Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nỗi niềm" - tiếng lòng của một người cộng sản trung trinh, bất khuất

03:05, 20/05/2006

LTS: Nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Thành ủy Biên Hòa đã trang trọng tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 40, 50 và 60 tuổi Đảng cho 35 đồng chí cán bộ cách mạng lão thành, trong đó đồng chí Ngô Bá Cao (thuộc Đảng bộ phường Trung Dũng) được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Dịp này, nhà xuất bản Đồng Nai cũng vừa hoàn thành tập thơ "Nỗi niềm" của ông. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí HUỲNH VĂN TỚI, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh về tập thơ.

LTS: Nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Thành ủy Biên Hòa đã trang trọng tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 40, 50 và 60 tuổi Đảng cho 35 đồng chí cán bộ cách mạng lão thành, trong đó đồng chí Ngô Bá Cao (thuộc Đảng bộ phường Trung Dũng) được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Dịp này, nhà xuất bản Đồng Nai cũng vừa hoàn thành tập thơ "Nỗi niềm" của ông. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí HUỲNH VĂN TỚI, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh về tập thơ.

 

Khi còn ở trong vùng kháng chiến những năm 1970 - 1975, tôi đã nghe các cô, các chú kể về khí phách của người tử tù cộng sản và bài thơ Bước lên đài gươm máu. Câu chuyện xảy ra và bài thơ được trao truyền từ năm 1959, trước khi tôi ra đời. Mãi sau này, tôi mới biết tác giả bài thơ bất tử ấy là bác Ngô Bá Cao.

Năm nay, bác Ngô Bá Cao qua tuổi cổ lai hi đã lâu. Cuộc đời bác thật đáng để lớp trẻ tự hào, ngưỡng vọng: 24 tuổi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; 26 tuổi là Phó bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu; 32 tuổi là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa... Bác đã vào tù ra khám nhiều lần, thậm chí từng bị địch kết án tử hình, vẫn nguyên vẹn một tấm lòng trung kiên với Đảng, với dân. Nay, đã ngoại bát tuần, tuổi cao, sức yếu sau những bận bị kẻ thù khảo tra ở chốn địa ngục trần gian như Côn Đảo, hoài vọng, ý chí, tâm hồn bác Ngô Bá Cao vẫn nhiệt thành như lúc tuổi thanh xuân. Điều đó thật đáng quý biết bao!

Như nhiều chiến sĩ yêu nước và cách mạng ở thế kỷ hai mươi, bác Ngô Bá Cao từng sáng tác thơ, là nhà thơ. Lý do đầu tiên không phải là vì nghệ thuật mà trước hết, những người cộng sản đã tìm thấy ở văn chương như một vũ khí sắc bén, cùng với tâm hồn, ý chí, nghị lực của mình và những vũ khí "vật chất" khác, góp phần vào cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và đầy hy sinh cho lý tưởng. Bác Ngô Bá Cao từng cắt nghĩa việc làm thơ của mình: "Suốt hai cuộc kháng chiến (...), tôi đã sáng tác rất nhiều thơ để củng cố lập trường, giữ vững khí tiết đấu tranh chống địch trong mọi hoàn cảnh...".

Trên một đất nước có lúc thời gian chiến tranh lâu dài hơn hòa bình, thơ ca đã sinh thành như vậy đó. Không cứ phải lúc người nghệ sĩ mơ màng, "tâm hồn treo ngược ở cành cây" mới có thơ. Và, có những lúc, chính thơ, chứ không phải cái gì khác, mới giúp con người đứng vững trên đôi chân của mình, đi đến cùng của khát vọng tự do, hòa bình cho dù phía trước là súng gươm, gông cùm và cái chết.

Thơ của người cộng sản Ngô Bá Cao là lời tự tình về nghĩa cả núi sông, là tiếng hát tự do giữa ngục tù tăm tối. Có lúc, giữa lằn ranh của sự Sống và cái Chết, tiếng thơ ấy như người bạn đường, sẻ chia và tiếp sức:

Dù sáng ngày mai ta hóa ma

Đêm này ta vẫn hát ngâm ca

Cho lòng thanh thản vì non nước

Chờ được ông cha đón rước ta...

(Đêm này - 3.3.1960)

Có lúc, thơ - như tự bản chất của nó, u ẩn một nỗi buồn. Song, đấy là nỗi buồn của đấng trượng phu nặng gánh sơn hà:

Con hỡi, buồn chi nỗi vắng cha

Lúc cha còn nặng gánh sơn hà.

Đền ơn Tổ quốc công còn vắn,

Đáp nghĩa tiền nhân bước chửa xa.

Dạ sắt, gan vàng con gắng luyện,

Lòng son chí cả nối theo ba.

Hòa bình, thống nhất ngày sum họp,

Con có lo gì, nỗi vắng cha.

Bài thơ này được tác giả viết vào năm 1964, tại khám tử tù Côn Đảo, khi nhận được thư con trai nói về nỗi thiếu vắng người cha trong gia đình. Trong cái tráng khí của một con người không sợ cái chết, có chút xót xa của một người cha, nỗi vấn vương của một người đàn ông thấy khó trọn vẹn đôi đường. Điều ấy cũng thường tình thôi. Xin chớ nhìn người cộng sản chỉ là những chiến sĩ có mỗi gan vàng, dạ sắt. Không có trái tim chan chứa tình yêu người, tình yêu đời, hay "xa lạ với những gì thuộc về con người" như K. Marx đã cảnh báo, thì làm sao có khát vọng chiến đấu vì con người, mà ở đất nước ta hàng thế kỷ qua, đó là khát vọng tự do, độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân?

Thật tiếc, rất nhiều sáng tác của bác Ngô Bá Cao trong hơn ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong thời gian bác bị chế độ Mỹ - ngụy kết án tử hình rồi giam cầm ở Côn Đảo, đã bị thất lạc. Chắc chắn những sáng tác của một người biết mình ngày mai sẽ lên máy chém sẽ đem đến cho bạn đọc hôm nay nhiều cảm xúc chân thật hơn cả sự chân thật, tâm huyết hơn ngàn lời tâm huyết, bởi đó không chỉ là thơ mà là huyết lệ của một người cộng sản.

Sau năm 1975, bác Ngô Bá Cao vẫn giữ thói quen ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng thơ, khi với bạn bè, đồng chí, khi với cháu con, lúc âm thầm tỏ bày với những người đã khuất... và nhất là với Đảng, với Bác Hồ - những niềm thơ cao cả nhất đời mình. Khi đã ngoại bát tuần, "lão ông chiến sĩ" lòng vẫn nặng gánh sơn hà, thề không chỉ giữ dạ sắt son mà Một ngày còn sống là còn đấu tranh. Tấm lòng ấy, khí tiết ấy cao quý biết bao nhiêu!

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ, Nỗi niềm của một người cộng sản trung trinh, bất khuất. Hy vọng bạn đọc sẽ chia sẻ với tiếng lòng vàng son không đổi, năm tháng không phai màu chính khí.

Biên Hòa, tháng Tư 2006

Huỳnh Văn Tới

(*) Tập thơ của tác giả Ngô Bá Cao, NXB Đồng Nai ấn hành.

 

Tin xem nhiều