Hàng ngàn tấm ảnh được nhà điêu khắc - nhà giáo Nguyễn Phép cần mẫn cắt dán thành những bức tranh được ông tạm gọi là "tranh ảnh" theo đúng nghĩa đen của từ này. Những bức "tranh ảnh" độc đáo này đã được giới thiệu trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam", tác giả thì nhận được nhiều lời đề nghị triển lãm, bán đấu giá tác phẩm gây quỹ từ thiện xã hội...
Hàng ngàn tấm ảnh được nhà điêu khắc - nhà giáo Nguyễn Phép cần mẫn cắt dán thành những bức tranh được ông tạm gọi là "tranh ảnh" theo đúng nghĩa đen của từ này. Những bức "tranh ảnh" độc đáo này đã được giới thiệu trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam", tác giả thì nhận được nhiều lời đề nghị triển lãm, bán đấu giá tác phẩm gây quỹ từ thiện xã hội...
Trong gian phòng nhỏ ngổn ngang những phác thảo, những bức ảnh bị cắt vụn, ông kể: "Tôi cùng chị Lê Thị Phước, một nhiếp ảnh gia chuyên về đề tài trẻ em ở TP.Hồ Chí Minh, vốn là bạn bè thâm giao. Chị nói với tôi ý định về một cuộc triển lãm ảnh về trẻ em cho riêng mình với tiêu chí phải độc đáo và phải giới thiệu được khối lượng tác phẩm nhiếp ảnh về trẻ em đã chụp trong 18 năm cầm máy của chị". Khi bỏ qua ý tưởng ban đầu về một cuốn sách ảnh thật lớn do không đáp ứng được hai yêu cầu trên thì ý tưởng về những tấm "tranh ảnh" lớn cũng vừa đến. Ông Nguyễn Phép đã khiêng 5 bao tải hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Lê Thị Phước từ TP.Hồ Chí Minh về nhà mình ở khu vực Cầu Hang, xã Hóa An (TP. Biên Hòa). Quan sát kỹ từng bức "tranh ảnh", mới thấy hết sự công phu và sức sáng tạo mà ông đã dồn vào tác phẩm. Sau khi được cắt ra, những bức ảnh được phân thành những nội dung khác nhau. Phần rìa của ảnh được ông phân theo màu sắc rồi cất vào từng chiếc hộp nhỏ để "phối màu". Nghệ nhân Nguyễn Phép cho biết: Sau khi hoàn thành phác thảo, việc khó nhất là phải kiếm ảnh phù hợp đặt vào từng vị trí để thể hiện mọi chi tiết trong toàn bộ nội dung bức tranh. Công đoạn dán ảnh cũng rất công phu. Những tấm ảnh đã cắt được ông dán thử vào tranh bằng băng keo hai mặt để có thể tháo ra chỉnh sửa. Đến khi đã có quyết định cuối cùng thì ông dán bằng keo sữa, một loại keo hóa học có độ kết dính rất mạnh. Cứ thế, có những đêm ông thức đến 1-2 giờ sáng để hết cắt rồi lại dán. Suốt 5 năm cần mẫn, tỉ mỉ với từng chi tiết nhỏ nhất, 7 bức "tranh ảnh" đầu tiên trong kế hoạch 10 bức đã hoàn thành có tên: Con rồng cháu tiên, Xích đu tiên, Bắc Trung
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Phép đang thực hiện một bức "tranh ảnh" mới rất lớn. Ông bảo, lần này ông muốn xác lập một kỷ lục để sau này chính ông và mọi người đều khó vượt qua. Bức "tranh ảnh" tái hiện hai truyện cổ nổi tiếng về hai nhân vật mà trẻ em thuộc nằm lòng: Thánh Gióng và Đinh Bộ Lĩnh. Tranh có kích thước 2,5m x 31m, được ông dự kiến sử dụng khoảng 30.000 tấm ảnh. Ông cho biết, bức "tranh ảnh" kỷ lục này sẽ có mặt trong buổi triển lãm chung vào ngày 1-6 tới của ông và nhà nhiếp ảnh Lê Thị Phước, đồng tác giả của những bức "tranh ảnh" trên. Hai tác giả cũng có ý tặng những bức "tranh ảnh" trên cho các tổ chức từ thiện - xã hội để đưa ra bán đấu giá, gây quỹ từ thiện. Tuổi đã ngoài 60 nhưng xem chừng sức sáng tạo của người cựu học sinh Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) này vẫn rất mạnh mẽ. Ông bảo, sau những bức "tranh ảnh" lớn đã hoàn thành, ông sẽ đi vào những "tranh ảnh" kích thước nhỏ hơn với từng chủ đề cụ thể. Và lần này, ông sẽ một mình "vác" máy ảnh đi Hà Nội, Tây Nguyên để đem về những bức ảnh làm chất liệu.
Một điều có lẽ ít người biết, nhà điêu khắc Nguyễn Phép là tác giả của những tác phẩm điêu khắc ngoài trời mà nhiều người trong chúng ta thấy hàng ngày như: tượng Trần Hưng Đạo ở vòng xoay Công trường Mê Linh (Q.1, TP.Hồ Chí Minh), tượng Phật bà Quan Âm trên núi Bửu Long, tượng Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm... Ông từng là giảng viên của Trường kỹ thuật Cao Thắng, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai và hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ gốm mỹ thuật Đồng Nai.
Minh Chánh