Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, sắp tới đây, Đồng Nai sẽ chỉ còn một đoàn nghệ thuật công lập là đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai. Còn đoàn ca múa nhạc Đồng Nai sẽ được chuyển đổi thành đơn vị ngoài công lập, biểu diễn có doanh thu và tự cân đối về tài chính. Đây là xu thế phát triển tất yếu đòi hỏi những người trong cuộc phải có sự chuẩn bị chu đáo.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, sắp tới đây, Đồng Nai sẽ chỉ còn một đoàn nghệ thuật công lập là đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai. Còn đoàn ca múa nhạc Đồng Nai sẽ được chuyển đổi thành đơn vị ngoài công lập, biểu diễn có doanh thu và tự cân đối về tài chính. Đây là xu thế phát triển tất yếu đòi hỏi những người trong cuộc phải có sự chuẩn bị chu đáo.
Nhạc sĩ Vũ Đan Huyền, Trưởng đoàn ca múa nhạc Đồng Nai cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa, đoàn đã xây dựng đề án phát triển. Theo đó, từ nay đến năm 2007, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai từng bước tự chủ về tài chính và thể nghiệm các chương trình nghệ thuật có doanh thu. Đến năm 2010, về cơ bản, đây sẽ là đơn vị nghệ thuật độc lập, hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Hoạt động của đoàn sẽ bao gồm nhiều thể loại phong phú như: ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, biểu diễn thời trang... Bên cạnh đó, đoàn sẽ kiêm luôn hoạt động tổ chức biểu diễn, sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc, sân khấu; sản xuất và cung cấp dụng cụ biểu diễn sân khấu... Để mục tiêu này trở thành hiện thực, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai sẽ kêu gọi sự tham gia đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này sẽ không mấy khả thi nếu như ngay từ bây giờ, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai không có sự chuẩn bị cần thiết về nhân lực, vật lực. Bởi, thực lực của đoàn hiện nay cho thấy, việc tổ chức một chương trình nghệ thuật có doanh thu là rất khó. Hoạt động biểu diễn của đoàn hiện mới chỉ dừng lại ở việc biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hàng năm, đoàn chỉ xây dựng được từ một đến hai chương trình nghệ thuật rồi đi biểu diễn phục vụ bà con các địa phương trong tỉnh. Thỉnh thoảng, đoàn được một vài cơ quan, tổ chức mời biểu diễn hoặc đóng góp cho các chương trình truyền hình. Việc tự đứng ra tổ chức show diễn hoặc liên kết tổ chức chương trình ca nhạc có bán vé là điều mà đoàn chưa làm được dù không phải là không muốn. Một trong những khó khăn của đoàn chính là việc thiếu một địa điểm để tổ chức biểu diễn. Hiện nay, mọi công tác tập luyện đều diễn ra tại trụ sở đoàn. Khi muốn thiết kế một chương trình biểu diễn có doanh thu, địa điểm biểu diễn là khâu khó khăn nhất. Nếu phải thuê địa điểm, doanh thu từ đêm diễn sẽ không đủ để bù vào chi phí. Đó là chưa nói tới việc phải mời một vài ca sĩ thuộc hàng "sao" để thu hút khán giả.
Hiện nay, dàn diễn viên của đoàn cơ bản đều được đào tạo qua trường lớp nhưng năng lực không đồng đều. Đội múa được đánh giá là ổn nhưng đội ca còn yếu. Một số giọng ca trẻ được xem là có triển vọng chỉ lưu ở đoàn một thời gian rồi lại tìm bến đậu mới. Do đó, các chương trình biểu diễn của đoàn còn kém sức hấp dẫn và chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Trong khi đó, hầu hết các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đồng Nai hiện nay đều do các đoàn ngoài tỉnh về tổ chức. Chương trình chỉ cần một hai ngôi sao cũng có thể thu hút được hàng ngàn khán giả đến xem và cổ vũ, doanh thu từ các đêm diễn này là rất lớn. Chính vì vậy, để trở thành một đơn vị biểu diễn độc lập, việc đầu tư về con người cho đoàn là vấn đề phải được coi trọng hàng đầu. Ngành văn hóa đã tính toán đến vấn đề này bên cạnh sự chuẩn bị về nhà biểu diễn, trang thiết bị...phục vụ công tác biểu diễn. Hy vọng rằng với sự chủ động của mình, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai sẽ có được những bước đi cụ thể, và hiệu quả để trở thành một đơn vị tổ chức biểu diễn xứng tầm với sự phát triển của tỉnh nhà và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Minh Ngọc