Báo Thanh Niên và 1 số tờ báo khác ra ngày 27-5-2006 có đưa tin về việc 5 cô bé học sinh lớp 7 ở Hải Dương rủ nhau trầm mình xuống sông chết làm bất kỳ ai quan tâm đến trẻ em cũng phải bàng hoàng, đau xót. Lại thêm một bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh và cho tất cả chúng ta trong việc quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ. Ở Đồng Nai, tuy chưa có những vụ tương tự nhưng năm nào cũng có những việc đau lòng như trẻ em bị chết vì các loại tai nạn, bị xâm hại, bạo hành v.v...
Báo Thanh Niên và 1 số tờ báo khác ra ngày
Liệu chúng ta có thể ngăn ngừa, tiến tới hạn chế đến mức thấp nhất những cái chết oan uổng của trẻ vị thành niên hay không? Câu trả lời là có, nếu mỗi người có đủ tình yêu thương và biết quan tâm đúng cách đến con em mình...
5 cô bé thiệt mạng ở Hải Dương có điểm chung với số đông trẻ vị thành niên ngày nay: chịu nhiều áp lực từ phía người lớn. Áp lực đó có thể là sự trách cứ triền miên của cha mẹ về việc các em ham chơi, hoặc đòi hỏi các em phải học thật giỏi, hoặc chỉ đơn giản là cha mẹ không thích... con gái. Ở lứa tuổi khác, trong hoàn cảnh khác, có thể những áp lực đó không đủ mạnh để gây ra cái chết của các em, nhưng trong độ tuổi dậy thì, lứa tuổi mong manh và đầy bất ổn thì áp lực đó quá đủ để đưa các em tới những phản ứng tiêu cực.
Từ sự việc đau lòng trên, có thể thấy vấn đề hạn chế và hóa giải xung đột trong quan hệ giữa cha mẹ và đứa con vị thành niên là hết sức cần thiết, không chỉ với các bậc phụ huynh mà với tất cả những ai quan tâm đến thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy mâu thuẫn giữa phụ huynh với con em là nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất đẩy các em đến những phản ứng như: ương bướng, cãi lại cha mẹ, bỏ nhà đi bụi, tự tử v.v... Theo báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 26-5-2006, thời gian qua đã có 43 vụ trẻ vị thành niên tự tử phải đưa đến bệnh viện nhi đồng II cấp cứu. Kết quả khảo sát tại 8 trường trung học cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 16% ý kiến của cha mẹ và con cái cho biết giữa họ thường xuyên xảy ra xung đột. Có tới 70 % gia đình thừa nhận xung đột giữa cha mẹ và con cái xảy ra với tần suất 2-3 lần/ tuần. Vậy nguyên nhân xung đột do đâu? Có tới 1001 lý do: cha mẹ la rầy, cấm đoán, hoặc áp đặt con em theo ý muốn của mình, con cái phản ứng bằng cách không nghe lời, cãi lại, bỏ nhà đi bụi, thậm chí tự tử v.v... Trẻ hay chọn cái chết vì muốn nhanh chóng thoát ra khỏi bế tắc, ít khi các em suy nghĩ sâu xa về hậu quả của việc mình làm. Nếu được can gián kịp thời, những cái chết dại dột này đều có thể tránh được...
Xung đột giữa cha mẹ và con cái do nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại, có hai vấn đề cơ bản: cha mẹ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi và coi nhẹ nhu cầu độc lập của con em. Ngày nay, công nghệ thông tin giúp cho con người khám phá thế giới bên ngoài nhưng người ta lại mù mờ, không hiểu biết gì về nội tâm của những người thân sống ngay bên cạnh mình. Điều này thể hiện cả trong quan hệ lứa đôi lẫn trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Và thực tế là số đông các gia đình vẫn giao tiếp, ứng xử với nhau, nuôi dạy con cái... Theo tập quán tâm lý tình cảm của dân tộc, truyền thống của gia đình và trình độ vắn hóa của mỗi người chứ không dựa trên những tri thức khoa học-xã hội.
Để giải quyết vấn đề này thì giải pháp là: Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về hôn nhân - gia đình, hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ, thường xuyên có những buổi tư vấn cộng đồng, tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo cầu nối... nhằm kéo các thế hệ xích lại gần nhau hơn. Thực tế cho thấy "tình bạn" giữa cha mẹ và con cái có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa những sai lầm của giới trẻ. Hiện nay Trung tâm văn hóa - thể thao phường Bình Đa (TP. Biên Hòa) đã triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức tình yêu- hôn nhân- gia đình do Sở VH-TT và Ủy ban dân số - gia đình và trẻ em tỉnh đồng tổ chức. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng bên cạnh các lớp bồi dưỡng kiến thức hôn nhân - gia đình nói trên thì các trường cấp THCS, PTTH cũng cần thành lập các văn phòng tư vấn học đường, hoặc chí ít cũng phải giành thời gian cho vấn đề này.
Một vấn đề nữa là các bậc phụ huynh phải tôn trọng nhân cách và nhu cầu độc lập của trẻ vị thành niên. Hiện nay, mặc dù tư tưởng tự do, dân chủ đã chiếm ưu thế trong đời sống xã hội nhưng trong nhiều gia đình, nhất trong các gia đình ở nông thôn vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến, cha mẹ giao tiếp với con em theo lối "bề trên" đối với "kẻ dưới". Tuổi vị thành niên thường sĩ diện, hay tự ái, dễ bị kích động; trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại cư xử với con một cách cộc cằn, thô bạo, làm tổn thương nặng nề lòng tự trọng rất cao ở trẻ. Do giữa cha mẹ và con cái chỉ có thông tin một chiều, con cái không được phép bày tỏ chính kiến, quan điểm riêng, không được phép quyết định những vấn đề liên quan đến sinh hoạt, học tập, kết bạn của các em... dẫn đến chỗ các em chỉ có thể chia sẻ tâm tư tình cảm với bạn học, đặc biệt là nhóm bạn thân. Vai trò của "nhóm bạn" đối với trẻ rất quan trọng nhưng mối tương quan này lại có tính hai mặt. Nếu trong nhóm bạn có một thủ lĩnh khôn ngoan, biết quyết định đúng đắn thì các em sẽ hành động một cách tích cực, ngược lại nếu được dẫn dắt bởi các cô bé, cậu bé khờ khạo và lại còn bị ràng buộc bởi "điều lệ" của nhóm thì các em rất dễ sa vào những việc làm dại dột, manh động. Trong vụ 5 cô bé tự tử ở Hải Dương, vai trò tiêu cực của nhóm bạn thể hiện rất rõ và nó đã trực tiếp dẫn các em đến cái chết oan uổng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý giá cho các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ trong việc giám sát, theo dõi hoạt động của các "nhóm bạn" trong học sinh, con em mình.
Khai thông mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là con cái đang ở tuổi vị thành niên vẫn luôn là khó khăn, thách thức đối với người làm cha mẹ. Tuy nhiên đây là vấn đề phụ huynh không thể tránh né. Chỉ có tình yêu thương kết hợp với sự hiểu biết thấu đáo về tâm sinh lý lứa tuổi mới giúp cha mẹ và con cái xóa bỏ được xung đột, từ đó giảm thiếu được những sai lầm đáng tiếc.
Hoàng Ngọc Điệp