Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời sống văn hóa ở xã An Hòa: Sức bật từ phong trào múa lân

10:05, 26/05/2006

Giữa tiếng trống, tiếng chiêng va đập liên hồi, dồn dập, "chú lân" vừa múa vừa uyển chuyển leo lên cây cột tre cao 10m hái lộc rồi tuột từ từ xuống đất... Anh Nguyễn Nam Hiệp, đội trưởng đội lân An Hòa Đường cho biết: "Để có những động tác hài hòa, thuần thục đòi hỏi người biểu diễn phải gan dạ, có năng khiếu và kiên trì tập luyện..."

Giữa tiếng trống, tiếng chiêng va đập liên hồi, dồn dập, "chú lân" vừa múa vừa uyển chuyển leo lên cây cột tre cao 10m hái lộc rồi tuột từ từ xuống đất... Anh Nguyễn Nam Hiệp, đội trưởng đội lân An Hòa Đường cho biết: "Để có những động tác hài hòa, thuần thục đòi hỏi người biểu diễn phải gan dạ, có năng khiếu và kiên trì tập luyện..."

 

* Sống dậy những đội lân truyền thống

 

Việc khôi phục phong trào múa lân ở xã An Hòa (huyện Long Thành) có sự đóng góp rất lớn của anh Nguyễn Nam Hiệp, người khai sinh đội lân An Hòa Đường. Anh vốn là môn sinh võ học cổ truyền của võ sư kiêm ông bầu đội lân Thanh Long Đường ở xã Long Hưng (huyện Long Thành). Năm 1997, anh Hiệp mở lớp dạy võ tại nhà với mục đích giúp thanh niên trong xóm được rèn luyện sức khỏe. Được sự khuyến khích của thầy dạy võ, đồng thời cũng muốn phát huy những tinh hoa nghệ thuật truyền thống một thời bị lãng quên, Hiệp cùng các môn sinh của mình lập đội lân với trang bị chỉ có một cái trống và 2 đầu lân của thầy tặng. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự khuyến khích, giúp đỡ của người cha từng một thời đam mê múa lân và những người lớn tuổi trong xã, thầy trò anh Hiệp đã cố gắng tìm tòi luyện tập.  Lúc đầu đội chỉ có thể biểu diễn hai lớp đơn giản là "Lân xuất động" và "Lân dậy mài bãi". Dần dà đội tiến tới hoàn thiện các tiết mục "Leo sào hái lộc", biểu biễn võ thuật với 18 binh khí, công phá... khá độc đáo để phục vụ cho bà con trong xã. Đặc biệt, lớp khó khăn nhất trong nghệ thuật múa lân là "Mai Hoa Thung" rất khó và nguy hiểm nhưng An Hòa Đường cũng đã tập luyện thành thục, sáng tạo với nhiều hình thức đi bập bênh, nhảy qua ly, đi qua cáp... Điều bất ngờ đã diễn ra tại hội thi biểu diễn lân sư rồng truyền thống toàn tỉnh năm 2000 khi đội lân An Hòa Đường đã xuất sắc vượt qua nhiều đội mạnh ở các địa phương khác trong tỉnh để giành giải A.

Sự ra đời và thành công của An Hòa Đường khiến những người mê múa lân ở xã An Hòa vô cùng phấn khởi. Tại lễ cúng miễu Bàu Sen ở ấp 2 năm 2001, đội lân Bàu Sen Đường với gần 30 thành viên cũng đã được thành lập. Cũng như An Hòa Đường, buổi ban đầu, Bàu Sen Đường gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự đam mê và nhiệt tình tập luyện nên đã nhanh chóng gặt hái thành công và chen vai cùng những đội lân mạnh của tỉnh.

 

* Chỉ mới dừng lại ở phong trào

 

Từ sự say mê với sinh hoạt truyền thống của địa phương, việc khôi phục và phát triển hoạt động múa lân ở An Hòa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. An Hòa Đường từ chỗ thiếu thốn cả về vật chất lẫn kỹ thuật, đến nay đội đã tự gầy dựng cho mình cơ sở vững chắc với 70-80 vận động viên, trang bị 25 đầu lân đủ màu, 2 đầu sư tử, 4 đầu rồng dài 28m, 1 đầu phụng... Bàu Sen Đường hiện cũng không hề kém cạnh với gần 80 vận động viên,  20 đầu lân sư rồng các loại. Trong 5 năm qua, các đội lân không chỉ góp phần cổ vũ phong trào rèn luyện thể dục thể thao, làm đa dạng bản sắc văn hóa ở địa phương mà còn đạt những thành tích xuất sắc trong các giải thi múa lân cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra, cả hai đội lân còn được mời đi thi đấu, biểu diễn tại nhiều lễ hội ở tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.  Thậm chí, các đội còn được quay phim để tham dự liên hoan phim quốc tế về đề tài thể thao ở Italia năm 2005 (đoạt giải thưởng lớn)...

Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động của các đội lân ở An Hòa hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, phong trào. Để hoạt động, các đội lân phải tự thân vận động. Họ phải tự đi tìm nguồn tài trợ, tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật biểu diễn...

Phạm Mai

Tin xem nhiều