Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có biện pháp tích cực để bảo vệ các nhà báo

10:06, 20/06/2006

Gần đây, có một số nhà báo bị tấn công, đe dọa hành hung khi đang tác nghiệp. Đây là một thực trạng đáng báo động mà dư luận bức xúc, đòi hỏi những hành vi vi phạm pháp luật phải được ngăn chặn và nghiêm trị đích đáng.

Gần đây, có một số nhà báo bị tấn công, đe dọa hành hung khi đang tác nghiệp. Đây là một thực trạng đáng báo động mà dư luận bức xúc, đòi hỏi những hành vi vi phạm pháp luật phải được ngăn chặn và nghiêm trị đích đáng.

 

Làm báo là một nghề cao quý được xã hội tôn vinh và khích lệ. Song, những người làm báo cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi các nhà báo, trước tiên phải biết tự bảo vệ mình. Song, tự thân nhà báo không thể vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại nếu không có sự bảo vệ của pháp luật, của những cơ quan có trách nhiệm và sự đùm bọc của nhân dân.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, phóng viên quay phim Bùi Lê Thế Kiệt của Đài PT-TH Đồng Nai đã bị một số người lạ mặt tại khu vực bãi rác thải trong khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) tấn công. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những người tham gia tấn công phóng viên Thế Kiệt là thành viên trong các hộ thuộc diện di dời để giao đất xây dựng khu xử lý nước và rác thải cho khu công nghiệp. Vì tức tối do bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, những người này đã ngang nhiên dùng gậy gộc, đất đá đánh, ném vào người phóng viên khi anh đang thi hành công vụ. Để bảo vệ những thước phim quay cảnh ô nhiễm môi trường tại khu vực này, phóng viên Thế Kiệt phải ôm giữ chiếc máy quay nên đã bị đánh, thương tích khá nghiêm trọng. Cần nói thêm là, hôm ấy phóng viên Thế Kiệt đi công tác cùng đoàn giám sát của HĐND tỉnh (trong đoàn có cả lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh, các sở, ngành và huyện Trảng Bom). Cũng cùng thời gian đó, phóng viên Hoàng Anh Tuấn (báo Pháp Luật Việt Nam) cùng một số phóng viên khác khi đang tác nghiệp tại TAND tỉnh Đồng Nai thì bị một số người là thân nhân của các bị cáo trong vụ án "Đội trưởng Đội thi hành án Đỗ Ngọc Chất thi hành án trái pháp luật" cản trở hoạt động, xúc phạm danh dự và đe dọa hành hung. Điều đáng nói là, người cầm đầu nhóm người đe dọa hành hung phóng viên là một chiến sĩ công an làm công tác bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Hiện nay, phóng viên Hoàng Anh Tuấn đã chính thức gởi đơn khiếu kiện đến giám đốc Công an tỉnh, Phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cũng như Hội nhà báo tỉnh. Theo trình bày của phóng viên Anh Tuấn và qua tìm hiểu của chúng tôi, các phóng viên khi đến tham dự phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Ngọc Chất, nguyên đội trưởng Đội thi hành án huyện Thống Nhất (cũ), có xin phép hội đồng xử án. Nhưng tại đấy, có một người tên là Đ.X.H mặc quân phục và đeo bảng tên của Phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an Đồng Nai đến yêu cầu phóng viên không được chụp hình. Tiếp sau đó là một số người khác có lời lẽ đe dọa phóng viên. Do bị "phong tỏa" như vậy, phóng viên Hoàng Anh Tuấn đã nhờ một đồng nghiệp chụp giùm bức ảnh bị cáo Đỗ Ngọc Chất đứng trước vành móng ngựa. Thế nhưng, khi phiên tòa kết thúc, cả chục người lạ mặt cùng với chiến sĩ công an Đ.X.H đã vây quanh, cản đường, có lời lẽ xúc phạm, tiếp tục đe dọa hành hung và đập phá xe của phóng viên Anh Tuấn. Trước tình hình đó, phóng viên Anh Tuấn phải cầu cứu đến cảnh sát 113 thì mới thoát thân được. Từ hai vụ việc cụ thể nêu trên cho thấy, nhà báo có thể bị hành hung, đe dọa, cản trở tác nghiệp bất cứ lúc nào, ở đâu và bất cứ ai. Do vậy, họ phải được bảo vệ của pháp luật, từ phía các cơ quan chức năng.

Đáng mừng là lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, lên tiếng phản đối và kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra, bảo vệ nhà báo, xử lý nghiêm minh những kẻ coi thường pháp luật. Được biết, ngay khi biết tin phóng viên Thế Kiệt bị đánh, đồng chí Trần Đình Thành, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chỉ đạo phải nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm minh những kẻ tấn công phóng viên. Tiếp sau đó, thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ, Liên đoàn lao động, Hội nhà báo tỉnh... đã có công văn gởi đến cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh để phản đối hành vi nêu trên và đề nghị sớm điều tra làm rõ vụ việc. Xung quanh vụ việc này, Công an huyện Trảng Bom đang xúc tiến điều tra. Đối với vụ phóng viên Hoàng Anh Tuấn bị đe dọa hành hung, hiện nay giám đốc Công an tỉnh cũng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực điều tra. Tuy chưa có kết luận vụ việc đúng sai thế nào, nhưng theo ông Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh thì phóng viên Hoàng Anh Tuấn có ghi âm lại toàn bộ cuộc "vây ráp", đe dọa, xúc phạm phóng viên của một số người. Đây là cơ sở quan trọng để đối chứng trong quá trình điều tra, xử lý. Quan điểm của Hội nhà báo tỉnh là tất cả các nhà báo đang hành nghề trong sáng, hoạt động đúng chức trách đều phải được bảo vệ. Những ai cản trở, đe dọa hoặc hành hung nhà báo, nhất định phải bị xử lý nghiêm minh.

Rõ ràng, để có những thông tin, tư liệu, hình ảnh phản ánh thực tế, cung cấp kịp thời những tin tức cho bạn đọc, bạn xem đài, các phóng viên phải đối mặt với không ít thử thách. Do vậy, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật, những người có trách nhiệm cần có những biện pháp điều tra, ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm những hành vi cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo là hết sức cần thiết và là một đòi hỏi chính đáng.

Trường Quân

Tin xem nhiều