống trong gia đình nhưng phải chịu đựng một kiểu giáo dục nặng tính gia trưởng, áp đặt "kỷ luật sắt" của cha mẹ. Hoặc nhiều gia đình chỉ lo dồn sức vào việc kiếm tiền mà bỏ mặc con cái "cô đơn" trong chính gia đình mình. Trao đổi với một vài chuyên viên tư vấn tâm lý, chúng tôi được biết trong rất nhiều thư từ, điện thoại gọi đến nhờ tư vấn, phần lớn đều có nội dung về những trục trặc trong đời sống gia đình. Đó là lời than thở của người vợ về việc chồng bỏ bê gia đình, sa đà vào... "tứ đổ tường", hoặc tâm trạng phẫn uất của người chồng khi bị vợ "cắm sừng"... Thậm chí, có khá nhiều tâm sự bi kịch của các em nhỏ khi cha mẹ ly hôn, về những trục trặc tâm lý khi sống trong gia đình không hạnh phúc... Theo những chuyên viên tư vấn tâm lý, thực ra giải đáp mới chỉ là xoa dịu nỗi đau và tạm thời giúp người ấy có lối thoát để giải quyết những vấn  đề trước mắt chứ không thể thay họ giải quyết một cách sâu xa, gốc rễ của sự việc.

Đành rằng, trong cuộc sống, đồng tiền có sức thao túng lớn khiến nhiều gia đình vì nó mà đổ vỡ. Nhưng cái quan trọng hơn vẫn là nghĩa tình, sự tin cậy, thủy chung, yêu thương của những con người trong cùng một mái ấm.

Phương Liễu

Tin xem nhiều