Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ ở "làng giáo" Nhân Nghĩa tích cực đẩy mạnh phong trào... "2 không"

09:05, 22/05/2006

Với khoảng 95% người theo đạo Công giáo trong tổng số gần 2.500 người dân ở ba ấp 1, 2 và 3 của xã miền núi Nhân Nghĩa nên bà con ở huyện Cẩm Mỹ thường gọi đây là ..."làng giáo". Làng giáo này có những chuyện rất hay, như: 100% hộ dân đều sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97% gia đình được dùng nước sạch và cứ khoảng 100 dân có trên 12 máy điện thoại...

 
Chị Hòa (ngồi giữa), chi hội trưởng hội phụ nữ vùng giáo xã Nhân Nghĩa.
Với khoảng 95% người theo đạo Công giáo trong tổng số gần 2.500 người dân ở ba ấp 1, 2 và 3 của xã miền núi Nhân Nghĩa nên bà con ở huyện Cẩm Mỹ thường gọi đây là ..."làng giáo". Làng giáo này có những chuyện rất hay, như: 100% hộ dân đều sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97% gia đình được dùng nước sạch và cứ khoảng 100 dân có trên 12 máy điện thoại... Đối với vài nơi khác trong tỉnh thì chuyện này không phải là điều gì ghê gớm lắm, nhưng với một "xứ đạo" nằm trong vùng sâu, xa của huyện  mới Cẩm Mỹ thì đây là chuyện rất đáng nói.

 

Bà Nguyễn Thị Hòa - chi hội trưởng Chi hội phụ nữ "làng giáo" xã Nhân Nghĩa không những tự hào về việc trong làng có một trung tâm cung cấp nước sạch trị giá đến 3,8 tỷ đồng mà còn hãnh diện: "Ngày nay ai về xóm đạo chúng tôi cũng thấy các con đường của cả 3 ấp được thảm nhựa đẹp như bàn cờ, phong quang sạch đẹp...!". Chi hội phụ nữ làng giáo cũng đã thực hiện khá thành công trong việc lập dự án 120, như mở ra lò bánh mì, lò bún, nuôi dấm, tách hạt điều ... giải quyết việc làm tại chỗ  cho hàng trăm lao động, giúp nhiều gia đình vượt nghèo vươn lên làm ăn khấm khá. Nhưng có lẽ trong vài năm gần đây, Nhân Nghĩa được nhiều người biết đến là một địa bàn dân cư duy trì được nếp sống "2 không", đó là không có tệ nạn ma túy, không có tệ mại dâm. Riêng làng giáo thì cũng không để xảy ra các loại tội phạm.

Thực ra không phải nhờ nằm trong địa bàn vùng sâu, miền núi mà làng giáo "vô nhiễm" các loại tệ nạn xã hội. Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, đã có thời làng giáo điêu đứng trước nạn thanh thiếu niên hư hỏng, tụ tập quậy phá và lan tràn nạn trộm cắp vặt. Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng ở đây phối hợp cùng Hội liên hiệp phụ nữ xã Nhân Nghĩa củng cố lại chi hội phụ nữ 3 ấp làng giáo, hình thành 4 nhóm phụ nữ tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng (làng giáo có 642 phụ nữ trong độ tuổi tham gia hội, trong đó có 325 hội viên, 18 nữ tu). Ngoài việc giúp đỡ nhau làm kinh tế gia đình, chi hội hết sức coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là xác định vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong việc phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, chi hội phụ nữ còn kết hợp cùng ban nhân dân ấp lên danh sách số thanh niên có biểu hiện hư hỏng để lần lượt đến từng gia đình gặp gỡ, tìm hiểu từng hoàn cảnh để đề ra biện pháp vận động giáo dục  và cảm hóa. Qua đó, có 22 thanh thiếu niên hư hỏng đã có tiến bộ rõ rệt. Trong đó có những em từ bỏ thói quen chơi lêu lổng đã quay lại trường học và nay đã có việc làm ổn định. Một số thanh niên "quậy phá có tiếng" nay trở thành những đoàn viên thanh niên tiên tiến, tình nguyện nhập ngũ hoặc trở thành cán bộ nòng cốt của các tổ chức chính trị, xã hội trong xã. Trong số 87 đoàn viên thanh niên hiện nay hoạt động tích cực sôi nổi trong các phong trào thanh niên lập nghiệp, văn hóa văn nghệ - thể dục thể  thao của 3 chi đoàn trong 3 ấp làng giáo có không ít những thanh thiếu niên đã từng có ... một thời quậy không ai chịu nổi! Bà Nguyễn Thị Hòa không ngần ngại nói: "Sự tiến bộ của con em trong vùng giáo có phần góp sức không nhỏ của chị em phụ nữ qua việc tuyên truyền, giáo dục con em trong gia đình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Những nỗ lực của chị em phụ nữ trong công tác tuyên truyền vận động đã tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên, từ đó các em có bước tiến triển về tác phong, phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh".

Bùi Thuận

                                    

Tin xem nhiều